26/11/2020 14:11
Lễ Tạ Ơn là ngày gì và diễn ra vào ngày nào?
Hằng năm, tới ngày lễ Tạ Ơn người Mỹ lại háo hức chuẩn bị mọi thứ để đón một ngày lễ thật long trọng. Bạn biết những gì về ngày lễ này?
Ngày Lễ Tạ Ơn đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người dân Mỹ. Hằng năm, cứ tới ngày này người Mỹ lại háo hức chuẩn bị mọi thứ để đón một ngày lễ thật long trọng. Vậy các bạn biết bao nhiêu về ngày lễ này. Cùng trải nghiệm một chuyến khám phá nho nhỏ về ngày lễ này nhé.
Ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ là ngày nào?
Nếu như tại Canada, ngày lễ Tạ Ơn (ThanksGiving Day), được tổ chức vào ngày thứ Hai lần thứ 2 của tháng 10. Thì tại Mỹ, ngày lễ Tạ Ơn được tổ chức muộn hơn vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11. Ngoài Mỹ và Canada, ngày lễ này còn được tổ chức tại một số đảo ở tại Caribe và Liberia.
Đây là dịp sum họp gia đình ở nước Mỹ. |
Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ và Canada. Tuy nhiên, ở Canada sẽ mừng ngày Lễ Tạ Ơn này sớm hơn ở các nước khác, thường là vào ngày thứ Hai, tuần thứ hai của tháng 10.
Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ đâu?
Vào khoảng thế kỷ 16 - 17, một số người theo Công giáo và Thanh giáo tại Anh Quốc bị vị hoàng đế lúc bấy giờ bắt phải cải đạo để theo tôn giáo của ông ta. Những người này không chấp nhận và bị giam vào tù. Sau khi giam một thời gian, họ được truyền lại và hỏi thêm lần nữa nhưng họ vẫn quyết không cải đạo nên bị buộc rời khỏi nước Anh.
Sau đó, họ di dời sang Hà Lan để sinh sống. Được một thời gian, họ nhanh chóng nhận ra rằng mình không thể hòa nhập với nên văn hóa của nước này được và lo sợ con cháu sẽ bị mất gốc, vì thế họ lại tiếp tục di cư sang châu Mỹ trên con tàu có tên là Mayflower.
Chuyến tàu Mayflower mang theo những người di dân từ nước Anh. |
Những người trên con tàu này (khoảng 102 người), sau này được gọi là những người hành hương (Pilgrims), họ đặt chân đến Thuộc địa Plymouth thuộc vùng Tân Anh (New England) khi đang mùa đông. Đói và lạnh, một nửa trong số họ không qua nổi mùa đông khắc nghiệt.
Đến mùa xuân, họ may mắn gặp được những thổ dân da đỏ tốt bụng cho họ ít lương thực. Cũng chính những người da đỏ này đã dạy họ những cách sinh tồn ở vùng đất này như cách trồng hoa màu, săn bắt,...
Khi người Pilgrims đã có thể tự lo cho bản thân được, họ tổ chức một buổi tiệc để tạ ơn Chúa Trời vì đã cho họ có thể sống đến ngày hôm nay, họ mời những người da đỏ và cùng nhau ăn uống vui vẻ. Từ đó về sau, hằng năm con cháu của người Pilgrims luôn tổ chức lễ tạ ơn để cảm ơn cho những gì tốt đẹp đã đến với cuộc sống.
Ý nghĩa của ngày lễ Tạ Ơn là gì?
Ban đầu ngày Lễ Tạ Ơn được tổ chức với ý nghĩa cảm tạ Đức Chúa Trời đã tạo ra nguồn sống và cho mọi người có một cuộc sống ấm no, an lành, không có chiến tranh và hạn hán.
Đến khoảng giữa thế kỷ 19, tình hình căng thẳng nội bộ tại Mỹ, có thể gây ra nội chiến thì ngày Lễ Tạ Ơn được tổ chức như để vận động xây dựng tình đoàn kết.
Ngày nay, Lễ Tạ Ơn được xem là ngày để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, xích lại gần nhau hơn sau gần một năm làm việc, học tập vất vả. Dưới ánh nến trên bàn tiệc ngày Lễ Tạ Ơn, các thành viên thường nắm tay nhau, nhắm mắt lại thầm cám ơn Chúa vì đã tạo ban phước lành và cầu nguyện một tương lai tốt đẹp, nhiều may mắn.
Món ăn truyền thống của lễ Tạ Ơn
Món chủ đạo thường ăn trong ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ là gà tây nướng. Cho nên, đôi khi ngày lễ Thankgiving còn được gọi là Ngày gà tây. Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ hay còn gọi là tổ chức USDA, từng thống kê năm 2003 có 269 triệu con gà tây được nuôi, khoảng 1/6 trong số này dành phục vụ lễ.
Gà tây là món ăn chủ đạo trong ngày lễ Thankgiving. |
Cùng với gà tây, một số thực phẩm khác cũng xuất hiện trên bàn tiệc như: nước sốt chanh, nước sốt thịt, khoai tây nghiền, khoai lang ướp đường, đậu xanh. Các món tráng miệng cũng được bổ sung trên bàn ăn, bao gồm một số loại bánh nướng nhất là bánh bí ngô, bánh nướng nhân dâu tây, bánh nhân hồ đào. Những món này là những món ăn thuần tuý của vùng New England, cái nôi văn hoá của nước Mỹ.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement