14/06/2018 17:19
Lên sàn được 10 ngày, cổ đông lớn của Techcombank mất hàng chục ngàn tỷ đồng
Liên tiếp giảm sàn sau khi niêm yết trên HOSE đã khiến vốn hoá của Techcombank trên thị trường chứng khoán mất đi 42.087 tỷ đồng.
Trượt dài
Hôm nay là ngày thứ 10 mà cổ phiếu TCB của Techcombank được niêm yết trên HOSE. TCB được niêm yết 1.165.530.720 cổ phiếu lên sàn vào ngày 4/6/2018 với mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu.
Ở vùng giá 128.000 đồng/cổ phần, Techcombank lên sàn sẽ có vốn hóa 149.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD. Như vậy, vốn hoá của Techcombank cao thứ hai trong số các ngân hàng đã niêm yết và chỉ sau Vietcombank đang có vốn hóa hơn 192.000 tỷ đồng.
Việc Techcombank tự định giá quá cao cổ phiếu của mình đã khiến cổ đông ào ạt bán tháo TCB ngay khi vừa lên sàn. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, TCB mất 20% thị giá, tương đương 25.600 đồng/cổ phiếu và lao về vùng giá 102.400 đồng/cổ phiếu.
Đến phiên giao dịch thứ 2 vào hôm 6/6, TCB tiếp tục giảm sàn và chỉ còn ở mức 92.000 đồng/cổ phiếu, giảm 36.000 đồng, tương đương với 28% so với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên.
Gia đình ông đã mất hơn 4.562 tỷ đồng do đà sụt giảm của TCB trong 10 ngày qua. |
Những phiên giao dịch hôm sau, TCB tăng giảm đan xen và leo lên vùng giá 105.400 đồng/cổ phiếu ở ngày 13/4. Phiên giao dịch hôm nay (14/6), TCB giảm 0,4% xuống vùng giá 105.000 đồng/cổ phiếu.
Với thị giá này, vốn hoá của Techcombank trên thị trường chứng khoán đã bị “bốc hơi” 42.087 tỷ đồng. Đi kèm với đó là lãnh đạo của nhà băng này cũng mất hàng nghìn tỷ đồng tài sản và các quỹ ngoại đổ tiền vào ngân hàng này tạm thời thua lỗ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank là ông Hồ Hùng Anh, nắm giữ hơn 13,1 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 1,29% vốn điều lệ nhưng những người thân trong gia đình ông đang nắm lượng lớn cổ phiếu TCB.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (mẹ ông Anh) và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ ông Anh), mỗi người đang nắm hơn 58 triệu cổ phiếu TCB. Em gái ông Anh là bà Nguyễn Hương Liên nắm giữ hơn 38,2 triệu và con trai ông Anh là Hồ Anh Minh sở hữu hơn 31 triệu cổ phiếu TCB.
Tổng cộng, gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ tới 198,46 triệu cổ phiếu TCB, tương đương khoảng 17% vốn điều lệ của Techcombank. Tính theo giá thị trường, gia đình ông Hùng Anh đã mất hơn 4.562 tỷ đồng do đà sụt giảm của TCB trong 10 ngày qua. Hiện tại, lượng cổ phiếu gia đình ông Hùng Anh sở hữu có giá thị trường vào khoảng 20.838 tỷ đồng.
Ngoài gia đình ông Hồ Hùng Anh, cổ phiếu TCB tụt dốc còn khiến Nguyễn Thiều Quang, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank mất khoảng 240 tỷ đồng. Ông Quang đang nắm hơn 10 triệu cổ phiếu TCB, tương ứng với khối tài sản gần 1.050 tỷ đồng.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Cảnh Sơn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank cũng đang nắm hơn 38 triệu cổ phiếu tại ngân hàng, tương đương với 3,3% vốn điều lệ. 10 ngày qua, tài sản của gia đình ông Sơn tại Techcombank bốc hơi khoảng 874 tỷ đồng, khi tụt từ mức 4.864 tỷ đồng về 3.990 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) đang nắm giữ hơn 174,77 triệu cổ phiếu tại Techcombank, tương đương 15% vốn điều lệ. Giá trị lượng cổ phiếu của Masan nắm giữ tại đây cũng đã giảm hơn 4.020 tỷ đồng chỉ trong 10 ngày
Hàng loạt quỹ ngoại trước đó đã chi tổng cộng 21.000 tỷ đồng để mua lại 14% vốn điều lệ của ngân hàng này với giá 128.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 4 cũng tạm thời chịu thua lỗ gần 4.500 tỷ.
Việc TCB lên sàn và thị giá tụt dốc không phanh là điều đã được cảnh báo trước khi ngân hàng này tự định giá cổ phiếu quá cao. Tuy nhiên lãnh đạo Techcombank cho rằng, một trong những cơ sở tham khảo là qua các đợt chào bán cổ phần vừa qua, nhiều quỹ đầu tư trên thế giới có chung đánh giá, xác định giá trị doanh nghiệp của Techcombank vào khoảng 6,2-6,5 tỷ USD.
Mức định giá này được nhấn mạnh trên cơ sở báo cáo tài chính được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là vượt qua được những yêu cầu khắt khe khi chào bán tại thị trường Mỹ. Mặt khác, mức giá trên hình thành qua cơ sở cung cầu. Lượng đặt mua cổ phần Techcombank từ hàng trăm tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài lên tới hơn 4 tỷ USD, gấp hơn 4 lần lượng chào bán. Và đây là một yếu tố quan trọng góp phần hình thành giá.
Còn trên thực tế, thị trường đã chứng minh thị giá của TCB không cao như lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng. Hệ quả, cổ đông của Techcombank đã mất 42.087 tỷ đồng chỉ trong 10 ngày.
Giảm sâu
Tương tự như cổ phiếu TCB của Techcombank, phiên giao dịch hôm nay thị trường giảm sâu, khối nội thận trọng và khối ngoại bán ròng rất mạnh trên HNX lẫn HOSE. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/6, Vn-Index giảm 14,81 điểm xuống 1.015,72 điểm. Thị trường có 114 mã tăng, 52 mã đứng giá và 157 mã giảm.
Hnx-Index giảm 1,75 điểm xuống 114,91 điểm. HNX có 62 mã tăng giá, 61 mã đứng giá, 85 mã giảm giá. Thanh khoản thị trường vẫn rất yếu với tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn niêm yết đạt 206,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch 5.100 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đã đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng.
Thị trường giảm sâu là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm mạnh. Trong rổ VN30 có tới 21 mã giảm giá, 3 mã đứng giá và chỉ có 6 mã tăng giá.
Thị trường chứng khoán lại giảm sâu. |
Các mã cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm này là BVH giảm 5.500 đồng/cổ phiếu, SAB giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, GAS giảm 2.600 đồng/cổ phiếu, VNM và ROS đều giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, VJC giảm 4.700 đồng/cổ phiếu…
Trong khi các mã ở chiều tăng giá thuộc nhóm VN30 chỉ có mức tăng nhẹ. Tăng mạnh nhất nhóm VN30 là MSN với 1.000 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại như SBT, NT2, MWG, HSG và GMD có mức tăng từ 150-400 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ngập trong sắc đỏ với 14 mã giảm giá là VPB, VIB, VCB, TPB, TCB, STB, SHB, MBB, LPB, HDB, CTG, BID, BAB, ACB. Trong đó, VCB và HDB giảm tới 1.800 đồng/cổ phiếu, VPB giảm 2.400 đồng/cổ phiếu, BID giảm 1.350 đồng/cổ phiếu, MBB và ACB đều giảm 900 đồng/cổ phiếu, VIB giảm 700 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 650 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ có 2 mã tăng giá nhẹ là EIB tăng 100 đồng/cổ phiếu, KLB tăng 300 đồng/cổ phiếu và NVB may mắn đứng ở mức giá tham chiếu.
Còn các mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm dầu khí cũng đồng loạt giảm giá như PLX, OIL, PVB, PVD, PVS và TDG. Tuy nhiên mức giảm giá của các mã này khá nhẹ. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu dầu khí cũng khá khiêm tốn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn BSR và PEQ tăng giá. Cụ thể, BSR tăng 400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 1,16 triệu đơn vị, trong khi PEQ tăng 2.600 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến theo đà giảm của thị trường chung. Hàng loạt mã chứng khoán kết phiên trong sắc đỏ như SHS, SSI, VDS, VND, CTS, HCM… Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành chứng khoán là SSI giảm tới 1.350 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 4,6 triệu đơn vị, VND giảm 1.250 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 1,76 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng diễn biến xấu. Những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản như VIC, VRE, NVL, VHM, CII đều giảm giá. Rất nhiều những mã cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc nhóm bất động sản cũng kết phiên trong sắc đỏ như ASM, CEO, DXG, FIT, FLC, HQC...
Điều đáng lo lắng nữa là khối nội thận trọng và khối ngoại bán ròng rất mạnh trên 2 sàn niêm yết. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại đã bán ròng trên 27,17 triệu cổ phiếu với giá trị bán ròng đạt 594,77 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất VIC với giá trị bán ròng hơn 128,35 tỷ đồng, STB cũng bị bán ròng hơn 68 tỷ đồng, DXG bị bán ròng hơn 77,4 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 4,37 triệu cổ phiếu, với giá trị bán ròng 69,68 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh VGC với giá trị hơn 42,83 tỷ đồng, SHB bị bán ròng hơn 14,55 tỷ đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp