06/12/2021 07:22
Lại 'thổi' giá đất vùng ven
Thời gian gần đây, tại khu vực vùng ven và vệ tinh của TP.HCM, tình trạng môi giới, “cò” đất lợi dụng thông tin quy hoạch địa giới hành chính, hạ tầng giao thông… để “thổi” giá đất xuất hiện trở lại.
Cứ có tin là giá tăng
Những ngày qua, nhiều diễn đàn đăng tải thông tin cho rằng bất động sản vùng ven đang tăng nóng, đặc biệt là tại phân khúc đất nền. Đơn cử như tại TP.HCM, ngoài khu vực TP.Thủ Đức thì huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ đang là nơi tập trung nhiều thông tin “nóng sốt” nhất khi “dựa hơi” thông tin lên quận, thành phố. Nhưng thực tế thị trường lại hoàn toàn trái ngược.
Trong vai người có nhu cầu mua đất, cuối tuần qua, chúng tôi qua phà Bình Khánh để tìm hiểu thị trường đất nền ở huyện Cần Giờ. Vừa tấp vào quán nước bên đường, chúng tôi bắt gặp một nhóm người đang bàn luận sôi nổi việc một số huyện của TP.HCM chuẩn bị lên quận, trong đó có Cần Giờ. Khi biết có nhà đầu tư đang tìm mua đất, một “cò” tên Tuấn lập tức “khoe” hàng loạt thông tin về hạ tầng nơi đây như cầu Cần Giờ sắp được xây dựng, có tàu cao tốc để đi Vũng Tàu chỉ mất 30 phút… để gây chú ý.
Khi được hỏi về giá bất động sản ở đây hiện như thế nào, Tuấn cho biết, đất mặt tiền đường Duyên Hải, khu vực thị trấn Cần Thạnh có giá 60-70 triệu đồng/m2, các tuyến đường khác như Tắc Xuất, Lương Văn Nho hay Thành Thới giá bán dao động từ 35-40 triệu đồng/m2. Cũng con đường này, nhưng gần phía đường 30/4 và dự án lấn biển thì được rao bán với giá 45-50 triệu đồng/m2.
Với đất vườn trồng cây lâu năm và có một phần nhỏ diện tích là đất thổ cư, Tuấn cho biết, đang được giao dịch quanh mức 7-10 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí có gần biển hay không, rồi chào mời lô đất có diện tích hơn 10.000 m2 với giá 50 tỷ đồng. “Nếu đồng ý mua, các anh chỉ cần thanh toán 70%, phần còn lại khi nào nhận sổ sẽ trả nốt”, Tuấn nói.
Thấy chúng tôi thắc mắc về mức giá quá cao này, môi giới tự do này liến thoắng: “Giờ ở TP.HCM làm gì còn chỗ nào đất trống và rộng như ở đây, không khí lại trong lành. Hơn nữa, khi cầu Cần Giờ xây xong thì việc đi lại càng thuận tiện, giá đất cũng sẽ tăng cao hơn nữa, nếu không quyết định nhanh sẽ lỡ cơ hội”.
Trở lại huyện Bình Chánh, những ngày này, dọc theo Tỉnh lộ 10 qua địa bàn các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, người đi đường sẽ bắt gặp hình ảnh thông tin bán bất động sản được vẽ, in dán chi chít trên các cột điện, bờ tường… với đủ loại giá.
Đơn cử, ở khu vực đường Vườn Thơm, thuộc xã Bình Lợi, giáp với tỉnh Long An, giá đất được rao bán quanh mức 38 triệu đồng/m2, còn ở gần Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân) hay khu vực xã Phạm Văn Hai, dọc theo Tỉnh lộ 10 có giá từ 45-50 triệu đồng/m2; đất mặt tiền ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có giá gần 100 triệu đồng/m2, đều tăng khá mạnh so với trước dịch.
Tương tự, tại huyện Nhà Bè, thông tin huyện này lên quận xuất hiện từ cuối năm 2020, khi lãnh đạo UBND TP.HCM về làm việc với UBND huyện, giá đất khu vực này không ngừng tăng từ đó đến nay. Trong đó, tăng mạnh nhất là ở xã Long Hậu với mức tăng 30-40% trong mấy tháng qua. Đáng chú ý, đội ngũ môi giới bắt đầu đăng tin rao bán trở lại ở nhiều dự án sau thời gian dài im ắng.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Đức Linh Real, không có nhiều yếu tố tác động tới giá đất khu vực vùng ven TP.HCM ở thời điểm hiện tại, thậm chí giao dịch còn giảm đi đáng kể vì giá đã tăng quá cao.
“Lúc này, chỉ những dự án được đầu tư bài bản giá mới nhích tăng, còn trên bình diện chung không có nhiều biến động, những thông tin tăng giá chủ yếu do môi giới và đầu cơ tung tin để ‘dụ khách hàng xuống tiền”, bà Linh nói và cho biết thêm, câu chuyện giá đất tăng sau những thông tin về quy hoạch địa giới hành chính, hạ tầng giao thông… không còn mới mẻ. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân lao theo tin nóng và đẩy giá lên cao do nguồn cung hạn chế.
Chính quyền vào cuộc
Không chỉ vùng ven, việc giá đất tăng bất thường còn xuất hiện ở khu vực vệ tinh TP.HCM. Đơn cử, sau khi Đồng Nai mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, hơn 100 căn biệt thự, nhà phố, nhà vườn đồng loạt được rao bán, cùng với đó là chi chít quảng cáo bán đất nền tái định cư sân bay Long Thành. Theo một “cò” đất đang hoạt động tại đây, mức giá thấp nhất cũng ở mức 2 tỷ đồng mỗi lô diện tích từ 75-80 m2 ở các trục đường phụ (lô đất tái định cư dành cho hộ phụ), còn ở các trục đường lớn có giá từ 5-7 tỷ đồng/lô diện tích từ 100-125 m2, cá biệt có những lô góc được rao giá lên đến cả chục tỷ đồng mỗi lô.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng hộ dân đã được bàn giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định cư này rất nhiều. Do vậy, việc mua bán suất tái định cư được thực hiện theo phương thức người bán sẽ viết giấy tay nhận tiền cọc và giao sổ hộ khẩu cho người mua, đến khi chính thức nhận đất thì sẽ làm thủ tục sang nhượng và nhận tiền còn lại.
“Rao bán là vậy nhưng phần nhiều là rao bán ảo, số lượng giao dịch thành công rất ít. Họ ra giá, rao bán, nhưng khi người mua hỏi thì không có hàng”, nhân viên môi giới trên nói và cho biết thêm, việc ồ ạt rao bán chủ yếu là gây chú ý để kéo nhà đầu tư tìm về mua đất, sau đó sẽ giới thiệu một dự án khác.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc và yêu cầu UBND huyện Long Thành chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, tháo dỡ các lều trại, biển, bảng quảng cáo do môi giới, “cò” đất dựng trái phép tại đây.
Theo đó, UBND huyện Long Thành giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp lực lượng công an huyện khẩn trương tổ chức kiểm tra thực tế những trường hợp có hành vi môi giới, quảng cáo, mua bán các lô đất nền trong Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, từ đó đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.
Hiện tại, các chòi, lều, biển, bảng quảng cáo khổ lớn tự phát tại Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn đã được tháo dỡ, tuy nhiên, các môi giới vẫn tập trung thành từng nhóm nhỏ dọc theo tuyến đường dẫn vào Khu tái định cư này để chào mời khách hàng.
Quay trở lại câu chuyện giá đất vùng ven “nhảy múa” do thông tin quy hoạch, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, việc quy hoạch nâng cấp các đơn vị hành chính cần có thời gian dài chuẩn bị, chứ không thể “ngày một, ngày hai”.
“Chẳng hạn, tại huyện Bình Chánh, dù Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM đã đưa ra mục tiêu, nhưng vì hệ thống hạ tầng và quy hoạch đến nay vẫn chưa hoàn thiện, nên lộ trình lên quận phải mất nhiều năm nữa mới có thể thực hiện”, ông Quân cho biết.
Advertisement