29/11/2017 09:27
'Làm hoạt hình một lần không tốn thì bốn lần không xong'
Chia sẻ của NSND Nguyễn Hà Bắc về lý do khiến hoạt hình Việt Nam chưa thể khởi sắc, ông cũng kỳ vọng sự có mặt của VinTaTa sẽ cho khán giả thêm nhiều tác phẩm có 'chất' Việt
Thiếu đầu tư - “èo uột” là dễ hiểu
Các rạp chiếu phim, các kênh truyền hình tràn ngập phim hoạt hình nước ngoài. Điều gì đang diễn ra với thể loại điện ảnh có gần 60 năm tồn tại của nước ta, thưa ông?
Bộ phim đầu tiên của hoạt hình Việt Nam là một xuất phẩm thuộc thể loại đồ họa với nhan đề Đáng đời thằng Cáo, được thực hiện cuối năm 1959. Tuy nhiên, sau gần 60 năm, có thể nói hoạt hình Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Dù chúng ta cũng được quốc tế ghi nhận thông qua những giải thưởng hoạt hình quốc tế mà các bộ phim của Việt Nam giành được, nhưng đạt giải mà vẫn không thể đưa được tác phẩm tới khán giả thì không ổn.
Nhưng khán giả Việt Nam rất thích hoạt hình, khi nhiều phim hoạt hình của Hollywood có doanh thu phòng vé lên đến vài chục tỷ đồng, vì sao họ lại quay lưng với hoạt hình nội địa?
Vấn đề không nằm ở khán giả. Chúng ta phải thừa nhận rằng phim hoạt hình Việt Nam quá khô khan, nặng nề về răn dạy, triết lý những vấn đề lớn lao mà thiếu chất hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, thiếu tính những thủ pháp khoa trương, phi lý... của nghệ thuật hoạt hình. Đó là do quan niệm lỗi thời rằng phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi, trong khi đó nước ngoài họ làm phim hoạt hình cho cả người lớn xem.
Về khía cạnh sản xuất, phim nước ngoài được đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD một phim, trong khi phim Việt chỉ đầu tư từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng một tập.
So về công nghệ, kỹ xảo và kinh nghiệm, rõ ràng ta kém xa những người khổng lồ Walt Disney, Pixar, Universal. Muốn cập nhật những thiết bị mới nhất, công nghệ 3D tiên tiến nhất, người đầu tư cần phải có tiền tỷ. Thiếu sự đầu tư thì hoạt hình Việt Nam “èo uột” là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, đầu ra trên sóng truyền hình quốc gia cho phim hoạt hình vẫn hạn chế, còn việc phát hành phim tại các rạp chiếu với mục đích thương mại thì chưa từng được nghĩ tới vì không có kinh phí.
Nói như vậy thì có thể kết luận là hoạt hình Việt Nam đã “hết cửa”, thưa ông?
Tôi không nghĩ vậy. Từ trước đến nay, sản xuất phim hoạt hình chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, tư nhân tham gia rất ít thì rất khó để có thể khởi sắc, bởi đầu tư của nhà nước không mang tính thương mại mà chỉ có vai trò phục vụ thiếu nhi. Nhưng nếu có các nhà đầu tư tư nhân tham gia, dám bỏ vốn vào để làm nghiêm túc thì có thể khắc phục được hạn chế này. Nên nhớ làm hoạt hình cực tốn, nhưng một lần tốn thì bốn lần được, chứ còn một lần không tốn thì bốn lần không xong.
Thứ hai là vấn đề con người thì chúng ta có một nền tảng tốt, có nhiều người tài. Ngay cả hiện giờ cũng có nhiều nhóm làm gia công cho các hãng phim hoạt hình nước ngoài thì khả năng của họ cũng tiệm cận trình độ thế giới rồi. Điều cần thiết bây giờ là có một môi trường để đội ngũ này có chung ý chí xây dựng nền công nghiệp hoạt hình Việt Nam.
Kỳ vọng những phim hoạt hình có “chất Việt”
Một sự kiện vừa khiến giới làm hoạt hình và cả khán giả yêu hoạt hình xôn xao khi Vingroup ra mắt hãng phim hoạt hình VinTaTa. Ông nghĩ thế nào về sự kiện này?
Vingroup là một doanh nghiệp lớn, khi họ thành lập hãng phim hoạt hình thì có thể hiểu là họ xác định làm nghiêm túc, đầu tư lớn và bài bản không “vừa làm vừa dò” như một số doanh nghiệp trước đây. Với tiêu chí vừa mang lại tiếng cười cho trẻ nhỏ, vừa có có ý nghĩa giáo dục, chất lượng quốc tế - thì VinTaTa sẽ quy tụ được nhiều tài năng trong giới làm hoạt hình Việt Nam. Bởi những người làm hoạt hình của Việt Nam, thậm chí cả các nhóm đang gia công cho nước ngoài đều có mong muốn góp phần tạo ra những tác phẩm có “chất” Việt.
Vậy, ông có cho rằng VinTaTa sẽ được khán giả đón nhận?
Rất khó để trả lời câu hỏi này, nhưng tôi thấy là có cơ sở cho việc đó. Thứ nhất là mảnh đất hoạt hình Việt Nam rất tiềm năng và đang thiếu những bộ phim có “chất” Việt. Nếu VinTaTa cho ra mắt được những sản phẩm đúng theo tiêu chí của họ thì không có lý do gì mà khán giả không đón nhận.
Thứ hai, qua đoạn phim ngắn giới thiệu cuộc thi “Tác giả lừng danh” mà VinTaTa đang tổ chức thì tôi thấy họ có một đội ngũ có kỹ năng tốt, khả năng tạo hình, bố cục khá chặt chẽ, khuôn hình tương đối chuyên nghiệp. Đội ngũ này kết hợp với kịch bản tốt thì hoàn toàn có thể cho ra mắt các sản phẩm chất lượng không thua kém gì các bộ phim hoạt hình nước ngoài.
Hai yếu tố này, “chất” Việt và chất lượng, có thể giúp VinTaTa thành công tại thị trường Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Hãng phim hoạt hình VinTaTa, thuộc Tập đoàn Vingroup vừa chính thức phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản “Tác giả lừng danh” với tổng trị giá giải thưởng lên tới gần 2 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên một hãng phim hoạt hình trong nước tổ chức cuộc thi kịch bản trên phạm vi toàn cầu, nhằm tìm ra những ý tưởng sáng giá nhất cho series phim hoạt hình “made in Việt Nam” có công nghệ hiện đại, mang đậm tinh thần và bản sắc văn hoá Việt.
Kịch bản sẽ xoay quanh chú khỉ Monta - nhân vật chủ đạo, xuyên suốt các series phim của VinTaTa, đồng thời là linh vật biểu tượng của hãng phim. Monta được thiết kế dựa trên nguyên mẫu là loài voọc quần đùi trắng - động vật quý hiếm và đặc hữu ở Việt Nam, hội đủ những ưu điểm tích cách đặc trưng của người Việt như thông minh, tốt bụng, vui vẻ, nhanh nhẹn, tháo vát, hóm hỉnh...
Cuộc thi chính thức nhận ý tưởng kịch bản từ ngày 31/10 đến hết 30/11/2017.
Thông tin chi tiết về cuộc thi: https://tacgialungdanh.vintata.com
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp