Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Lần đầu tiên, một cá nhân kiện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra Tòa

Chứng khoán

15/03/2018 06:47

Người đứng đơn khởi kiện cho rằng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã trả lời hoàn toàn sai lệch với nội dung khiếu nại tố cáo.

Hợp đồng 6.445 tỉ đồng

Toà án Nhân dân TP.HCM vừa thụ lý vụ án hành chính số 33/2018/TLST-HC về việc khiếu kiện hành vi hành chính theo đơn khởi kiện của ông Dương Thanh Khiết, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Phương Đông (viết tắt là OMC).

Ông khiết khởi kiện yêu cầu Tòa án Nhân dân TP.HCM giải quyết buộc Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thực hiện giải quyết khiếu nại. Vụ án đã được Toà án Nhân dân TP.HCM thụ lý theo thủ tục thông thường.

Theo đơn tố cáo, ông Khiết là cổ đông sáng lập đại diện sở hữu 33% vốn điều lệ, đồng thời là nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Phương Đông (OMC).

Vào ngày 16/3/2012, bà Trần Quỳnh Hương, Tổng giám đốc Công ty OMC đã gửi bản tường trình đến UBCKNN tố cáo ông Nguyễn Minh Cường, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty OMC đã cấu kết với ông Nguyễn hữu Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigontourist (STSC) và bà Nguyễn Thị Hiền, Kế toán trưởng STSC ép bà Hương lén ký hai hợp đồng ủy thác và 31 hợp đồng Repo trị giá 6.445 tỉ đồng vào tháng 7, 8 năm 2011.

Các hợp đồng này được ký kết không được ủy quyền và không thông qua Hội đồng quản trị của Công ty OMC. Sau khi bị tố cáo, nhóm ông Cường lập tức chiếm đoạt con dấu cùng toàn bộ hồ sơ và tự ý di dời trụ sở Công ty OMC từ 258 Ter, Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM về hoạt động chung với Công ty STSC tại tầng 5, số 63, Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phải hầu Toà.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phải hầu Toà.

Từ ngày 3-5/4/2012, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra Công ty OMC. Tuy nhiên, biên bản kết luận của đoàn kiểm tra này đã không đúng với diễn biến vụ việc, không đề cập đến các hợp đồng trái luật mà bà Hương đã tố cáo.

“Sau khi Công ty OMC bị đình chỉ hoạt động thông qua quyết định số 462/QĐ-UBCK ban hành ngày 29/5/2012, chúng tôi liên tục khiếu nại đến UBCKNN về trách nhiệm pháp lý của các hợp đồng, nhưng cơ quan này không xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật”, ông Khiết nói.

Ông Khiết cho biết thêm, biên bản làm việc với Tổ xác minh 2338 của Bộ Tài chính cho thấy, trước thời điểm hết hạn đình chỉ hoạt động Công ty OMC, Vụ Quản lý quỹ của UBCKNN đã nhiều lần gọi điện thoại đôn đốc công ty OMC và ban hành công văn 2943/UBCK-QLQ ngày 16/8/2012 để chỉ đạo nhóm ông Nguyễn Minh Cường, ông Nguyễn hữu Tuấn và bà Nguyễn Thị Hiền tổ chức đại hội cổ đông bất thường để ra nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐQT.

Liên quan đến Nghị quyết 01 của Công ty OMC, qua bản án số 18/2017/LĐ-ST ngày 21/6/2017, về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà Trần Quỳnh Hương, Toà án Nhân dân quận 7 đã tuyên bố Nghị quyết 01/2012/NQ-ĐHCĐ ngày 1/10/2012 của Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Phương Đông là trái pháp luật.

Công ty OMC phải trả cho bà Trần Quỳnh Hương hơn 56 tháng lương, đã thi hành án ngày 11/8/2017. Đồng thời phải trả Giấy phép hành nghề quản lý tài sản mà UBCKNN cấp ngày 17/4/2009 và một sổ Bảo hiểm xã hội.

“Từ Nghị quyết 01/2012/NQ-ĐHCĐ ngày 1/10/2012 trái pháp luật mà UBCKNN đã làm cơ sở để ra quyết định số 12/GPĐC-UBCK ngày 9/5/2013, đã gây hàng loạt các thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty OMC và cá nhân tôi”, ông Khiết nói.

6 năm đeo đuổi

Đến ngày 22/10/2012, Vụ Quản lý Quỹ có công văn số 4077/UBCK-QLQ đề nghị Công ty OMC cung cấp tài liệu liên quan đến đại hội cổ đông bất thường, bổ nhiệm Tổng giám đốc…

“UBCKNN đã có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc giải quyết khiếu nại. UBCKNN có hành vi hướng dẫn ông Nguyễn Minh Cường thực hiện các bước cần thiết để UBCKNN có cơ sở ban hành quyết định số 12/GPĐC-UBCK ngày 9/5/2013 để tiếp tay cho nhóm người bị tố cáo chiếm đoạt quyền điều hành Công ty OMC và phối hợp với UBCKNN tiến hành hợp thức hóa các sai phạm mà bà Trần Quỳnh Hương và tôi đã khiếu nại tố cáo”, ông Khiết nêu.

Ông Khiết cho biết thêm, ngày 30/10/2012, tức 8 ngày sau khi ban hành công văn số 4077, UBCKNN vội vã ban hành tiếp công văn số 4201/UBCK-QLQ để chỉ đạo thanh lý các hợp đồng vi phạm pháp luật trị giá 6.445 tỉ đồng.

Việc ban hành quyết định số 12/GPĐC-UBCK, UBCKNN đã cố ý làm sai các quy định về mặt quản lý nhà nước. Vi phạm điểm b, khoản 1 và 2, điều 68 của Luật Chứng khoán về điều kiện cấp phép khi công ty không có trụ sở hoạt động hợp pháp.

Ông Dương Thanh Khiết đã theo đuổi sự việc hơn 6 năm nay.
Ông Dương Thanh Khiết đã theo đuổi sự việc hơn 6 năm nay.

UBCKNN đã tiếp tay cho Công ty OMC sử dụng con dấu hợp pháp trong suốt thời gian hơn 15 tháng, địa chỉ trụ sở và địa chỉ trên con dấu khác nhau. Hợp pháp hóa trụ sở hoạt động của Công ty OMC sau 15 tháng hoạt động bất hợp pháp.

“UBCKNN đã can thiệp vào nội bộ Công ty OMC khi quyết định về thời điểm và đối tượng tổ chức đại hội cổ đông bất thường trái quy định pháp luật. Cố ý bỏ qua các sai phạm nghiêm trọng khác trong quá trình tổ chức ở cổ đông bất thường, để hình thành Hội đồng quản trị mới cho ra nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐQT”, ông Khiết cho biết.

Người đứng đơn tố cáo cho rằng, với các sai phạm của UBCKNN, hơn 6 năm qua kể từ 16/3/2012 đến nay, ông Khiết đã gửi trên 63 đơn khiếu nại tố cáo nhưng UBCKNN chỉ trả lời 21 văn bản dưới hình thức là công văn.

Mặt khác, tất cả các công văn giải quyết từ trước đến nay, UBCKNN đã trả lời hoàn toàn sai lệch với nội dung khiếu nại tố cáo, luôn vi phạm thời gian trả lời đơn từ theo quy định pháp luật.

“Các hành vi trên của Vụ Thanh tra và UBCKNN đã có dấu hiệu vi phạm khoản 2, 3, 4 điều 6 Luật Khiếu nại 2011. Việc UBCKNN không giải quyết khiếu nại tố cáo đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ cá nhân ông mà còn gây tổn thất tài chính của Công ty OMC”, ông Khiết nói.

Ông Khiết cũng cho rằng, những hành vi can thiệp của UBCKNN vào hoạt động Công ty OMC có nhiều khuất tất, bất thường, biểu hiện lợi ích nhóm, có nhiều vi phạm luật luật và gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

Nói về lý do sẽ theo đuổi vụ án đến cùng, ông Khiết cho biết: “Ngoài công sức tôi thành lập được một định chế tài chính không có cổ phần của các tổ chức Nhà nước, tài sản của tôi còn 33% lúc xảy ra sự việc, tôi đã chỉ đạo Tổng giám đốc gửi công văn khẩn cấp đến hai ngân hàng Eximbank và BIDV yêu cầu phong toả toàn bộ số tiền mặt 18,7 tỷ đồng trong tài khoản của Công ty OMC đang gửi tiết kiệm tại hai ngân hàng nêu trên.

Hơn nữa việc ký hai hợp đồng trái luật, cần phải ví von như thế này. Tôi đang đứng sở hữu một chiếc xe, tôi chuyển nhượng 67%. Tôi giao xe và giấy tờ cho bên nhận chuyển nhượng làm thủ tục sang tên đồng sở hữu.

Bên mua sử dụng xe lén đi gây hai vụ án rồi mới làm thủ tục đồng sở hữu. 10 năm sau, hai vụ án này bị phanh phui ra thì sao? Họ được UBCKNN hỗ trợ một cách rất tích cực, rất bài bản và có tổ chức để có được đầy đủ các bằng chứng ngoại phạm. Thâm là ở điểm này”, ông Khiết nói.

Liên lạc với bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN về việc ông Dương Thanh Khiết kiện UBCKNN ra Tòa, bà Phương nói bận họp và yêu cầu chúng tôi liên hệ với bộ phận văn phòng để xếp lịch làm việc. Trong khi đó, bà Lê Thị Việt Nga, Vụ trưởng, Chánh Thanh tra UBCKNN cho biết, không hề nhận được thông tin gì về ông Dương Thanh Khiết kiện UBCKNN ra Tòa. Bà Nga xin chúng tôi văn bản thụ lý vụ án của Tòa án nhân dân TP.HCM. “Tôi sẽ kiểm tra lại và trả lời anh sau”, bà Nga nói.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement