28/02/2020 08:15
Liên minh "móc túi" ở Khu dân cư Hòa Lân: Công ty Thiên phú trở thành nạn nhân (bài 5)
Vi phạm trong thực hiện hợp đồng tín dụng 28.0307.15/HĐTD khiến Công ty Thiên Phú trở thành nạn nhân của ngân hàng Agribank Chợ Lớn.
Agribank vừa đá bóng vừa thổi còi
Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn (mã số doanh nghiệp: 0312371955) chính là sân sau của Agribank Chợ Lớn, do ông Nguyễn Việt Hưng - cán bộ trong ban xử lý nợ của Ngân hàng Agribank góp 76% vốn điều lệ, là cổ đồng sáng lập của Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn.
Căn nhà nơi Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn từng thuê để làm trụ sở. |
Để đạt mục đích của “liên minh” thâu tóm tài sản của Công ty Thiên Phú trái pháp luật. Agribank Chợ Lớn (100% vốn Nhà nước) đã để ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Trưởng Phòng Pháp chế, Thành viên Hội đồng tín dụng, Ủy viên của Hội đồng xử lý tài sản tại Agribank Chợ Lớn, Trưởng phòng giao dịch Đông Chợ Lớn - Agribank Chợ Lớn và là em vợ của ông Phạm Băng Bộ, Giám đốc Agribank Chợ Lớn đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn để tổ chức bán đấu giá dự án của Công ty Thiên Phú.
Hành vi “vừa đá bóng vừa thổi còi” này của Agribank Chợ Lớn vi phạm nghiêm trọng điểm d khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 (cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam), vi phạm điều thứ nhất trong số 19 điều Đảng viên không được làm đó là “làm những việc mà pháp luật không cho phép”.
Những vi phạm nêu trên lý giải vì sao Công ty Thiên Phú dễ dàng bị thâu tóm hết toàn bộ 3 dự án với giá rẻ và ngập lặn trong khoản nợ do hành vi của nhóm “liên minh” thâu tóm tài sản gây ra. Tổng diện tích 3 dự án với 1.312.304 m2 đất, số tiền thu được là 1.662 tỷ đồng đồng nhưng đến ngày 28/6/2018 Công ty Thiên Phú vẫn bị Agribank Chợ Lớn yêu cầu trả nợ số tiền lên đến 2.056.500.574.378 đồng.
Thiên Phú trở thành nạn nhân
Vi phạm trong thực hiện hợp đồng tín dụng 28.0307.15/HĐTD khiến Công ty Thiên Phú trở thành nạn nhân của ngân hàng Agribank Chợ Lớn.
Hợp đồng tín dụng 28.0307.15/HĐTD được ký kết và thực hiện theo Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN1 ngày 3/10/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để vay 738,2kg vàng hạt (tương đương 250 tỷ đồng hoặc tương đương số vàng là 18.634,266 lượng vàng AAA hoặc SJC).
Theo Điều 3 Hợp đồng này, hạn trả nợ cuối cùng là ngày 25/10/2010. Ngày 29/10/2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN về huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 29/10/2010 và thay thế cho Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN1.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn bằng vàng đối với mục đích sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, các hợp đồng tín dụng cho vay theo Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN1 được thực hiện cho đến khi hết thời hạn hợp đồng tín dụng.
Công ty Thiên Phú bị thiệt hại nặng nề. |
Theo quy định của pháp luật, Agribank không được tiếp tục duy trì hợp đồng tín dụng kể từ ngày 26/10/2010 (do hợp đồng tín dụng 28.0307.15/HĐTD hết thời hạn vào ngày 25/10/2010) và chậm nhất phải quy đổi dư nợ bằng vàng ra VND tại ngày 29/10/2010 (ngày hiệu lực của Thông tư 22/2010/TT-NHNN).
Tuy nhiên, sau ngày 29/10/2010 Ngân hàng Agribank vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng tín dụng cho vay 18.634,266 lượng vàng (ngày 11/1/2013 Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú tiếp tục ký Phụ lục số 28.0307.15/06/PKHĐ của hợp đồng tín dụng quy định tổng số vàng cho vay là 18.634,266 lượng vàng và đến ngày 31/12/2013 Agribank Chợ Lớn mới quy đổi vàng ra VND như văn bản thông báo ngày 18/04/2019 Agribank Chợ Lớn).
Như vậy, rõ ràng hợp đồng tín dụng 28.0307.15/HĐTD ngày 26/3/2007 (được sửa đổi bổ sung bằng các phụ kiện/phụ lục của hợp đồng tín dụng) đã vi phạm quy định của pháp luật (Thông tư 22/2010/TT-NHNN, có hiệu lực ngày 29/10/2010) và do đó bị vô hiệu theo quy định tại các Điều 122, 127 và 128 Bộ luật dân sự 2005.
Theo quy định tại Điều và 137 Bộ luật dân sự 2005, các quyền, nghĩa vụ dân sự của Agribank và Công ty Thiên Phú theo hợp đồng tín dụng 28.0307.15/HĐTD chấm dứt kể từ thời điểm ngày 29/10/2010, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Công ty Thiên Phú phải hoàn trả cho Agribank 18.634,266 lượng vàng quy đổi ra VND theo giá vàng SJC tại ngày 29/10/2010 là: 18.634,266 x 32.980.000 đồng = 614.559.214.000 đồng. Do vậy, Công ty Thiên Phú chỉ phải thanh toán tối đa số nợ gốc đã quy đổi của hợp đồng tín dụng 28.0307.15/HĐTD cho Agribank Chợ Lớn là 614.559.214.000 đồng, không phải số 812.689.720.000 đồng như Agribank Chợ Lớn yêu cầu và không phải trả lãi vay cho hợp đồng tín dụng bị vô hiệu.
“Với diễn biến sự việc như trên, theo quy định của pháp luật hiện hành, Công ty Thiên Phú căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự về “Quyền khởi kiện vụ án” với quy định: “...cá nhân, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú nói.
Có quyền khởi kiện
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, Công ty Thiên Phú khởi kiện vụ án căn cứ vào các quy định của pháp luật để khởi kiện như: Bộ luật dân sự 2015: điểm c khoản 1, Điều 117; Điều 122 về “hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật; khoản 2 Điều 422 “về thỏa thuận hủy hợp đồng”; Điều 424 “về hủy hợp đồng theo thỏa thuận”; Điều 451 “về công khai, minh bạch bảo đảm quyền, lợi ích của các bên tham gia bán đấu giá”.
Luật đất đai 2013 tại khoản 2 Điều 118 “không bán đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất”; khoản 2 Điều 173 về không thể chấp, chuyển nhượng đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất. Luật Kinh doanh bất động sản ở khoản 3, điều 48 “việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản”.
Khu dân cư Hòa Lân có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ Tòa án quận 7. |
Nghị định số 17/2010/NĐ – CP về bán đấu giá tài sản: điểm a, khoản 1, Điều 48 về các trường hợp hủy kết quả bán đấu giá tài sản: “hủy kết quả bán đấu giá do thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá”. Điểm b khoản 1 Điều 48 này quy định về thẩm quyền của Tòa án như sau: “Hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá bị Toà án tuyên bố vô hiệu hoặc bị huỷ theo quy định của pháp luật dân sự".
Ngoài ra, căn cứ vào khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự về lãi suất và những vị phạm của ngân hàng Agribank Chợ Lớn trong việc thực hiện hợp đồng tín dụng về tính nợ gốc và lãi trái quy định của pháp luật, Thông tư 22/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và những quy định khác của pháp luật để yêu cầu tất toán khoản vay, tính lãi theo đúng quy định của pháp luật và chốt thời điểm tính lãi đến thời điểm ngày 25/5/2017.
Theo Luật sư Nông Minh Đức, Công ty Luật TNHH MTV Tùng Dương, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, Tòa án nhân dân quận 7, TP.HCM thụ lý đơn kiện của Công ty Thiên Phú là đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể là các điều khoản sau:
Điều 1: “Bộ luật tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, ...”.
Điều 26: Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân... Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản
Do đó việc Tòa án nhân dân quận 7 thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú là đúng với điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ (g): Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32).
Liên minh "móc túi" ở Khu dân cư Hòa Lân: Kim Oanh làm sai vẫn không bị chế tài (bài 6) Vào ngày 4/7/2017, Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn và Công ty Kim Oanh đã tự ký thỏa thuận kéo dài thời hạn thanh toán cho Kim Oanh. Dẫn đến hậu quả là phải qua 4 lần, tính đến ngày có kết luận thanh tra số 62/KL-TTr 24/12/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp thì Công ty Kim Oanh mới trả được 847,8 tỷ đồng, thấp hơn giá khởi điểm là 963 tỷ, còn nợ lại đến hơn 478,2 tỷ đồng. |
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp