30/10/2021 17:01
Kỳ vọng những ‘cánh cửa’ mới để phát triển kinh tế bền vững
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng và tạo động lực mới mạnh mẽ để thực hiện các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế mới, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ trước thềm chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp uy tín và kinh doanh lâu đời, hiệu quả tại Việt Nam của Anh, Pháp đã đưa ra nhận định trên.
Sự tham dự của Việt Nam tại COP26 có ý nghĩa quan trọng
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) là nơi hàng nghìn nhà lãnh đạo khu vực công và tư thảo luận và đặt ra các mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Từ đó, thúc đẩy tính bền vững đối với kinh tế và xã hội của tất cả các quốc gia, đáp ứng Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, ông Nitin Kapoor cho rằng, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang ý nghĩa quan trọng. Việt Nam có vị trí địa chính trị chiến lược với hệ sinh thái đa dạng sinh học, ông Nitin tin tưởng, nhiều đại biểu tham gia COP26 sẽ mong muốn được nghe và học hỏi từ Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về mục tiêu trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi hy vọng rằng sự tham dự và chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ nâng cao nhận thức của người dân về những cuộc đối thoại quan trọng này và truyền cảm hứng cho cộng đồng tại các địa phương thực hiện các sáng kiến mạnh mẽ hơn”, Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam bày tỏ.
Cũng theo ông Nitin, Việt Nam đã có những sáng kiến đột phá trong việc áp dụng và tận dụng năng lượng tái tạo trên cả nước, trở thành một điển hình hàng đầu ở Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Nhiều dãy tua-bin gió ở các vùng ven biển Bình Định, Ninh Thuận… đã đánh dấu một kỷ nguyên mới về sản xuất và tiêu thụ điện có ý thức hơn.
Đồng quan điểm với ông Nitin, bà Hồ Thị Mỹ Dung, Trưởng Đại diện của ngân hàng Societe Generale (SG), Pháp tại Việt Nam, nhận định, bất kỳ quyết định nào được đưa ra tại COP26 đều có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự sự kiện quan trọng này sẽ khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng chạy bằng than và tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo.
Bà Dung khẳng định ý nghĩa của nội dung sự kiện lần này phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động kinh doanh của SG. Sự tham dự và tham gia tích cực của Việt Nam đối với các sáng kiến tại COP26 sẽ tiếp thêm niềm tin và động lực để ngân hàng cũng như các nhà đầu tư thực hiện cam kết với các vấn đề xã hội và môi trường, tiếp tục chia sẻ, vận dụng kinh nghiệm và chuyên môn sâu sắc vào toàn bộ chuỗi giá trị tài chính bền vững, đóng góp cụ thể cho sự phát triển của Việt Nam
Còn theo đánh giá của ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Schneider Electric (Pháp) tại Việt Nam và Campuchia, đặt trong bối cảnh hiện tại, chuyến công tác của Thủ tướng dự COP26 sẽ là một bước chuyển dịch lớn và hiệu quả để hỗ trợ quá trình tăng trưởng và phát triển của quốc gia khi các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất của Việt Nam đang từng bước được mở rộng mạnh mẽ trong thời gian qua.
Việc này có thể mở ra nhiều cánh cửa mới cho Việt Nam và các doanh nghiệp để có những khung quy chuẩn chung, đồng thời kết nối với các phát kiến, ứng dụng tiên tiến trên thế giới, cải tiến quá trình vận hành, nâng cao hiệu suất lao động, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, và đặc biệt là bền vững với môi trường và cộng đồng. Đây được xem là một nội dung quan trọng trong khung chương trình hành động của Chính phủ khi Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển bền vững là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Một đại diện khác đến từ Vương quốc Anh, ông Thue Thomasen, CEO của YouGov (Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường), Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Bắc Âu (Nordcham) tại Việt Nam, chia sẻ rất mong đợi chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau những cam kết gần đây của Việt Nam về môi trường và biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Thomasen, các thị trường mới nổi như Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Người dân Việt Nam đang từng ngày cảm nhận những tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, bởi vậy, động thái quan trọng và thiết thực của Chính phủ chính là chất xúc tác, động lực tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực này. Điều quan trọng là không chỉ khu vực Nhà nước mà cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cũng nhìn nhận ra điều này và đưa bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vào kế hoạch đầu tư của mình.
Mở ra những “cánh cửa” mới để phát triển kinh tế bền vững
Bà Hồ Thị Mỹ Dung nhận định chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tới Pháp diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023. Việt Nam là đối tác quan trọng của Pháp ở Đông Nam Á và là cầu nối thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển Pháp - ASEAN cũng như quan hệ Liên minh châu Âu - ASEAN.
Theo bà Dung, đây là dịp ý nghĩa để hai nước phối hợp chặt chẽ, làm sâu sắc hơn và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng hiệu quả, đặc biệt là trao đổi đoàn các cấp, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đẩy nhanh các dự án, đề án quan trọng có sự tham gia của các tập đoàn lớn như Airbus, Thales, Air Liquide, TotalEnergies, Vinci và EDF... Các doanh nghiệp này đang muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu và công nghệ cao.
“Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng là cơ sở tạo ra những quyết sách quan trọng, thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Pháp tiếp tục phát triển và được nâng lên một tầm cao mới, đặc biệt là hợp tác về chuyển đổi sang kinh tế năng lượng sạch. SG sẽ quan tâm hỗ trợ các công ty đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực điện khí LNG, năng lượng tái tạo và vui mừng trở thành một phần của quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam”, bà Dung cho biết.
Về phía Schneider Electric, tập đoàn bền vững nhất Thế giới năm 2021 (theo Công ty nghiên cứu thị trường uy tín Corporate Knights, Canada), Tổng Giám đốc Đồng Mai Lâm cho biết, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng cũng là cơ hội để Schneider Electric có thể tiến đến hợp tác mạnh mẽ hơn với Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức có liên quan trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ, cũng như tăng cường cam kết về môi trường và bền vững thông qua các giải pháp sáng tạo và công nghệ mới nhất của mình.
“Mục tiêu dài hạn của Schneider trong tương lai cho các thị trường trọng điểm trong đó có Việt Nam chính là trở thành đối tác về kỹ thuật số cho việc phát triển bền vững và nâng cao tính hiệu quả, từ đó cùng chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn”, ông Lâm khẳng định.
Trước khi thăm chính thức Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm làm việc tại Vương quốc Anh. CEO YouGov, ông Thue Thomasen mong đợi, trong bối cảnh Việt Nam và Vương quốc Anh đang trên đà hợp tác và phát triển thương mại tích cực, chuyến thăm làm việc của Thủ tướng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư của Anh vào nền kinh tế kỹ thuật số và tài chính, từ đó, giúp củng cố tăng trưởng, đổi mới trong tương lai của Việt Nam nói chung và tại YouGov Việt Nam nói riêng.
Ông Thomasen hy vọng các cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp này sẽ thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện hiệu quả UKVFTA, qua đó, các công ty Anh và Việt Nam tìm kiếm được nhiều cơ hội thị trường mới. Nhiều thương hiệu Việt Nam đã đạt đến độ “chín muồi” để xuất khẩu toàn cầu và thị trường Anh là nơi tốt để bắt đầu hành trình xuất khẩu với tiềm năng tăng trưởng ở cả Châu Âu và Bắc Mỹ. YouGov sẽ hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc khám phá thị trường mới và phát triển thương hiệu ra quốc tế.
Ngày 26/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson vừa có điện đàm thảo luận về hợp tác kinh tế - thương mại, tiếp cận vaccine và các vấn đề liên quan đến phát triển công nghiệp và công nghệ dược phẩm,... Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, ông Nitin Kapoor tin tưởng, chuyến thăm làm việc sắp tới của Thủ tướng Chính phủ tại Anh chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa người đứng đầu hai Chính phủ và tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có một loạt các thỏa thuận đối tác thương mại, kinh doanh và chăm sóc sức khỏe mới được công bố trong chuyến thăm này. AstraZeneca sẽ đóng góp một phần trong số đó, dựa trên khoản đầu tư 5 nghìn tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) của chúng tôi tại Việt Nam và trên tinh thần đóng góp cho việc ứng phó với đại dịch. Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác thiết thực vì lợi ích của xã hội và người dân Việt Nam”, ông Nitin Kapoor cho biết.
Cũng theo ông Nitin, cả hai hệ thống y tế Việt Nam và Vương quốc Anh đều có những đặc điểm và thế mạnh riêng biệt, hai bên đã tích cực trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và nhân lực. Trong gần 3 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, AstraZeneca đã nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam. AstraZeneca sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về các giải pháp sáng tạo nhằm tăng cường tính bền vững và khả năng phục hồi của Việt Nam, cả về môi trường và chăm sóc sức khỏe.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp