14/06/2020 20:54
Liên minh tình báo Five Eyes dồn Trung Quốc vào thế khó
Bắc Kinh sẽ phải có nhiều nỗ lực nhiều hơn để chống lại sức ép từ Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.
Sự đồng thuận của các thành viên liên minh trong việc đánh giá về tham vọng thông qua các hành động của Bắc Kinh "là dấu hiệu cho thấy chính sách ngoại giao Chiến binh Sói của Trung Quốc đã phản tác dụng", theo SCMP.
Thời gian gần đây, Trung Quốc và các thành viên của Five Eyes đã va chạm nhau trên một loạt mặt trận. Trong đó có thể thấy, từ việc xử lý đại dịch Covid-19 đến công nghệ, vấn đề Hồng Kông và mạng viễn thông 5G.
Các nhà quan sát nhận ra rằng, các thành viên Five Eyes ngày càng phối hợp chặt chẽ với nhau trong hành động, nhưng không được chú ý.
Các thành viên liên minh tình báo Five Eyes đang phối hợp chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. |
Cách đây hai năm, dấu hiệu đầu tiên về sự phối hợp của Five Eyes trong hành động đối phó với Trung Quốc đã xuất hiện. Đó là lúc Canada theo yêu cầu của Mỹ, bắt Mạnh Vạn Châu, Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei.
Việc bắt giữ bà Mạnh gây nên phản ứng dữ dội của Bắc Kinh. Trung Quốc xem động thái này là nỗ lực của các nước trong liên minh nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Trong vài tuần sau, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách bắt giữ hai công dân Canada với lý do là họ làm gián điệp.
Cùng với yêu cầu bắt giữ nhân vật “cộm cán” của Huawei, Mỹ xiết chặt việc trao đổi công nghệ và khoa học với Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng hạn chế nhập cảnh đối với các nhà khoa học và nghiên cứu sinh Trung Quốc.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng trong năm nay, khi dịch virus corona ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc bùng phát thành đại dịch. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã cố ý cho phép mầm bệnh lây lan ra ngoài biên giới nước này. Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đi đầu trong cuộc kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc virus corona. Đáp lại, Bắc Kinh áp thuế cao trên mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia, yêu cầu công dân và sinh viên Trung Quốc không được đến Australia.
Tháng trước, Mỹ và Anh đã tố cáo quyết định của Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới đối với Hồng Kông. Chính phủ Anh đã tuyên bố liên minh sẽ chia sẻ gánh nặng trong việc tiếp nhận người Hồng Kông, nếu họ muốn rời khỏi đặc khu bán tự trị này của Trung Quốc.
Mạnh Vạn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei Technologies, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. |
Georgina Downer, người đứng đầu công ty tư vấn chiến lược và địa chính trị Tenjin Consulting, cho biết có những dấu hiệu rõ ràng về sự phối hợp hành động của Five Eyes. Bằng chứng là năm thành viên của liên minh đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố chung về Hồng Kông, tuyên bố đối thoại kinh tế Five Eyes để điều phối sản xuất hàng hóa chiến lược.
Sự thay đổi nhanh chóng chính sách của Anh trên hồ sơ mạng viễn thông 5G có sự tham gia của Huawei, đồng thời với thỏa thuận giữa các quốc gia Five Eyes xúc tiến việc thành lập nhóm các quốc gia D10 nhằm hợp tác phát triển công nghệ 5G là một ví dụ điển hình về phản ứng của liên minh đối với Trung Quốc.
Georgina Downer cho rằng, cách tiếp cận về ngoại giao kiểu “chiến binh sói” của Trung Quốc đã phản tác dụng. Nó chỉ nhanh chóng thúc đẩy sự liên kết giữa các quốc gia Five Eyes. Liên minh này giờ đây hết sức cảnh giác với sự đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Các chuyên gia nhìn nhận rằng, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nếu các thành viên Five Eyes hay nhóm G7 phối hợp với nhau để đối đầu với Trung Quốc.
Shi Yinhong, chuyên gia về Mỹ thuộc Đại học Renmin Trung Quốc, cho biết áp lực của Five Eyes sẽ làm phức tạp thêm sự phát triển - vốn đang gặp khó khăn trên mặt trận kinh tế - của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ và bốn quốc gia trong Five Eyes không hoàn toàn phù hợp với nhau trong chính sách về Trung Quốc, nhưng đây vẫn là một liên minh vững chắc và đầy thách thức đối với Bắc Kinh.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp