Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Làm lớn thị trường chứng khoán, việc của năm 2020

Chứng khoán

18/01/2020 09:31

Năm 2019 tổng mức huy động vốn trên TTCK ước đạt 318.700 tỷ đồng từ hoạt động phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với năm 2018. Trong khi tổng lượng vốn mà hệ thống ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế trong năm 2019 là 8,2 triệu tỷ đồng.

Vốn chảy qua hệ thống TTCK còn nhỏ

Những rủi ro của tình trạng các ngân hàng sử dụng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đối với cả nền kinh tế, lẫn chính sức khỏe của các ngân hàng đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2019, nhờ thị trường chứng khoán (TTCK) có bước phát triển tích cực, đã góp phần giúp hệ thống tổ chức tín dụng giảm dần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

  Tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng/vốn hóa TTCK năm 2018 là 134%/109%, nhưng năm 2019 là 138%/103,9%.

Tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng/vốn hóa TTCK năm 2018 là 134%/109%, nhưng năm 2019 là 138%/103,9%.

Tuy nhiên, kết quả đạt được là chưa như kỳ vọng. Theo Bộ Tài chính, mặc dù ghi nhận tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng năm 2019 tổng mức huy động vốn trên TTCK ước đạt 318.700 tỷ đồng nhờ hoạt động phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng gấp 2 lần so với cả năm 2018, nhưng so với tổng lượng vốn mà hệ thống ngân hàng đã cung cấp cho nền kinh tế trong cả năm qua lên đến 8,2 triệu tỷ đồng, cho thấy khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của TTCK vẫn còn nhỏ bé…

Một con số khác đáng chú ý là nếu như tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng/vốn hóa TTCK năm 2018 là 134%/109%, thì năm 2019 là 138%/103,9%.

Điều đó cho thấy, với quy mô tín dụng vốn đã lớn, tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng trong năm qua đã có bước tăng đáng kể, qua đó tiếp tục thể hiện là kênh tài trợ vốn trọng yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp.

Làm lớn thị trường chứng khoán, việc của năm 2020

Thế nhưng, so với quy mô GDP trong năm qua tăng, tỷ trọng vốn hóa TTCK (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp) chỉ tương đương 103,9% GDP năm 2019, giảm so với năm 2018.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề xuất cần có giải pháp “làm to” TTCK một cách rõ nét, để thực sự đảm đương là kênh huy động và tài trợ vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc TTCK được nâng tầm trong tài trợ vốn cho nền kinh tế sẽ đe dọa làm giảm vai trò, vị thế của thị trường tiền tệ trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, nên có những e ngại, chậm trễ trong thực thi các chính sách nhanh, mạnh nhằm gia tăng quy mô của TTCK.

Tuy nhiên, góc nhìn của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện quan ngại này nếu có thì đã qua, bởi chính lãnh đạo cơ quan này cũng mong muốn thị trường tài chính, chứng khoán cần được thúc đẩy phát triển để gia tăng quy mô, qua đó đảm đương ngày càng tốt hơn vai trò tài trợ vốn cho nền kinh tế.

“Thị trường tài chính tuy đã phát triển, nhưng năm 2019 quy mô thị trường cổ phiếu chỉ tương đương 79,2% GDP năm 2018, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chỉ tương đương 11% GDP.

Những chỉ tiêu này thể hiện quy mô của thị trường tài chính còn hạn chế, nên cần phải phát triển như thông lệ quốc tế…”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.

Tuy quy mô của quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh từ 9,01% GDP năm 2018 lên hơn 11% GDP trong 2019, nhưng theo một chuyên gia ở Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), gần 50% lượng trái phiếu được phát hành bởi các ngân hàng, lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm tỷ trọng 29%, hơn 20% còn lại do doanh nghiệp thuộc các ngành lĩnh vực khác phát hành.

Điều này phần nào cho thấy đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác ngoài ngân hàng, bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn qua TTCK nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng…

Là người xuất thân từ ngành ngân hàng, TS.Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) mong đợi, trong năm 2020 cũng như giai đoạn tới, vai trò của thị trường tài chính, chứng khoán sẽ được đề cao hơn trong bối cảnh các ngân hàng giảm sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn...

Cách nào làm lớn TTCK?

Để hiện thực hóa mục tiêu gia tăng tỷ trọng vốn hóa TTCK tiến tới ngang bằng, thậm chí vượt tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế như thông lệ các nước ngay trong ASEAN, nhiều chuyên gia đề xuất cần có những bước đi cụ thể ở tầm chỉ đạo ở cấp Chính phủ, chứ nếu chỉ dừng lại ở phối hợp điều hành chính tiền tệ, tài khóa thì khó tạo ra những chuyển biến nhanh, mạnh trong thời gian ngắn.

Đề xuất trên đang được kỳ vọng sớm thành hiện thực, khi một trong những chỉ đạo đáng chú ý được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở ngành tài chính, chứng khoán triển khai trong năm 2020 là phát triển mạnh TTCK để đáp ứng xu thế giảm mạnh gánh nặng cho ngành ngân hàng trong huy động vốn trung và dài cho nền kinh tế trong bối cảnh việc này đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Cần nghiên cứu triển khai sản phẩm mới là trái phiếu công trình, để không chỉ giảm rủi ro, gánh nặng tài trợ vốn cho hệ thống ngân hàng, mà còn tăng dư địa cho thị trường tài chính phát triển.

- TS.Vũ Bằng, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Liên quan đến các giải pháp ở góc độ thị trường tài chính, để “làm to” TTCK, theo ông Vũ Bằng, UBCK cũng như các cơ quan hoạch định chính sách cần nới lỏng các điều kiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn trên TTCK thông qua thúc đẩy doanh nghiệp tự giác minh bạch thông tin.

Đặc biệt, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau thời gian ban đầu vận động khá tốt, cần tiếp tục phát huy theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp hơn, không nên vì một số khiếm khuyết mà siết thị trường.

Cần rõ ràng trong các quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, để giảm thiểu rủi ro cho thị trường.

“Cần nghiên cứu cho phép triển khai sản phẩm mới là trái phiếu công trình, để không chỉ giảm rủi ro, gánh nặng tài trợ vốn cho hệ thống ngân hàng, mà còn tăng dư địa cho thị trường tài chính phát triển.

Cần thực thi các cơ chế thuế mới để tạo động lực khuyến khích ra đời quỹ hưu trí tự nguyện, cũng như phát triển quỹ đầu tư bất động sản. Cùng với tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu TTCK, cần thực thi quyết liệt các giải pháp để nâng hạng thị trường thành công”, ông Bằng nói.

Trên thị trường tiền tệ, Việt Nam vẫn duy trì trần lãi suất, nên có những điểm khiến cho tính lưu thông trên thị trường không tốt, qua đó phản ánh không tích cực vào đường cong lợi suất trên thị trường trái phiếu.

Theo ông Bằng, Ngân hàng Nhà nước nên có lộ trình từng bước dần bỏ quy định về trần lãi suất. Muốn thế cần quyết liệt hơn trong xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém, vì các tổ chức này thường khởi nguồn cho các cuộc chạy đua tăng lãi suất để huy động vốn.

Liên quan đến việc tìm vốn của khối doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa qua Quốc hội đã không ủng hộ quy định về sử dụng thị trường vốn nhằm hỗ trợ vốn cho phát triển các doanh nghiệp loại này.

Tuy nhiên, xét thông lệ quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, cần định rõ vai trò của thị trường vốn trong tiếp sức cho phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi vốn là yếu tố cần thiết bậc nhất để tiếp sức cho loại hình doanh nghiệp này ra đời và hoạt động.

Để giảm thiểu rủi ro, quy định pháp lý một mặt chỉ giới hạn hoạt động đầu tư vào loại chứng khoán tài trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng thời cần khống chế lượng chứng khoán mà một nhà đầu tư được mua tối đa ở mức ban đầu vừa phải.

Cần tránh tư tưởng e ngại rủi ro mà kéo dài việc ban hành quy định pháp lý phát triển thị trường vốn phục vụ cho mục tiêu tiếp sức cho doanh nghiệp khởi nghiệp tìm vốn qua TTCK …

Về giải pháp phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho “làm to” thị TTCK, bà Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường hiệu quả trong phối hợp điều hành hai chính sách này nhằm góp phần giúp thị trường vốn phát triển lành mạnh, tích cực.

Bộ Tài chính cần thúc đẩy việc tái cơ cấu thị trường tài chính mạnh hơn, để phát triển thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu.

Khi đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận với dòng vốn trung và dài hạn trên thị trường tài chính, góp phần vừa giúp các tổ chức tín dụng giảm áp lực tài trợ vốn cho nền kinh tế, vừa dễ cân đối vốn để tránh rủi ro trong hoạt động.

NGUYỄN HỮU
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement