Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kinh tế Trung Quốc: Chặng đường nhiều gian nan phía trước

Kinh tế thế giới

03/11/2021 08:12

Sau giai đoạn phục hồi nhanh từ những tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất động lực, với tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm mạnh hơn dự kiến.

Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng cùng với những vấn đề của thị trường bất động sản đang làm gia tăng áp lực đi xuống lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ nay đến cuối năm.

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý III/2021 giảm mạnh hơn dự kiến, khi lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn do các biện pháp chính sách thắt chặt hơn và nguy cơ của một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Sau giai đoạn phục hồi nhanh từ những tác động của đại dịch, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất động lực, với GDP trong quý III chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,9% đạt được trong quý trước. Trong khi đó, các nhà phân tích tham gia khảo sát của AFP nhận định mức tăng trưởng đạt 5%. 

cdnmedia.baotintuc.vn-upload-3qvxwvtnepp6wp9kkf77g-files-2020-12-01-_trung-quoc-011220-1(1).jpg
Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu điện được coi là những nguyên nhân chính cản trở đà phát triển của kinh tế Trung Quốc.

Arjen van Dijkhuizen, nhà kinh tế cấp cao tại ABN AMRO Bank, cho biết các chính sách quyết liệt của Trung Quốc đối với làn sóng lây nhiễm biến thể Delta trong mùa Hè năm nay là một trở ngại khá lớn đối với hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, khi nguồn cung than thiếu hụt, các tiêu chuẩn về khí hậu ngày càng khắt khe và nhu cầu cao từ các nhà máy đã đẩy giá than lên các mức cao kỷ lục và buộc nước này phải áp dụng rộng rãi nhiều biện pháp nhằm hạn chế lượng điện tiêu thụ.

Các nhà máy ở các trung tâm công nghiệp quan trọng ở duyên hải phía Đông và phía Nam Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng. Nhiều nhà cung cấp chính cho Apple và Tesla đã phải ngừng hoạt động nhiều nhà máy.

Những lĩnh vực sử dụng nhiều điện như sản xuất thép, nhôm và xi măng cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yêu cầu cắt giảm sản lượng. Trong đó, ngân hàng Morgan Stanley ngày 27/9 cho biết khoảng 7% hoạt động sản xuất nhôm của Trung Quốc đã bị tạm ngừng và 29% hoạt động sản xuất xi măng trên toàn quốc bị ảnh hưởng. Ngân hàng này dự đoán giấy và thủy tinh là những ngành tiếp theo có thể phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung, trong khi các nhà sản xuất hóa chất, màu nhuộm, nội thất và bã đậu nành cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

Nguồn cung than bị thắt chặt, một phần do sự khởi sắc trong hoạt động công nghiệp khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch COVID-19, và những tiêu chuẩn khí thải ngày càng nghiêm ngặt đã gây ra tình trạng thiếu điện trên khắp Trung Quốc.

Trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là Evergrande đang đối mặt với một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất tại nước này khi chìm trong núi nợ hơn 300 tỷ USD, tương đương 2% GDP của Trung Quốc. Nguy cơ sụp đổ của Evergrande đã gây ra những lo ngại về những tác động tiêu cực đối với lĩnh vực bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tình hình bất ổn này đã ảnh hưởng tới trái phiếu của các công ty bất động sản như Kaisa Group, Central China Real Estate và Greenland trong thời gian nghỉ lễ Quốc khánh của Trung Quốc.

Evergrande đang nỗ lực huy động vốn để trả cho các đơn vị cho vay, nhà cung cấp và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể dẫn tới sự sụp đổ. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings của Mỹ đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Evergrande từ mức "CC" xuống "CCC ", tức là chỉ trên mức vỡ nợ trong thang xếp hạng của cơ quan này.

Áp lực đi xuống ngày càng tăng

Chú thích ảnh
Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà kinh tế ước tính tăng trưởng GDP cả năm nay của Trung Quốc sẽ đạt trung bình 8,3%.

Nhà kinh tế trưởng Jian Chang của ngân hàng Barclays cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 của Trung Quốc từ 8,5% xuống 8,2% do cú sốc của đợt bùng phát COVID-19 mới nhất, nhưng vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi trong quý IV, với kịch bản là dịch đã được kiểm soát.

Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng của công ty thương mại điện tử JD.com, nhận định, những bất ổn liên quan đến dịch bệnh, tình trạng thiếu điện và hạn chế sản xuất theo các mục tiêu trung hòa carbon, cũng như việc thắt chặt quy định đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, áp lực đi xuống đối với nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tăng. Ông Shen dự kiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý IV sẽ giảm xuống dưới 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tình trạng thiếu điện trên diện rộng trong những tuần gần đây cũng ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế cả năm của Trung Quốc. Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Sumitomo Mitsui DS Asset Management, Tetsuji Sano, cho biết, việc các chính quyền địa phương tại Trung Quốc phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hòa carbon, nguồn cung năng lượng tại nước này sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong thời gian tới. Ông dự báo giá sản xuất của Trung Quốc sẽ tăng quá 10% trong quý IV.

Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý IV từ 4,4% xuống 3%, và dự báo tăng trưởng cho cả năm nay cũng giảm từ 8,2% xuống 7,7%. Công ty tài chính này còn cho rằng "cú sốc" về nguồn cung năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu và “công xưởng của thế giới” này sẽ tác động đến các thị trường toàn cầu. Nomura cảnh báo nguồn cung các mặt hàng may mặc, đồ chơi và phụ tùng máy móc của toàn thế giới có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, các chuyên gia của Morgan Stanley cho rằng nếu kéo dài, việc cắt giảm sản lượng hiện tại có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm trong quý IV.

Các nhà kinh tế cũng cho rằng, những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc hiện đang là mối rủi ro chính trong thời gian còn lại của năm nay, đặc biệt là tác động từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đối với ngành bất động sản Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm.

Theo dự báo mới, Fitch Ratings cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. 

Theo Fitch Ratings, việc Trung Quốc siết chặt quy định trong lĩnh vực bất động sản nhằm kiểm soát giá nhà tăng vọt và tình trạng vay nợ quá mức đã đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản, đơn cử là "gã khổng lồ" Evergrande đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement