03/06/2020 18:59
Lịch sử cho biết điều gì về cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ 2020?
Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra ở Mỹ hồi đầu năm nay, các nhà phân tích cố gắng đánh giá tác động của đại dịch đối với bầu cử, một sự kiện làm gợi nhớ đến tình thế khó khăn hồi năm 1980 của Tổng thống lúc đó là Jimmy Carter, khi ông đã để thua đối thủ Ronald Reagan trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng con tin ở Iran, thiếu hụt xăng dầu, lạm phát và suy thoái.
Tương tự như vậy, Tổng thống Donald Trump dường như sẽ hướng đến thất bại trước đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden vào tháng 11 tới.
Sau đó, cái chết của George Floyd dưới tay một sĩ quan cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis đã làm dấy lên một làn sóng biểu tình – trong đó nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực - trên khắp nước Mỹ, và những so sánh đã chuyển sang năm 1968, với giả thuyết rằng Trump có thể giành chiến thắng dựa trên nền tảng “luật pháp và sắc lệnh”, như Tổng thống đảng Cộng hòa Richard M. Nixon từng làm cách đây 52 năm.
Không có sự tương đồng nào hoàn toàn khớp với một thời điểm như lúc này, khi nước Mỹ dường như có nguy cơ rơi xuống bùn đen sau hai thập kỷ đầy chấn động: cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi năm 2000, sự kiện 11/9, sa lầy ở Iraq, cuộc đại suy thoái 2008-2009, ba lần chính phủ phải đóng cửa một phần, Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016, vụ Brett M. Kavanaugh, và tất nhiên cả các vụ cảnh sát giết người da màu trước đây ở Ferguson, Mo., Baton Rouge, Baltimore và nhiều nơi khác.
Tình hình nước Mỹ hiện tại không có lợi cho cuộc chạy đua của Trump trước Biden cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. |
Cho đến nay, Mỹ và các thể chế của nước này đều vượt qua các vụ khủng hoảng và bê bối đó, nhưng có những giới hạn đối với khả năng phục hồi của bất kỳ xã hội nào, ngay cả với một quốc gia thịnh vượng và giàu quyền lực như Mỹ. Chúng ta có thể sắp tìm ra những giới hạn đó là gì.
Một điểm so sánh quan trọng giữa năm 2020 và năm 1968 hoặc năm 1980 chính là tình trạng của các đảng phái chính trị. Trong từng trường hợp, các ứng cử viên của đảng thứ ba đã giành được tỷ lệ phiếu bầu đáng kể.
Năm 1968, Thống đốc bang Alabama George Wallace, người có tư tưởng phân biệt chủng tộc và là cựu thành viên đảng Dân chủ, đã thắng ở một số bang ở miền Nam, từ chối nhường số phiếu bầu này cho Nixon, trong khi có thể giúp đỡ Nixon ở một số bang miền Bắc bằng cách kiếm lá phiếu cho phe cánh hữu của mình.
Năm 1980, nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Illinois, ứng cử viên tự do John B. Anderson đã giành được 6,6% số phiếu phổ thông, không làm thay đổi cán cân bầu cử nhưng có lẽ đã làm suy yếu Carter nhiều hơn là Reagan. Carter đã bị nhụt chí trước thách thức lớn và rất mạnh từ phe cánh tả, dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy.
Tuy nhiên, ngày nay, triển vọng cho một cuộc đua nghiêm túc của đảng thứ ba rất mong manh: đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang bị phân cực sâu sắc về vấn đề chủng tộc, khu vực, giới tính và ý thức hệ - và một phần vì lý do đó, họ đã tránh được sự chia rẽ.
Ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, Nixon và Reagan cũng không bị rơi vào cuộc chiến phân biệt chủng tộc và những cáo buộc thô lỗ mà Trump thường xuyên vấp phải (mặc dù Nixon, vào năm 1972, chắc chắn đã cố gắng làm suy yếu các đối thủ chính trị bằng các biện pháp bất hợp pháp).
Đáng lo ngại nhất, Trump miêu tả chính hệ thống bầu cử có thể gian lận gây bất lợi ông, qua đó tạo cơ sở cho việc từ chối công nhận kết quả nếu kết quả đó không theo ý muốn của ông. Tuy nhiên, nếu phải nói đảng nào đoàn kết nhất trước khi bước vào chiến dịch mùa Thu, đảng Cộng hòa có lẽ có lợi thế hơn.
Biểu tình bạo lực có vẻ như đang tạo thêm lợi thế cho Biden. |
Tỷ lệ ủng hộ Trump trong đảng Cộng hòa vẫn ở mức khoảng 90%. Mặc dù Trump đã bỏ xa Biden 10 điểm trong cuộc thăm dò gần đây nhất của Washington Post-ABC, song 64% những người ủng hộ Tổng thống nói rằng họ “rất nhiệt tình” ủng hộ ông.
Ngược lại, Biden đã từng phải đối mặt với thách thức lớn từ Thượng nghị sĩ có tư tưởng chủ nghĩa xã hội Bernie Sanders, giống như Carter từng phải chiến đấu với Kennedy vào năm 1980, và ứng cử viên đảng Dân chủ Hubert Humphrey năm 1968 từng phải vượt qua Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy của bang Minnesota, người vốn nhận được sự ủng hộ của tầng lớp thanh niên phản chiến (chống chiến tranh Việt Nam).
Hiện chỉ có 31% số người ủng hộ Biden đã nói rằng họ “rất nhiệt tình”. Humphrey không bao giờ vượt qua được những gì mà sau này ông gọi là “sự giận dữ và thù hận của giới trẻ”, và ông đổ lỗi cho McCarthy, người đã làm rất ít để giúp ông trong chiến dịch mùa Thu.
Hiện, Trump đang trông đợi vào một thất bại tương tự của những người ủng hộ Sanders bỏ phiếu cho Biden, mặc dù Biden đã có cam kết ủng hộ của Sanders. Giống như Humphrey, Biden là một “chiến mã” của đảng Dân chủ với quá khứ ủng hộ các biện pháp trừng phạt tư pháp hình sự, như dự luật năm 1994 mà ông trình lên Thượng viện.
Biden bằng cách nào đó phải kích động giới trẻ tiến bộ mà không xa lánh các cử tri ở khu vực ngoại ô ôn hòa - những người đã giúp đảng Dân chủ giành đa số ghế tại Hạ viện hồi năm 2018. Con át chủ bài của ông ta là sự thay đổi đột ngột của nhóm cử tri ôn hòa này đối với Trump - người đã đóng góp cho tư tưởng chính trị Mỹ cương lĩnh xấu xí: “Khi ai đó tấn công tôi, tôi luôn trả đũa… gấp hơn 100 lần”.
Ngược lại, Biden đã mô tả cuộc bầu cử năm 2020 là một “trận chiến vì linh hồn của quốc gia”, đó là sự thật và đáng để nhắc lại.
(Nguồn: TTXVN/Washington Post)
Advertisement
Advertisement