14/05/2021 12:42
Liệu có chuyện cấu kết, lợi dụng đẩy giá thép tăng cao?
Ngoài việc làm rõ có cấu kết, lợi dụng tăng giá thép hay không, Nhà nước cần có sự can thiệp kịp thời về chính sách trước biến động cung – cầu cũng như những động thái quyết liệt về thị trường, nhằm ổn định giá cho mặt hàng thép.
Những ngày gần đây, giá thép nói chung và mặt hàng thép nói riêng trên thị trường tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thép đã thông báo điều chỉnh tăng giá thép với tổng mức tăng khoảng từ 3.100 - 3.500 đồng/kg. Riêng giá bán thép xây dựng tại các nhà máy sản xuất thép ở mức khoảng từ 14.100 - 16.300 đồng/kg tùy theo chủng loại và nhà sản xuất (chưa có VAT và chiết khấu bán hàng).
Nguồn cung nguyên liệu hạn chế, giá cao
Theo lý giải của các DN thép, việc phải điều chỉnh tăng giá mặt hàng thép xây dựng trong nước là do tác động của giá thép phế liệu, phôi thép (nguyên vật liệu chính để sản xuất thép xây dựng) trên thị trường thế giới biến động tăng liên tục. Tổng mức tăng giá phôi thép vào khoảng 135-145 USD/tấn (tăng khoảng 25%). Hiện giá chào phôi thép khu vực Đông Nam Á vào khoảng 570-590 USD/tấn.
Phân tích rõ hơn về nguyên nhân, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, việc Trung Quốc thay đổi chính sách phát triển ngành thép là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá nguyên liệu và giá thép thành phẩm tăng cao. Trung Quốc gia tăng nhập khẩu nhưng hạn chế xuất khẩu sản phẩm thép khiến cho nguồn cung suy giảm, từ mức 112 triệu tấn/năm trong các năm 2015-2016 thì hiện nay Trung Quốc chỉ xuất khẩu 52 triệu tấn.
Đặc biệt, giá quặng sắt “nhảy múa” sau khi quan hệ Trung Quốc và Australia căng thẳng về thương mại, bởi Trung Quốc nhập 2/3 quặng sắt từ Australia. Những lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy giá quặng sắt do quan hệ giữa nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc và nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất Australia có dấu hiệu xấu đi.
“Thị trường thế giới bị mất đi nguồn cung từ Trung Quốc khiến cho cung-cầu của thị trường thế giới thay đổi. Trong khi đó, nguồn cung thép từ Mỹ, châu Âu không tăng nhanh được vì Covid-19, cộng với các gói kích cầu của Mỹ, châu Âu phục hồi nên nhu cầu thép tăng lên, đẩy giá thép toàn cầu tăng lên”, ông Đa nói.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng chỉ rõ, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.
Trong báo cáo tình hình thực hiện cung-cầu và biến động giá thép do Bộ Công Thương gửi tới Thủ tướng Chính phủ mới đây, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu như̛ quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn; thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…
“Giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các DN sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Với thép xây dựng, do giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (thép phế liệu, điện cực..) nên sẽ chịu ảnh hưởng của giá thế giới”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Cần chính sách và động thái can thiệp kịp thời
Để ổn định cung-cầu trong thời gian tới và không để giá thép gây ra tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết đã có công văn gửi các DN thành viên khuyến nghị tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Đồng thời, các DN thép cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước. Cùng với đó tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
VSA cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch sản xuất bán hàng trong Quý II/2021 và dự kiến cả năm 2021 để tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước và truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép, góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại, giúp cho các DN sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng, Bộ Công Thương nhìn nhận sẽ vẫn mất cân đối cung - cầu trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng.
Do vậy, để tăng nguồn cung các loại thép, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, mặc dù Bộ Công Thương có trình Chính phủ một số giải pháp nhằm hạn chế đà tăng của giá thép tuy nhiên, về lâu dài cần có chiến lược bền vững cho ngành thép Việt Nam vì đây là ngành sản xuất vô cùng quan trọng cho xây dựng và phát triển trong giai đoạn tới.
Cụ thể, Việt Nam cần tiến tới chủ động nguồn cung nguyên liệu thép vì hiện nay vẫn phải nhập tới 80 – 90% nguyên liệu của nước ngoài. Đồng thời, hơn lúc nào hết cần có sự liên kết hợp tác giữa các DN sản xuất thép với nhau, không để mỗi DN làm một kiểu, mạnh ai người đó làm và tranh mua tranh bán như đang diễn ra hiện nay.
Đặc biệt theo ông Phú, vì thép là mặt hàng chiến lược quốc gia có liên quan và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là giá thành của các dự án đầu tư công, xây dựng phát triển hạ tầng cũng như thị trường bất động sản… Do đó, Bộ Công Thương, ngành thép và nhất là lực lượng quản lý thị trường cần tổ chức tốt lại khâu phân phối, xem xét, kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm nếu có khâu trung gian nào đang cấu kết, lợi dụng thời điểm nhạy cảm để đầu cơ tích trữ, đẩy giá thép lên cao./.
Advertisement
Advertisement