14/11/2020 10:47
Làm sao tránh nhiễm cảm cúm khi trời trở lạnh?
Virus cúm dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ thường nhưng có sức sống dai dẳng ở nhiệt độ thấp. Cũng vì thế nên bệnh phát triển mạnh khi thời tiết lạnh.
Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau nhức tứ chi, sổ mũi, đau họng và ho rất nhiều. Ở những đối tượng đặc biệt có sức đề kháng kém như trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận... cúm có thể kéo theo viêm phổi, viêm não và khả năng tử vong hoàn toàn có thể xảy ra.
Với các triệu chứng như trên, rất khó phân biệt với các bệnh do các tác nhân khác gây bệnh đường hô hấp. Vì vậy để biết chính xác đang mắc chủng cúm gì, chỉ có một cách là xét nghiệm.
Hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng, tức là ho thì dùng thuốc chữa ho, có sốt thì uống hạ sốt. Đây là những thuốc có thể mua không cần đơn, nhưng người bệnh cần đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng, và không được dùng quá liều khuyến cáo của nhà sản xuất.
Đối với các trường hợp cúm nặng, cần phải nhập viện, chăm sóc tăng cường và điều trị kháng sinh, để đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát và hỗ trợ hô hấp.
Các triệu chứng cúm khiến con người khó chịu. |
Điều quan trọng nhất phòng ngừa cúm là phải giữ vệ sinh sạch sẽ đồ vật thường xuyên sử dụng, rửa tay thường xuyên... do cảm lạnh và cúm lây qua việc sờ vào các bề mặt nhiễm khuẩn. Vì thế, việc vệ sinh bề mặt đồ vật bằng các loại nước sát trùng sẽ hạn chế được sự lây nhiễm bệnh.
Ho, hắt hơi vào khăn giấy và bỏ nó vào thùng rác sẽ giúp hạn chế nguồn lây bệnh. Trong các loại giấy dùng 1 lần thường có chứa axit citric và sodium lauryl sulphate (chất có trong xà phòng) có tác dụng diệt trùng.
Tiêm vaccine phòng virus cúm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ giúp ngăn ngừa cúm mùa, kéo dài trong 1 năm. Đây là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Các vaccine cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao, từ 70% đến 90%.
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: Sức đề kháng chính là pháo đài quan trọng để cứu lấy cơ thể qua mùa cúm và nhiều bệnh lý khác. Có nhiều cách như tập thể dục, ăn uống khoa học và bổ sung dưỡng chất, thông qua các sản phẩm được khoa học chứng minh về chức năng nâng cao thể trạng.
Ngoài ra chúng ta có thể áp dụng các phương pháp sau: Vệ sinh mũi bằng nước rửa mũi (nước muối sinh lý, nước muối biển...) sẽ làm sạch hốc mũi, đẩy các vi khuẩn và bụi bẩn ra khỏi nơi trú ẩn.
Nếu các chất dịch trong mũi trở nên khô, mũi bị nghẹt thì nguy cơ nhiễm cảm lạnh sẽ tăng lên. Nhỏ nước muối sẽ giúp mũi ẩm và ngăn ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập.
Có thể mua các loại nước muối pha sẵn hoặc tự pha tại nhà, nhưng lưu ý là không được pha quá mặn, mà có thể nếm nước muối pha loãng, nhạt hơn hoặc bằng với nước canh vẫn thường ăn. Lưu ý là nước muối không có tác dụng chống cảm cúm, cảm lạnh, mà chỉ là biện pháp hỗ trợ phòng bệnh.
Bổ sung chất dinh dưỡng sẽ giúp bạn chống lại cúm. |
Bạn cũng có thể bổ sung chất dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể hạn chế bệnh cúm: Thực phẩm chứa vitamin C, có nhiều trong cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt xanh... có công dụng tăng cường thể lực và phòng chống virus lây nhiễm. Vitamin C hỗ trợ sự hình thành kháng thể, tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể.
Ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm như thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng... có tác dụng trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của virus cúm, đồng thời tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể, được đặt cho biệt danh “khắc tinh của virus”.
Ngoài ra, hành, tỏi cũng có tác dụng ra mồ hôi, lợi tiểu, chống viêm nhiễm. Cùng với một số thực phẩm khác có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch như mè (vừng), chuối, mật ong, đào, đậu tương, rau hẹ, củ cải, cà rốt, cải cúc, mộc nhĩ, nấm hương và các loại rau thơm như tía tô, bạc hà, kinh giới, húng quế, diếp cá... Bạn cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vệ sinh cá nhân, nhà cửa sạch sẽ giúp phòng ngừa bệnh cúm và bệnh lây nhiễm nói chung.
Phân biệt dấu hiệu COVID-19 và cảm cúm thông thường.
Triệu chứng | COVID-19 | Cảm lạnh thông thường | Cảm cúm | Dị ứng |
Sốt | Phổ biến | Hiếm | Không | Đôi khi |
Ho khan | Phổ biến | Vừa phải | Phổ biến | Đôi khi |
Khó thở | Phổ biến | Không | Phổ biến | Phổ biến |
Đau đầu | Đôi khi | Hiếm | Phổ biến | Không |
Đau nhức cơ thể | Đôi khi | Phổ biến | Phổ biến | Không |
Đau họng | Đôi khi | Phổ biến | Phổ biến | Không |
Mệt mỏi | Đôi khi | Đôi khi | Phổ biến | Đôi khi |
Tiêu chảy | Hiếm | Không | Đôi khi | Không |
Sổ mũi | Hiếm | Phổ biến | Đôi khi | Phổ biến |
Hắt hơi | Hiếm | Phổ biến | Không | Phổ biến |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp