Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Liên tục bị mạo danh bán hàng: Doanh nghiệp bất động sản phải làm gì?

Novaland, Hưng Thịnh Corp, Him Lam Land, Nam Long Group… liên tục bị các doanh nghiệp khác mạo danh bán hàng, lừa đảo người mua nhà nhưng đành trân mình chịu đựng.

Mượn danh

Chánh thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 73/QĐ-XPVPHC, xử phạt phạt Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nam Long Real 20 triệu đồng do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Nam Long đang được bảo hộ độc quyền của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG).

Đồng thời, buộc Nam Long Real chấm dứt sử dụng, loại bỏ yếu tố “Nam Long” hay “NamLong” trên tất cả phương tiện kinh doanh, các biển hiệu, giấy tờ giao dịch như tài liệu dự án, brochure, tờ rơi, danh thiếp, nội dung các trang thông tin điện tử… mà Nam Long Real đang sử dụng trái phép.

Nam Long Real bị Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ xử phạt 20 triệu đồng vì mạo danh NLG.
Nam Long Real bị Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ xử phạt 20 triệu đồng vì mạo danh NLG.

Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của NLG khi bị Nam Long Real mạo danh bán hàng. Trước đó, hàng loạt khách hàng đã phản ánh với NLG sự nhầm lẫn giữa Nam Long Real và NLG dẫn tới việc khách hàng mua đất ở những dự án không đúng như quảng cáo.

Cụ thể, Nam Long Real có địa chỉ ở 1055 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM còn NLG có trụ sở tại quận 7, TP.HCM. Nam Long Real quảng cáo có dự án đất nền ở quận 9, TP.HCM nhưng khi dẫn khách hàng đi xem đất lại đưa người mua tới tận Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sau đó, NLG đã xác minh, tập hợp thông tin và gửi yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi của Nam Long Real thực hiện. Ngày 16/8, đoàn thanh tra gồm đại diện Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ, Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng Bộ Công An đã tiến hành kiểm tra trụ sở của Nam Long Real.

Tại đây, với sự xác nhận của đại diện Nam Long Real, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Tương tự, Hưng Thịnh Corp vừa bị hàng chục khách hàng kéo lên trụ sở ở đường Trần Quốc Toản, phường 7, quận 3, TP.HCM để đòi đất nền dự án Hưng Thịnh Cát Tường ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vì chủ đầu tư đã thu đủ tiền nhưng không chịu giao đất.

Điều đáng nói, Hưng Thịnh Corp không phải là chủ đầu tư dự án này mà là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Group, có trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TP.HCM. Hưng Thịnh Corp cũng không có bất cứ liên quan gì tới Hưng Thịnh Group và không phải là chủ đầu tư dự án Hưng Thịnh Cát Tường nhưng do trùng tên nên nhiều người lầm tưởng dự án tai tiếng này là của Hưng Thịnh Corp.

Không phải chủ đầu tư dự án Hưng Thịnh Cát Tường nhưng Hưng Thịnh Corp vẫn bị khách hàng kéo lên trụ sở đòi đất vì trùng tên.
Không phải chủ đầu tư dự án Hưng Thịnh Cát Tường nhưng Hưng Thịnh Corp vẫn bị khách hàng kéo lên trụ sở đòi đất vì trùng tên.

Him Land Land cũng phải ra thông báo về việc bị giả mạo thông tin về dự án Khu dân cư Him Lam 2, tọa lạc ở ngã tư đường Nguyễn Văn Linh và Quốc lộ 50. Thông tin này được cung cấp bởi một số nhân viên môi giới bất động sản thông qua hình thức phát tờ rơi quảng cáo, liên hệ qua điện thoại… Theo Him Lam Land, công ty không hề triển khai dự án nào mang tên Khu dân cư Him Lam 2 tại địa chỉ trên.

Trước đó, Novaland cũng từng phát đi thông báo về việc thương hiệu dự án Sunrise City đã bị mạo danh. Cụ thể, một dự án ở Hà Nội không phải của Novaland đã được đặt tên là Sunrise City. Theo Novaland, thương hiệu Sunrise City đã được công ty bảo hộ độc quyền và phát triển dự án mang tên này tại TP.HCM.

Phúc Điền Land có trụ sở ở TP.HCM cũng bị một doanh nghiệp khác lấy hình ảnh, thông tin dự án để đi lừa đảo khách hàng ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Cụ thể, Phúc Điền Land đang bán dự án đất nền ở Tỉnh lộ 44, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bị Phước Điền Land mạo danh, khiến khách hàng hiểu lầm.

Đó là chưa kể, hàng loạt doanh nghiệp thường đặt tên ăn theo thương hiệu của các Tập đoàn lớn, ngân hàng để dễ bán hàng. Điển hình, Vincom Real ăn theo thương hiệu Vincom của Tập đoàn Vingroup, Vietin Real ăn theo Vietinbank, Techcom Real ăn theo Techcombank, MB Land nhái theo MBBank…

Phải mạnh tay

Theo đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Nam Long Real là đơn vị không có bất kỳ mối quan hệ sở hữu nào với NLG nhưng đã sử dụng trái phép và xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu Nam Long trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng đất nền tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Hành vi của Nam Long Real không chỉ gây ra hiểu nhầm cho khách hàng mà còn phương hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu đã được tạo dựng và phát triển hàng chục năm của NLG. Do đó, NLG sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp luật định để giải quyết triệt để vi phạm của Nam Long Real.

“Khách hàng quan tâm dự án bất động sản nên tìm hiểu kỹ, xác minh thông tin từ các kênh thông tin chính thức, đáng tin cậy của chủ đầu tư để phòng ngừa những rủi ro, gây thiệt hại đáng tiếc do hành vi vi phạm của các bên thứ 3 gây ra”, đại diện NLG nói.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, vấn đề xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan quản lý, không chỉ trong bất động sản mà còn nhiều ngành nghề khác.

Tuy nhiên, ra đời hơn 10 năm nhưng cho đến nay, ngoài việc quy định còn thiếu chặt chẽ, chưa theo kịp tính thời đại thì ở phần ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thờ ơ với việc xây dựng quy trình bảo hộ cho các nhãn hiệu, thương hiệu của mình. 

Thương hiệu dự án Sunrise City của Novaland ở TP.HCM đã bị một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội mạo danh.
Thương hiệu dự án Sunrise City của Novaland ở TP.HCM đã bị một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội mạo danh.

“Việc xây dựng thương hiệu không đúng quy trình gây ra hệ lụy có thể bị tranh chấp khi có các doanh nghiệp khác đăng ký trước mình, thậm chí bản thân doanh nghiệp cũng có thể rơi vào vòng kiện tụng khi vô tình sử dụng tên thương hiệu, nhãn hiệu mà đã được đăng ký trước đó. Do đó, đây là vấn đề cần được nhận thức lại một cách đúng đắn nếu doanh nghiệp muốn phát triển đường dài”, ông Huỳnh nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, một doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án như khu nghỉ dưỡng, chung cư, đất nền, nhà phố, văn phòng cho thuê… bộ phận truyền thông sẽ tìm kiếm công ty tư vấn thương hiệu để lựa chọn tên cho dự án theo yêu cầu chủ đầu tư.

Đơn vị tư vấn thương hiệu này hoặc bộ phận truyền thông và marketing của chính doanh nghiệp đó sẽ đưa ra gần chục tên gọi và chủ đầu tư sẽ dùng những tên gọi này nhờ công ty sở hữu trí tuệ lựa chọn, rà soát để tránh những tên đã trùng và tiến hành đăng ký. Sau khi đăng ký thì thiết kế logo, slogan.

“Nhãn hiệu gồm 3 yếu tố là tên dự án, logo và slogan. Một nhãn hiệu bất động sản có thể bao gồm cả 3 yếu tố hoặc chỉ 2 yếu tố là tên dự án và logo hoặc tên dự án và slogan. Muốn tránh kiện tụng thì phải kiểm tra qua Cục Sở hữu Trí tuệ”, ông Hoàng nói.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay việc kiện cáo trong việc bảo vệ thương hiệu đang kéo rất dài. Điều này gây ra sự tốn kém về chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, trong khi luật vẫn còn hạn chế.

“Vì vậy, doanh nghiệp bất động sản đừng đợi ai mà trước hết phải tìm cách tự bảo vệ mình, chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu và phải đăng ký một cách chuyên nghiệp. Chi phí để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong thời gian 10 năm khoảng 2 triệu đồng”, ông Quyền nói.

Luật sư Quyền cho biết thêm, việc mạo doanh bán hàng là vi phạm điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 về các hành vi bị cấm như gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản. Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về các hành vi bị cấm như lừa dối và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về sản phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp mạo danh còn vi phạm điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn. Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004 về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement