Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Lễ hội té nước đón năm mới ở một số quốc gia Đông Nam Á

Du lịch & Ẩm thực

19/01/2020 18:23

Đông Nam Á là khu vực có nhiều lễ hội vô cùng đặc sắc, trong đó phải kể đến lễ hội té nước vào dịp đầu năm mới ở các quốc gia như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Ngay từ thời xa xưa, cư dân ở khu vực này đã coi trọng vai trò của nước, vì thế mà họ đã sáng tạo ra các hoạt động vui chơi, giải trí liên quan đến nước.

Tết Nguyên Đán của các dân tộc Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đều diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 Dương lịch, tức là thời gian chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa. Thời tiết ở các quốc gia này đều rất oi bức, do đó, đón Tết đối với cư dân ở đây thực chất là đón mưa, đón nguồn nước mát cho cây cối và con người. Vì vậy, họ đã sáng tạo ra lễ hội té nước.

Lễ hội này phản ánh sự sùng bái nguyên tố nước trong đời sống của cư dân Đông Nam Á. Với điều kiện khí hậu thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước, các yếu tố tự nhiên đóng vai trò cực kì quan trọng trong các hoạt động từ sản xuất, sinh hoạt đến vui chơi giải trí.

Tết té nước ở mỗi quốc gia tuy có những điểm khác biệt nhưng đều có ý nghĩa mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật. Về mặt tôn giáo, lễ hội này mang ý nghĩa về sự trong sạch bởi nước sẽ cuốn trôi đi những vết nhơ, những cái dở, tầm thường trong con người. Hơn nữa, những ngày giáp Tết là cuối mùa khô nên rất nóng bức, vì thế mà té nước vào người sẽ làm cho cơ thể mát mẻ, da dẻ mịn màng, tâm hồn sảng khoái, hân hoan.

1. Lễ hội té nước tại Lào

Mỗi khi Tết đến Xuân về, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước Bun Pi May. Theo nghi thức cổ truyền, 14/4 – 15/4 hằng năm là ngày mở hội Bun Pi May. Nét đặc trưng của tục té nước trong ngày Tết cổ truyền Bun Pi May ở Lào là khi người dân đến thăm nhau, dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần và thể hiện sự quý trọng bằng những gàu nước dội lên khắp người.

Người ta té nước cho nhau thay cho lời chúc năm mới tốt lành, bình an và gặp nhiều may mắn. Người người cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng. Người được té nước nhiều, áo quần càng ướt thì càng vui vì tin rằng mình được yêu mến và sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

 Ảnh: eturbonews 

Ảnh: eturbonews

Ngày đầu năm, ngoài tục vẩy nước, té nước còn diễn ra nhiều trò vui gắn với sông nước, trong đó nhộn nhịp nhất là các cuộc đua thuyền. Tỉnh nào cũng mở hội đua thuyền. Mỗi vùng đều có các loại thuyền đua khác nhau được trang trí rực rỡ và vô cùng độc đáo. Thuyền lướt trên sóng biểu trưng cho sự gặp mặt hằng năm của rừng đại ngàn với dòng chảy lớn của sông mẹ.

Đây là cách dân làng bày tỏ sự tri ân đối với các vị Thần nước và ông bà tổ tiên. Ngày hội thả cá trên sông cũng tấp nập không kém các trò vui khác. Người dân Lào coi việc phóng sinh cá trong ngày Tết tượng trưng cho ước vọng về một cuộc sống phát triển, thịnh vượng hơn.

 Ảnh: centralmansions 

Ảnh: centralmansions

2. Lễ hội té nước tại Thái Lan

Tại “xứ chùa vàng”, lễ hội té nước đầu năm được gọi là Songkran, kéo dài từ 12/4 đến 15/4. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm bày tỏ lòng tôn kính. Họ sẽ dành thời gian này để quây quần bên gia đình và bạn bè.

Vào ngày đầu tiên của lễ Songkran, người Thái sẽ thực hiện nghi thức Rod Nam Dum Hua – những người trẻ tuổi sẽ rót nước thơm vào lòng bàn tay của những người lớn tuổi trong nhà với cử chỉ thành kính nhất để cầu phúc cho họ. Ngày thứ hai của lễ Songkran được xem là Ngày của gia đình. Cả nhà sẽ thức dậy vào sáng sớm và mang lương thực để biếu cho các thầy tu, sau đó mọi người sẽ dành cả ngày còn lại bên nhau.

 Ảnh: wanderlust 

Ảnh: wanderlust

Một nghi thức tôn giáo quan trọng trong lễ hội Songkran đó là “Bathing the Buddha image” – người ta sẽ dùng nước thơm để rửa tượng của Đức Phật ở chùa cũng như ở nhà. Khi làm lễ tại gia đình xong, tất cả mọi người sẽ đến một đoạn đường riêng dành riêng cho lễ hội té nước.

Theo truyền thống, người Thái sẽ đổ một bát nước lên những người thân trong gia đình, bạn bè thân thiết, hàng xóm để thay cho lời chúc năm mới. Họ cũng quan niệm rằng, ai được dội nước càng nhiều thì càng may mắn.

 Ảnh: holidaywithus 

Ảnh: holidaywithus

3. Lễ hội té nước tại Myanmar

Vào dịp đầu năm mới, Myanmar sẽ tổ chức lễ hội té nước Thingyan bắt đầu từ 13/4 đến 15/4. Theo truyền thống, Thingyan gồm nghi lễ vẩy nước thơm từ một cái chén bạc. Những giọt nước được vẩy đi là ẩn dụ của việc rửa trôi những tội lỗi của mọi người trong năm qua. Ở những thành phố lớn như Yangon, các vòi tưới nước trong vườn, các ống dẫn nước lớn làm bằng tre, đồng hoặc nhựa, các bơm nước và vòi rồng cứu hỏa cũng được mang ra dùng.

Đây là thời điểm nóng nhất trong năm nên việc dội nước như thế này được nhiều người hưởng ứng. Các buổi biểu diễn với dàn đồng ca, các nhóm nhảy múa, diễn kịch, các ngôi sao điện ảnh ca nhạc, các nhóm nhạc pop cũng rất phổ biến vào dịp lễ hội này.

 Ảnh: @instamyanmar 

Ảnh: @instamyanmar

Nhiều món ăn cũng được người dân chế biến với những đặc tính liên quan đến yếu tố nước như bánh trôi mont lone yeibaw với những viên xôi nếp, bên trong trộn đường cọ jaggery, được thả vào chảo nước đang sôi và ăn ngay khi nó nổi lên; bánh mont let saung với một nhúm bột nếp nướng vừng kèm sirô được làm từ đường cọ jaggery và nước dảo dừa.

 Ảnh: myanmartours 

Ảnh: myanmartours

4. Lễ hội té nước tại Campuchia

Vào đầu năm mới, người dân Campuchia thường tiến hành lễ hội té nước Chol Chnam Thmay từ 13/4 đến 15/4. Trong thời gian này, người dân Campuchia mang hoa tươi, lễ vật tới chùa, nghe giảng kinh và thực hiện các nghi lễ truyền thống như tắm Phật, đắp cát thành 8 hoặc 4 ngọn núi nhỏ xung quanh 1 ngọn núi lớn ở trung tâm, sau đó cắm cờ hoa lên… Khắp nơi đều trang trí đèn hoa rực rỡ, nhất là những ngôi chùa, con đường dẫn đến Hoàng Cung.

Ảnh: zybuluo 
Ảnh: zybuluo 

Cũng giống như các lễ hội té nước khác ở Đông Nam Á, sau khi lên chùa lễ Phật, người dân ở đây sẽ ra đường, dội nước vào người nhau thay vì gửi đi những lời chúc năm mới. Hoạt động thú vị này không chỉ thu hút dân bản địa mà còn hấp dẫn cả du khách nước ngoài.

Bất kể độ tuổi, giới tính, màu da, chủng tộc đều hòa vào màn té nước vui nhộn, tưng bừng cùng với những dụng cụ đơn giản như xô, chậu, súng nước, bóng nước… Bên cạnh đó là sự hỗ trợ nước từ các xe bồn lớn càng làm cho không khí buổi lễ thêm phần náo nhiệt và sôi động.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

KHÁNH VY (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement