19/02/2020 22:02
Làm thế nào nông dân có thể tránh rủi ro về giá?
Đó là nhận định của ông Jean Yves Drolet, chuyên gia về Quản lý rủi ro trong nông nghiệp của SOCODEVI, Canada.
Tại buổi chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề vốn hóa đối với các hợp tác xã, quản lý rủi ro trong nông nghiệp do dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam - VCED tổ chức, các chuyên gia Canada nhận định Việt Nam là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng, rủi ro trong nông nghiệp.
Theo ông Jean Yves Drolet, Việt Nam là đất nước sản xuất nông nghiệp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, ngập mặn, dịch bệnh và thường xuyên chịu ảnh hưởng của những khủng hoảng về giá... mà bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ với nông dân và các công ty bảo hiểm Việt Nam.
Giải pháp nào cho nền nông nghiệp Việt Nam khi thường xuyên đối mặt với những rủi ro về giá? |
Để đối mặt với những vấn đề rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cần có bảo hiểm nông nghiệp. Thông qua các chương trình bảo hiểm nông nghiệp họ sẽ có cơ sở vật chất phục hồi tốt hơn và tăng năng suất sản xuất. Những mô hình, giải pháp rủi ro trong nông nghiệp đã được ở các nước tiên tiến trên thế giới như Haiti, Mali, Colombia, Canada áp dụng và hỗ trợ cho nông dân rất nhiều.
Bảo hiểm nông nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận với vốn vay, mô hình sản xuất để cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới.
Trong khi đó, các hợp tác xã đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Cho đến nay mới chỉ có khoảng 0,5% số hợp tác xã có thể tiếp cận được vốn ngân hàng nếu không có thế chấp. Vượt qua thách thức này là điều kiện cần thiết để thúc đẩy tiềm năng phát triển hợp tác xã ở Việt Nam; từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và cải thiện năng lực của người nông dân trong việc phát triển sinh kế và ứng dụng cải tiến trong ngành nông nghiệp.
Ví dụ điển hình như tại Bến Tre, rủi ro nông nghiệp có nguyên nhân từ khí hậu và thiên tai như xâm nhập mặn, các bệnh trên cây trồng; cùng các rủi ro tài chính và thị trường như biến động giá cả thị trường, mối quan hệ không cân bằng giữa hộ sản xuất và thương lái, khó tiếp cận tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre cho biết, người trồng bưởi tại Bến Tre bị tác động lớn từ xâm ngập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất. Thường trong nông nghiệp gặp phải những tác động từ thiên nhiên người nông dân tự gánh chịu và với những gói bảo hiểm nông nghiệp như thế này, người nông dân chưa tiếp cận được.
Cộng vào đó, sản phẩm người nông dân sản xuất ra đều do một tay thương lái độc quyền thu mua và ép giá nên nông dân rất yếu thế. Tại hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre, đơn vị này định hướng xuất đi các thị trường không quá khó tính như Singapore hay Canada, nhằm giảm thiểu rủi ro về giá.
"Muốn vậy nông dân Việt Nam phải thay đổi thói quen canh tác theo hộ nhỏ lẻ mà có sự liên kết sản xuất ra những sản phẩm sạch, tốt nhất với quy trình chế biến, sản xuất đạt chuẩn thì sẽ có chỗ đứng trên trường quốc tế”, ông Thạch cho biết thêm.
Advertisement
Advertisement