02/11/2022 09:52
Kinh tế TP.HCM tăng trưởng tích cực
Chiều 1/11, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 10, 10 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 11 năm 2022. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi họp.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết 10 tháng năm 2022, các lĩnh vực kinh tế của thành phố tiếp tục có mức tăng trưởng khá.
Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp toàn ngành đang có sự sụt giảm do tác động tiêu cực của nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, sức mua toàn cầu giảm, ngành công nghiệp thành phố vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở mức 17,4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt là 4 ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng ước tính 22,5% so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng mạnh.
Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 ước đạt khoảng 94.933 tỷ đồng, tăng 78,7% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 10 tháng ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 13,44% so với cùng kỳ.
Về doanh nghiệp, trong 10 tháng, thành phố có 37.402 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 404.887 tỷ đồng, tăng 52,63% về số lượng so với cùng kỳ và tăng 2,18% về vốn.
Ngoài ra, có 75.629 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 488.163 tỷ đồng, tăng 5,67% so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đăng ký và bổ sung 10 tháng năm 2022 đạt 893.051 tỷ đồng, tăng 4,06% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, có 12.007 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10,47% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng số doanh nghiệp trên hệ thống đăng ký hiện tại là 508.904 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 9.827.568 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt được kết quả khả quan, 10 tháng năm 2022 tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP.HCM thu hút được khoảng 3,42 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; trong đó, 693 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 443,91 triệu USD, tăng 47,8% số dự án cấp mới và tăng 6,7% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế TP.HCM cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Điểm nghẽn lớn nhất chính là giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn là 37.996,608 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu của Kho bạc Nhà nước TP.HCM cho thấy đến ngày 20/10, thành phố mới giải ngân được 10.953,067 tỷ đồng, đạt 29% tổng kế hoạch vốn giao.
Về tình hình xăng dầu, Giám đốc Sở Công thương TP Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin hiện TP có 108/550 cửa hàng thiếu xăng, 4 cửa hàng đang xin ngưng để sửa chữa và tiếp tục đóng cửa…
Hiện khó khăn của TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng là do nguồn cung đang thiếu hụt, tổng cơ chế điều hành chưa bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong cung ứng xăng dầu, hiện các đơn vị bán lẻ hoạt động rất khó khăn và thua lỗ do chiết khấu thấp. TP.HCM đã thực hiện báo cáo kiến nghị các Bộ và hy vọng thời gian tới tình hình xăng dầu sẽ được cải thiện hơn.
Tại TP.HCM, doanh nghiệp nhà nước tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu chiếm 25%, còn lại là doanh nghiệp tư nhân các tỉnh tham gia. Giá xăng dầu quy định thống nhất 2 vùng, vùng 1 và vùng 2. Chi phí vận chuyển từ nhà máy đến các tỉnh khác nhau.
Do đó có những khó khăn nhất định. TP.HCM đã huy động các đơn vị có lượng nhập và phân phối lớn để "gồng gánh" và hiện Petrolimex đã hoạt động 200% công suất để đảm bảo phân phối. Hiện tại, một số huyện Củ Chi, Hóc Môn có hệ thống bán lẻ xăng dầu của thương nhân không kinh doanh theo chuỗi nên gặp khó khăn.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM khẳng định với kết quả tăng trưởng 10 tháng năm đạt 9,97%, tăng trưởng kinh tế cả năm của TP.HCM sẽ đạt khoảng 9,44%, cao hơn kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Trong 2 tháng cuối năm, TP.HCM không còn áp lực về chỉ tiêu tăng trưởng cũng như thu ngân sách, nhưng cần đánh giá những gì đã làm được và chưa làm được cũng như chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2023.
Theo ông Phan Văn Mãi, trước những thách thức khách quan mà chuyên gia đã phân tích, năm 2023, kinh tế TP.HCM sẽ khó tăng trưởng cao hơn năm 2022 mà tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát huy tốt nội lực.
Cụ thể, các sở, ngành cần sớm hoàn thiện các đề án huy động đầu tư xã hội, hoàn thiên bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài; thực hiện các giải pháp, lộ trình để giải ngân đầu tư công gắn với đẩy nhanh phục hồi kinh tế, kết nối ngân hàng tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, thành phố phải tập trung cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch để hiện thực hoá các dự án thu hút đầu tư.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp