03/05/2020 15:20
Liệu Mỹ có 'vĩ đại trở lại' khi kiềm chế công nghệ với Trung Quốc?
Tại Mỹ, những người chống Trung Quốc muốn "hạ bức màn" công nghệ. Liệu điều này có giúp nước Mỹ một lần nữa trở nên vĩ đại hay không?
Mỹ thắt chặt các quy tắc cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành nghị định, theo đó mở rộng các yêu cầu để có được giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu và chuyển giao các vật liệu dành cho việc sử dụng vào mục đích quân sự đầu cuối.
Tài liệu cũng giới thiệu khái niệm người dùng quân sự đầu cuối ở Trung Quốc. Giờ đây, hầu như bất kỳ thành phần công nghệ cao và điện tử nào cũng có thể bị đưa vào danh sách hạn chế.
Đằng sau căng thẳng thương mại là sự lo lắng về cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Trước đây, Mỹ cũng đã từng áp dụng những hạn chế trong việc xuất khẩu các sản phẩm quân sự và sản phẩm có mục đích sử dụng kép. Tuy nhiên, chỉ có một nhóm khá hẹp những hàng hóa đặc biệt được đưa vào danh sách này. Các mặt hàng được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực dân sự đã được loại trừ khỏi các hạn chế xuất khẩu đặc biệt. Chẳng hạn, Mỹ tất nhiên không cung cấp cho Trung Quốc các chi tiết thuộc máy bay quân sự của mình.
Các quy tắc mở rộng mới làm rõ rằng nếu một số sản phẩm, linh kiện hoặc phần mềm về mặt lý thuyết có thể được sử dụng trong thiết bị quân sự, thì hạn chế xuất khẩu cũng được áp dụng cho các sản phẩm này. Ngoài ra, Mỹ cũng đưa ra khái niệm về người dùng quân sự đầu cuối: đó có thể là bất kỳ ai, bao gồm cả công ty dân sự có hoạt động nào đó liên quan tới tăng cường hiệu quả chiến đấu của quân đội Trung Quốc.
Sự mơ hồ về khái niệm trong tài liệu mới của Bộ Thương mại Mỹ đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ví dụ, bánh xe cũng được sử dụng trong xe quân sự. Vậy thì chẳng lẽ cung cấp lốp xe cũng bị hạn chế hay sao? Tất cả mọi người, bao gồm cả các quân nhân, đều sử dụng các sản phẩm vệ sinh cá nhân. Chẳng lẽ nhà sản xuất kem đánh răng cũng bị đưa vào danh sách hạn chế của Bộ Thương mại Mỹ vì công ty làm việc để tăng hiệu quả chiến đấu của quân đội Trung Quốc?
Các câu hỏi trên có vẻ rất xa vời, nhưng nhà sản xuất vi mạch lớn nhất Đài Loan TSMC đã phải đối mặt với những vấn đề thực sự. Công ty này là nhà cung cấp vi mạch lớn nhất cho Huawei và hiện đang chịu áp lực từ Mỹ vì Washington kêu gọi ngừng cung cấp linh kiện cho nhà sản xuất Trung Quốc, với lý do rằng trong sản xuất có sử dụng thiết bị của Mỹ.
Mỹ-Trung đọ sức từ thương mại đến công nghệ và chiến lược. |
Rõ ràng, trên thực tế mục đích của những biện pháp mà Bộ thương mại Mỹ đưa ra là nhằm củng cố về mặt luật pháp cho chính sách của Washington trong lĩnh vực kiềm chế phát triển công nghệ của Trung Quốc. Đó là quan điểm của ông Wang Peng, Phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chungyang, Đại học Nhân dân Trung Quốc mà ông chia sẻ với Sputnik.
Ông nói: “Đây là sự tiếp nối chính sách dài hạn của Trump nhằm cản trở sự phát triển về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Các hạn chế bao gồm những hàng hóa mà chính Trung Quốc không thể sản xuất hoặc năng lực công nghệ không mạnh trong lĩnh vực này. Từ trước khi lên nắm quyền, Trump đã nói rõ rằng chính sách của ông sẽ được xây dựng như thế nào, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ đang thắt chặt chính sách xuất khẩu của mình.
Ngoài ra, chính quyền Trump sử dụng dịch bệnh COVID-19 như một cái cớ để chuyển các cáo buộc sang Trung Quốc và nêu bật cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc không đối phó đúng đắn với sự lây lan của dịch bệnh, và kết quả là điều này mang lại đau khổ cho người dân Mỹ. Chúng ta thấy rằng Mỹ đã hình thành nghị sự tranh biện để gây áp lực và buộc tội Trung Quốc”.
Các biện pháp hiện tại là sự tiếp nối hợp lý của chính sách mà Washington bắt đầu áp dụng từ năm ngoái về việc kiềm chế phát triển công nghệ của Trung Quốc, khi Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và một số công ty công nghệ hàng đầu khác của Trung Quốc vào danh sách đen. Chỉ có điều, sau đó các biện pháp này đã gặp phải sự kháng cự nghiêm trọng từ giới doanh nghiệp Mỹ, vì Trung Quốc là thị trường lớn nhất để các công ty này tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ của mình.
Liệu Mỹ đang dùng Huawei như nước cờ kìm hãm tốc độ lan tỏa công nghệ Trung Quốc ra toàn cầu? |
Chỉ riêng năm 2018, Huawei đã mua các linh kiện và sản phẩm công nghệ cao từ Qualcomm, Intel, Micron Technology Inc. và Broadcom Inc. với trị giá hợp đồng là 13 tỷ USD. Dưới áp lực của hành lang công nghệ, Bộ Thương mại Mỹ đã nhiều lần gia hạn giấy phép tạm thời để cung cấp linh kiện cho Huawei.
Ngoài ra, nhiều công ty bắt đầu cung cấp sản phẩm thông qua các cấu trúc nước ngoài của họ. Tài liệu mới của Bộ Thương mại Mỹ phải “bịt những lỗ hổng này”. Theo chuyên gia Wang Peng, chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ doanh nghiệp. Ông nói: “Mỹ có thể thực hiện các biện pháp này, nhưng sẽ đối mặt với vấn đề của một trò chơi bốn chiều.
Thật vậy, trong số các bên quan tâm không chỉ có chính phủ Mỹ và Trung Quốc, mà còn là doanh nghiệp của hai nước. Đối với các công ty, Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Và đương nhiên mục tiêu của các công ty Mỹ là tối đa hóa lợi nhuận. Trong bối cảnh thương mại thế giới đang suy giảm, và do sự lây lan của dịch bệnh, số lượng đơn đặt hàng đang giảm, các công ty Mỹ khó có thể ủng hộ một chính sách như vậy.
Chúng ta sẽ cần phải quan sát trò chơi của chính quyền Mỹ với doanh nghiệp Mỹ và đưa ra phản ứng thích hợp tùy thuộc vào diễn biến của trò chơi này. Ví dụ, thông qua các cuộc đàm phán song phương để giảm áp lực của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc, tiếp tục mở cửa thị trường Trung Quốc, để cho các công ty Mỹ thấy rằng các điều kiện và lợi nhuận hấp dẫn là trong tầm tay.
Bằng cách này có thể tăng cường động lực của các công ty Mỹ để chống lại các quyết định của chính phủ”. Theo vị chuyên gia này, các biện pháp hiện tại là nằm trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc.
Hơn nữa, trong những năm tới, xu hướng mâu thuẫn lập trường của Bắc Kinh và Washington vẫn sẽ tiếp tục, bất kể Trump có giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới hay không. Ở Mỹ đã đạt được sự đồng thuận hiếm hoi giữa các bên về sự cần thiết phải kiềm chế Trung Quốc bằng mọi giá.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 có thể là hy vọng cho việc cứu vãn căng thẳng Mỹ - Trung nếu Biden (phải) chiến thắng? |
Vì thế mà chúng ta quan sát thấy những cuộc tấn công từ phía các đại diện cá nhân thuộc giới cầm quyền chính trị ở Washington nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng. Trong khi hệ thống nội bộ đang gặp trục trặc, điều rất quan trọng là chuyển sự chú ý của dân chúng sang tìm kiếm các mối đe dọa bên ngoài và tìm ra một “vật tế thần”.
Trong viễn cảnh ngắn hạn, các chính sách của Washington có thể tỏ ra là có hiệu quả. Quan điểm rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán đã được cả các chính trị gia cũng như giới truyền thông “độc lập” của Mỹ ủng hộ.
Xu hướng rõ ràng là Washington đang thổi phồng tâm lý chống Trung Quốc. Điều này có thể đẩy doanh nghiệp ra khỏi thị trường Trung Quốc và tước đoạt không cho Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ. Nhưng mặt khác, điều này sẽ vô tình buộc Trung Quốc tìm kiếm sự thay thế cho công nghệ Mỹ, trước tiên là từ các nhà cung cấp khác, sau đó phát triển năng lực của chính mình. Và cuối cùng, các công ty Mỹ sẽ mất việc.
Trên thực tế, ngay cả Lầu Năm Góc cũng chống lại việc mở rộng các hạn chế xuất khẩu và chỉ ra rằng, mối đe dọa bên ngoài từ Trung Quốc không lớn đến mức tước đi thị trường tiêu thụ của các công ty Mỹ, mà phải có tiền thì các công ty này mới có thể đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Nhưng tạm thời, người cầm chịch ở đây là Bộ Thương mại và những nhân vật diều hâu chống Trung Quốc, những người muốn hạ bức màn công nghệ. Câu hỏi lớn duy nhất là: liệu điều này có giúp nước Mỹ một lần nữa trở nên vĩ đại hay không?
(Nguồn: TTXVN/Sputnik)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp