05/03/2021 11:20
Lao động nhập cư phải đối mặt với điều kiện tồi tệ tại các trang trại của Hàn Quốc
"Đó là một thế giới vô luật pháp", Linh mục Kim Dal-sung vừa lẩm bẩm qua điện thoại trong khi lái chiếc KIA nhỏ xíu của mình qua những con đường đất hẹp ngoằn ngoèo để tiếp cận những ngôi nhà kính được tạo nên từ ống nước và những tấm lợp bằng nhựa.
Trong khung cảnh ảm đạm với màu xanh xám buồn tẻ ở Pocheon, một thị trấn gần thủ đô Seoul cực kỳ hiện đại của Hàn Quốc, hàng trăm lao động nhập cư từ khắp châu Á phải vất vả làm đồng trong điều kiện khắc nghiệt, không được luật lao động bảo vệ và nhận một khoản lương vô cùng thấp.
Cái chết của một phụ nữ Campuchia 31 tuổi tại một trong những trang trại như thế vào tháng 12/2020 đã làm dấy lên những chỉ trích về việc các ông chủ Hàn Quốc bóc lột những người nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất ở châu Á.
Các quan chức đã hứa sẽ giải quyết những vấn đề này, tuy nhiên vẫn chưa ai biết nó sẽ thay đổi như thế nào.
Hơn hai tháng sau cái chết của Sokkheng, Hàn Quốc trong tuần này đã công bố kế hoạch cải thiện điều kiện cho lao động nhập cư đang làm việc tại các nông trại, bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù bị các ông chủ phản đối, song chính quyền vẫn quyết định không cấm sử dụng các container vận chuyển làm nơi trú ẩn.
Vào một buổi chiều tháng Hai se lạnh, các nhóm công nhân đầu quấn khăn, đội nón lá xuất hiện và biến mất giữa hàng trăm căn nhà kính hình ống, mỗi căn dài khoảng 100 mét để thu hoạch, đóng gói các loại rau bina, rau diếp và các loại rau mùa đông khác.
Mục sư Kim, người ủng hộ quyền của người lao động nhập cư, là một vị khách không được chào đón tại các trang trại ở Pocheon, đặc biệt là sau khi người phụ nữ Campuchia, Nuon Sokkheng, được tìm thấy đã chết vào ngày 20/12 vừa qua trong một nơi trú ẩn tồi tàn tại một trong những nông trại trong vùng.
Cái chết của người phụ nữ này và của nhiều người khác, đã làm lộ ra điều kiện làm việc, cuộc sống khắc nghiệt mà những người lao động nhập cư phải đối mặt, những người không mấy khi dám phàn nàn với các chủ trang trại.
"Các chủ trang trại ở đây giống như những vị vua, họ cai trị tuyệt đối những người lao động nhập cư", mục sư Kim nói.
"Một số nói rằng họ muốn giết tôi", ông cho biết thêm.
Có khoảng 20.000 lao động nhập cư châu Á làm việc hợp pháp tại các trang trại của Hàn Quốc, chủ yếu đến từ Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Nepal.
Họ đến Hàn Quốc theo Hệ thống Giấy phép Việc làm.
Các chủ lao động giữ giấy tờ, điều này khiến người lao động rất khó rời bỏ người chủ, ngay cả khi họ bị làm việc quá sức hoặc bị lạm dụng.
Một ông chủ người Hàn quan sát, chống tay vào hông và sau đó bước lên một chiếc máy kéo chở các phóng viên đến thăm những lao động người nước ngoài của mình, điều này nhằm ngăn cản các phóng viên tiếp cận, trao đổi với các lao động nhập cư của mình.
Trong ki một người khác hét lên một cách giận dữ và ngăn không cho phóng viên phỏng vấn hai công nhân người Campuchia, buộc 2 người này quay lại cointainer.
Nông dân Hàn Quốc cũng đang rất khó khăn.
Ngành nông nghiệp đang suy thoái do thiếu lao động trong nhiều thập kỷ qua và sự cạnh tranh ngày càng tăng của các nước khác. Để giải quyết tình trạng này, họ buộc phải nhập khẩu lao động để làm việc nhiều giờ với mức lương thấp.
"Anh là ai và từ đâu tới đây?", một phụ nữ là chủ trang trại bực dọc. "Anh thậm chí có biết nông nghiệp thực sự là như thế nào không?".
Các nhà hoạt động và công nhân cho biết, lao động nhập cư ở Pocheon làm việc 10-15 giờ mỗi ngày, chỉ được nghỉ hai ngày thứ Bảy mỗi tháng. Họ kiếm được khoảng 1.300-1.600 USD mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu hợp pháp mà hợp đồng của họ phải đảm bảo.
Trước khi mặt trời mọc, các công nhân đã phải khom mình nhiều giờ trong các đường hầm bằng nhựa khổng lồ tại các trang trại để trồng, làm cỏ, hái và tỉa thưa các loại cây trồng.
Các công nhân thường buộc phải sống nhồi nhét trong các container hoặc những túp lều mỏng manh, thông gió kém, giống như nơi mà Sokkheng đã chết.
Các nhà hoạt động phỏng vấn các đồng nghiệp của Sokkheng và cho biết, cô đến Pocheon vào năm 2016 và qua đời chỉ vài tuần trước khi cô trở về Campuchia để thăm gia đình.
Sokkheng dường như không có vấn đề gì rõ ràng về sức khỏe, nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy cô chết do biến chứng của bệnh xơ gan. Có thể căn bệnh này trở nên tồi tệ hơn do điều kiện khắc nghiệt mà cô sống và làm việc, các nhà hoạt động cho biết.
Sokkheng qua đời trong một đợt rét đậm, khi nhiệt độ xuống đến âm 18 độ C. Hệ thống sưởi của nơi trú ẩn bị hư và những người ở chung đã đến nơi ở của các đồng nghiệp để trốn cái lạnh nhưng Sokkheng đã từ chối đi.
Một công nhân nông trại người Nepal, người yêu cầu không sử dụng tên của mình vì sợ bị chủ trả thù, cho biết anh ta đang cân nhắc bỏ trốn để tìm việc làm trong các nhà máy với tư cách là một người nhập cư không có giấy tờ sau 5 năm làm việc cho một nông dân mà anh ta nói là hung bạo.
“Ít nhất thì tôi sẽ được nghỉ nhiều ngày hơn,” người công nhân này nói.
Để trả lời phỏng vấn, người đã phải lén đến một quán cà phê bên ngoài trang trại vào một buổi tối.
"Khối lượng công việc quá trong một ngày. Bạn thậm chí không có thời gian để uống nước", người đàn ông Nepal nói.
Việc lao động theo anh “như nô lệ” đã tạo ra chứng đau lưng và vai cực kỳ nghiêm trọng.
Chỉ 10% trong số 200.000 lao động nhập cư được đưa đến Hàn Quốc theo Hệ thống Giấy phép Việc làm, hay còn gọi là EPS, để làm việc trong các trang trại.
Khoảng 8 trong số 10 công nhân EPS làm việc trong các nhà máy, trong khi số còn lại làm việc trong các công việc xây dựng, thủy sản và công nghiệp dịch vụ.
Bộ Lao động Hàn Quốc đã nói với một nhà lập pháp vào tháng 10/2020 rằng, 90-114 công nhân EPS đã chết mỗi năm từ 2017 đến 2019.
Ven. Linsaro, một nhà sư Phật giáo Campuchia có trụ sở tại Hàn Quốc, đã giúp tổ chức tang lễ và đưa hài cốt hỏa táng về với gia đình ở Campuchia.
Ông cho biết ông biết ít nhất 19 công nhân Campuchia đã chết vào năm 2020.
Vào đầu năm 2021, một công nhân nông trường và một công nhân xây dựng được tìm thấy đã chết trong nhà tạm trú của họ.
Linsaro cho biết: “Hầu hết họ đều ở độ tuổi 20 và 30. Nhiều người trong số họ đã chết khi đang ngủ. Ông tự hỏi liệu có phải những căn bệnh nghiêm trọng không bị phát hiện do công nhân không được tiếp cận các dịch vụ y tế hay không.
Hệ thống Giấy phép Việc làm được đưa ra vào năm 2004 để thay thế hệ thống thực tập sinh công nghiệp những năm 1990, giấy phép buộc người lao động nhập cư phải chịu những điều kiện làm việc tồi tệ.
Giấy phép mới này sẽ cung cấp cho người lao động nhập cư các quyền pháp lý cơ bản giống như người Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng hệ thống hiện tại thậm chí còn bóc lột nhiều hơn và nhốt người lao động vào một hình thức nô dịch.
Công nhân nông trại nhập cư dễ bị tổn thương hơn công nhân nhà máy vì các quy tắc về giờ làm việc, giải lao và thời gian nghỉ không áp dụng cho nông nghiệp.
Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động của Hàn Quốc hoàn toàn không áp dụng cho những nơi làm việc có từ bốn nhân viên trở xuống, đây là điều điển hình của nhiều trang trại.
Choi Jung Kyu, một luật sư nhân quyền, nói rằng công nhân tại các trang trại hầu như không được bảo vệ trước những hình phạt bất công hoặc cắt xén tiền lương, không được bồi thường cho những chấn thương tại nơi làm việc và ít được chăm sóc sức khỏe.
Họ thường phải trả 90-270 USD trong một tháng để ở trong những ký túc xá tạm bợ tồi tàn, thường là những container được trang bị thêm một bình khí propan để nấu nướng.
Những công trình tạm bợ như vậy thường chỉ có nhà vệ sinh di động.
Choi nói: “Chính phủ nên ngừng tuyệt đối việc để các trang trại có ít hơn năm công nhân sử dụng EPS.
Ba công nhân Campuchia được phỏng vấn tại một trang trại Pocheon nhưng không muốn nêu tên đã phàn nàn về công việc nặng nhọc, mùa đông khắc nghiệt ở Hàn Quốc và sự quấy rối, thậm chí nhiều người chủ còn gọi công nhân của mình là "chó".
Họ cho biết họ kiên trì vì mức lương tốt hơn ở Campuchia, giúp họ có cơ hội thoát nghèo.
"Tôi sẽ đối phó với bất cứ điều gì khó khăn ném vào tôi ở đây", một người đang làm việc để giúp 3 người em của mình ăn học.
Người này hi vọng khi về nước có đủ tiền mua một mảnh đất để nuôi bò.
Tuy nhiên, hầu hết đều nghĩ ước mơ này rất khó thực hiện.
Shin Hyun-yoo, lãnh đạo một hiệp hội nông dân ở tỉnh Gyeonggi, nơi tọa lạc của làng Pocheon, cho biết: “Các cộng đồng nông dân của chúng tôi đã già đi rất nhiều. Nhiều nong trại sẽ phá sản nếu việc thuê lao động nước ngoài trở nên khó khăn hơn".
Advertisement