18/06/2019 20:49
“Lách” quy định công bố thông tin trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Phụ lục II đính kèm Nghị định 163 đã quy định cụ thể các nội dung, khoản mục mà tổ chức phát hành cần công bố khi thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ nhưng có vẻ như một số doanh nghiệp vẫn cố “lách khéo”, “né khéo” trách nhiệm công bố về một số nội dung, đặc biệt là đối với việc công khai danh sách trái chủ.
Thay mặt Chính phủ, ngày 4/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP (Nghị định 163) quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 (Nghị định 90) nhằm tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/2/2019 và được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư; từng bước mở rộng quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Bên cạnh nhiều ý nghĩa to lớn, sự ra đời của Nghị định số 163 còn mở ra cơ hội tiếp cận thông tin cho các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và đông đảo công chúng về các thương vụ phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) - của hầu hết các loại hình doanh nghiệp, công ty. Các "khoảng hở" về trách nhiệm, nghĩa vụ và chế độ công bố thông tin trước đây đã được Nghị định bổ sung, hoàn thiện.
Theo đó, Nghị định 90 cũ chưa quy định cụ thể về chế độ công bố thông tin đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, dẫn đến, thông tin về tình hình phát hành TPDN mới cơ bản được Bộ Tài chính tổng hợp trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp phát hành.
Cùng với đó, ý thức chấp hành chế độ thông tin, báo cáo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa tốt nên chưa hình thành được cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất về TPDN, dẫn đến, khó khăn cho nhà đầu tư khi có nhu cầu mua trái phiếu (không biết thông tin về các trái phiếu đang lưu hành để mua). Còn đối với doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu cũng không có thông tin về các đợt phát hành TPDN để tham khảo, cơ quan quản lý cũng chưa có thông tin toàn diện, đầy đủ về thị trường TPDN.
Để khắc phục những hạn chế trên, Nghị định 163 quy định cụ thể về (i) trách nhiệm và nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư và Sở GDCK, bao gồm công bố thông tin trước khi phát hành, công bố thông tin về kết quả phát hành, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường và (ii) quy định về việc thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về TPDN do Sở GDCK quản lý và vận hành trên cơ sở tận dụng cơ sở hạ tầng đã có sẵn để quản lý tập trung toàn bộ thông tin về thị trường TPDN phát hành riêng lẻ.
Thực tiễn triển khai Nghị định gần nửa năm qua đã cho thấy những hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch của việc huy động vốn trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào huy động vốn; phát huy xứng đáng mục đích ban hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai thực hiện Nghị định 163 cũng đang bộc lộ một số vấn đề. Không ít các nhà đầu tư và thành viên thị trường đã bày tỏ băn khoăn khi đọc Bản công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ mà nhiều doanh nghiệp đã gửi đến HNX và được đăng tải công khai trên chuyên trang.
“Lách” quy định công bố thông tin?
Phụ lục II đính kèm Nghị định 163 đã quy định cụ thể các nội dung, khoản mục mà tổ chức phát hành cần công bố khi thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ nhưng có vẻ như một số doanh nghiệp vẫn cố “lách khéo”, “né khéo” trách nhiệm công bố về một số nội dung.
Chính xác hơn là họ có công bố nhưng mà theo kiểu “chung chung”, đặc biệt là đối với việc công khai danh sách trái chủ.
2 trái chủ: doanh nghiệp A, doanh nghiệp B đã rót 1.000 tỷ đồng vào trái phiếu Helios cụ thể là công ty nào? |
Chẳng hạn như bản công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ mới đây (ký ngày 11/6/2019) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios (L14-08B, Lầu 14, Tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM).
Helios cho biết vừa hoàn tất phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho 2 nhà đầu tư. Nhưng danh tính cụ thể về 2 nhà đầu tư ấy thế nào thì có vẻ Helios lại chẳng muốn công khai. Bởi họ được phiếm chỉ dưới tên gọi: Doanh nghiệp A (700 tỷ đồng); Doanh nghiệp B (300 tỷ đồng).
Tương tự, tại bản công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ ký ngày 4/6/2019, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng công bố về danh sách 4 trái chủ đã đầu tư 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 03 năm của mình: Doanh nghiệp A (800 tỷ đồng); Doanh nghiệp B (700 tỷ đồng); Doanh nghiệp C (500 tỷ đồng); Doanh nghiệp D (500 tỷ đồng).
Ban đầu Bac A Bank từng công bố khá "nghiêm túc" về danh tính trái chủ nhưng đến lần sau thì họ "khéo" hơn... |
Cách công bố của Helios và ABBank có thể là sự kế thừa và tiếp thu sự sáng tạo cách làm của một số doanh nghiệp đi trước, trong đó có Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank). Tại bản công bố vào cuối tháng 5/2019, Bac A Bank đã công bố về trái chủ duy nhất đã mua trọn 300 tỷ đồng vào trái phiếu kỳ hạn 03 năm của mình: Nhà đầu tư A. Đây cũng là cách công bố mà một số NH khác đã áp dụng cho một số thương vụ phát hành trái phiếu của mình.
Không loại trừ khả năng cách công bố trên của những tổ chức phát hành như Bac A Bank hay một số NH ít nhiều có tính “rút kinh nghiệm”, bởi trước đó, khi Nghị định 163 mới đi vào hiệu lực, trong các bản công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu họ vẫn nêu rõ danh tính trái chủ, như SHS hay VNDirect.
Không phiếm chỉ kiểu A, B, C, D như trên, Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) lại sử dụng một cách công bố “khéo” khác. “Công ty chứng khoán” - đó là cách Bông Sen cho biết về nhà đầu tư đã mua 400 tỷ đồng trái phiếu của họ mới đây. CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp. HCM cũng chọn một cách công bố không khác mấy: nhà đầu tư tổ chức; công ty quản lý quỹ; doanh nghiệp.
Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu của Him Lam Land "bất ngờ" bị lạc mất 2 trang quan trọng. (ảnh chụp màn hình) |
Hôm nay (18/6), HNX đăng bản Công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ (số 007/06/2019/CV-HLL) Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam (Him Lam Land). Văn bản ký ngày 14/6/2019 và đến HNX vào ngày 17/6/2019.
Như những gì công bố thì văn bản này dài 7 trang (trang Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Thủy ký và đóng dấu được đánh số 7), nhưng không hiểu vô tình hay hữu ý – và cũng không biết là bởi HNX hay Him Lam Land – mà bản công bố được đăng tải này lại thiếu mất 2 trang (trang số 4 và trang số 6). Do đó, dù Him Lam Land đã thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 163 nhưng cũng không rõ đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Him Lam Land có quy mô như thế nào, kết quả ra sao, nhà đầu tư trái phiếu là ai.
Cần thiết phải nói rằng, những tổ chức phát hành thực hiện công bố thông tin theo kiểu “khéo” như trên chỉ là thiểu số nếu so sánh với các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc quy định công bố thông tin tại Nghị định 163. Song thực tế thị trường cho thấy, cách “khéo” này đang ngày được chuộng hơn.
Cũng chưa rõ cách công bố “khéo” ấy có phạm luật hay chỉ là “lách luật” và nó có được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận (?). Nhưng sẽ là không công bằng nếu thị trường lại tồn tại quá nhiều cách công bố thông tin và mức “mở” lại tùy thuộc vào ý chí của từng đơn vị. Đáng nói hơn nữa là khi ấy những mục tiêu tốt đẹp của Nghị định 163 có thể khó được bảo toàn như ý định của nhà ban hành – mà ở đây là Chính phủ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp