02/10/2021 08:53
Lạm phát kèm suy thoái trở thành mối lo mới của nền kinh tế toàn cầu
Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao thúc đẩy lạm phát và làm chậm sự phục hồi sau suy thoái do đại dịch gây ra.
Giá dầu lần đầu tiên vượt qua 80 USD/thùng trong 3 năm, hợp đồng tương lai giá khí đốt tự nhiên giao tháng 10 đang giao dịch với giá cao nhất trong 7 năm và Chỉ số giao ngay hàng hóa Bloomberg tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ.
Giá lương thực cũng đang tăng với Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tăng 33% trong 12 tháng qua, một phần do mất mùa ở Brazil.
Chi phí gia tăng đối với các hộ gia đình và công ty đang đánh vào niềm tin, đồng thời đẩy lạm phát nhanh hơn mức các nhà kinh tế dự đoán chỉ vài tháng trước. Điều đó có thể đặt các nhà hoạch định chính sách vào tình thế khó khăn khi phải lựa chọn giữa việc lạm phát và hồi phục kinh tế.
Tình trạng hiện nay đang được nhiều nhà phân tích liên tưởng tới giai đoạn những năm 1970 khi kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao do giá dầu mỏ. Trong khi nhiều ngân hàng trung ương bác bỏ điều này và cho rằng, đó là mối lo thái quá, mối quan tâm là việc tăng giá lâu dài hơn sẽ dẫn đến nhu cầu trả lương cao hơn, đẩy nền kinh tế vào một vòng luẩn quẩn.
Supriya Menon, chiến lược gia tại Pictet & Cie nói với Bloomberg: “Chúng tôi đang chứng kiến lạm phát gia tăng. Cuối cùng thì điều đó được giải quyết như thế nào? Một phần của cách lạm phát có thể được giải quyết là thông qua việc triệt tiêu nhu cầu”.
Bloomberg Economics tính toán rằng, giá hàng hóa tăng 20% ngụ ý một khoản chuyển giao trị giá ít nhất 550 tỷ USD - gần tương đương với sản lượng hàng năm của Bỉ - từ những người tiêu dùng hàng hóa sang những người sản xuất nhiều nhất.
Các nhà kinh tế từ Goldman Sachs đến Morgan Stanley đều cắt giảm dự báo sản lượng trong một loạt ngành sử dụng nhiều năng lượng ở Trung Quốc và dự kiến sẽ kéo tăng trưởng thấp hơn trong năm nay.
Tại Anh, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm trong tháng 9 với tốc độ nhanh nhất kể từ khi các quy định về ngăn chặn Covid-19 được đưa ra trong gần 1 năm trước. Anh cùng với phần lớn châu Âu đang phải chịu sự tăng vọt về giá điện và khí đốt tự nhiên do nhu cầu tăng cao sau khi dỡ bỏ tình trạng phong toả và lượng hàng tồn kho thấp hơn so với mùa trước. Điều đó đã làm xói mòn tâm lý người tiêu dùng vốn đã mong manh.
Chiến lược gia George Buckley tại Nomura viết trong một báo cáo: “Giá năng lượng cao hơn thường dẫn đến sự tự tin thấp hơn, đặc biệt là vào thời điểm khi số ca nhiễm virus gia tăng có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế sơ khai”.
Đợt tăng giá hàng hóa gần đây nhất đã khiến thị trường bất ngờ ngay khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu phát tín hiệu về ý định cắt giảm các gói kích thích.
Jim Reid, chiến lược gia tại Deutsche Bank AG cho biết: “Liệu các ngân hàng trung ương có đáp ứng đủ nhu cầu để thực hiện rút dần các chương trình mua tài sản? Đây là một giai đoạn vô cùng tế nhị và khó khăn đối với các ngân hàng trung ương”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey đã nêu những vấn đề hóc búa đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
“Những cú sốc mà chúng ta đang thấy đang hạn chế nguồn cung trong nền kinh tế so với sự phục hồi của nhu cầu. Điều này rất quan trọng, bởi chính sách tiền tệ không làm tăng nguồn cung chip bán dẫn, hay làm tăng lượng gió”, ông nói trong bài phát biểu hôm thứ Hai (27/9).
Niềm tin của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng ở Mỹ vì giá cả cao khiến điều kiện mua đồ gia dụng giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ những năm 1980.
Tuy nhiên đối với các nền kinh tế tiên tiến, điều đáng chú ý là các quốc gia nhìn chung đã phục hồi sau cuộc suy thoái tốt hơn so với dự đoán một năm trước.
OECD dự báo GDP các nền kinh tế tiên tiến có thể quay trở lại quỹ đạo trước khủng hoảng vào năm 2022 |
Theo dự báo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP các nền kinh tế tiên tiến có thể quay trở lại quỹ đạo trước khủng hoảng vào năm 2022, một kết quả tốt hơn so với dự đoán vào cuối năm 2020.
Nhiều quan chức vẫn khẳng định, mức giá tăng đột biến hiện nay sẽ giảm dần mà không cần phải hành động.
Hôm thứ Ba (28/9), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết: “Chúng tôi không phản ứng quá mức với những cú sốc nguồn cung tạm thời, không ảnh hưởng đến trung hạn”.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp