06/04/2020 07:58
Kinh tế Mỹ mất 17,4 tỉ USD mỗi ngày vì dịch COVID-19
Với việc nhiều ngành kinh tế phải đóng cửa tránh dịch bệnh ở khắp các bang, tổ chức đánh giá tín dụng Moody's Analytics cho biết, năng lực sản xuất tính theo ngày của nước này đã giảm khoảng 29%.
Sự sụt giảm trên đến từ việc nhiều hoạt động kinh doanh phải đóng cửa trên toàn quốc, từ các ngành giải trí đến bán lẻ. Thiệt hại đối với toàn bộ nền kinh tế sẽ điều phải mất nhiều để thống kê, tuy nhiên, những ước tính đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện, theo ANTD.
Theo Moody's Analytics, riêng California đang mất khoảng 2,8 tỉ USD/ngày, tương đương 31,5% GDP tính theo ngày của bang này.
15 bang có kinh tế chiếm tổng cộng 70% GDP của Mỹ đang mất 12,5 tỉ USD/ngày, trong khi 30 bang còn lại mất 4,9 tỉ USD/ngày.
Kinh tế Mỹ đang tổn hại nặng từ dịch COVID-19. |
Sự suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 đã tệ hơn những hậu quả mà vụ khủng bố 11/9 gây ra. Với việc chính quyền ra lệnh đóng cửa nhiều hoạt động kinh doanh trong 3 tuần qua, toàn bộ kinh tế Mỹ đã mất 350 tỉ USD, so sánh với 111 tỉ USD mà vụ khủng bố gây ra.
“Giống như việc Indiana biến mất trong một năm. Đây là một thảm họa thiên nhiên. Không có gì tồi tệ hơn kể từ cuộc đại suy thoái so với những gì chúng ta chứng kiến”, nhà kinh tế Mark Zandi tại Moody's Analytics cho hay.
Nếu điều này tiếp tục diễn ra, nó có thể Mỹ mất 75% GDP. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tin rằng, nó sẽ không kéo dài và dự đoán tình hình sẽ được cải thiện cho tới cuối tháng 6/2020.
Số việc làm ở Mỹ 'bốc hơi' mạnh nhất trong một thập kỷ qua
Nền kinh tế Mỹ đã mất 701.000 việc làm trong tháng Ba vừa qua sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ....phải đóng cửa do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số một thế giới hiện tăng lên mức 4,4%.
Trong báo cáo công bố ngày 3/4, Bộ Lao động Mỹ cho biết tháng Ba vừa qua là tháng thị trường việc làm ghi nhận số người lao động mất việc cao nhất kể từ tháng 3/2009 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn trầm trọng nhất. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng này cũng tăng ở mức cao nhất tính theo tháng trong hơn 45 năm qua.
Các dịch vụ lưu trú và vui chơi, giải trí là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, với 459.000 việc làm bị "bốc hơi." Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và kinh doanh cũng hứng chịu tổn thất lớn.
Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ thừa nhận các chuyên gia của bộ không thể xác định chính xác tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường việc làm trong tháng vừa qua.
Trước đó, ngày 1/4, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý II/2019 sẽ vượt 10%, cao hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của cơ quan này là 3,5%.
Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Star and Stripes. |
CBO đưa ra dự báo triển vọng thị trường việc làm không mấy sáng sủa sau khi số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến hai tuần liên tiếp. Trước đó cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ thông báo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua là 6,65 triệu người, gấp đôi mức 3,3 triệu người trong tuần trước đó.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong 2 tuần này gấp khoảng 10 lần so với số đơn được ghi nhận trong bất kỳ tuần lễ nào trong giai đoạn suy thoái 2007-2009. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Michael Hicks dự đoán tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 15% vào cuối tháng Năm này.
Dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp nước Mỹ khi khoảng 40 bang đã yêu cầu người dân ở trong nhà và tránh ra ngoài nếu không cần thiết. Tất cả các hình thức kinh doanh các mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu như rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng tập gym và các trung tâm thương mại đều đồng loạt đóng cửa, trong khi các nhà hàng và quán bar chỉ phục vụ yêu cầu giao hàng, khiến nền kinh tế bị tê liệt.
Các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ nộp đơn vay 5,4 tỷ USD từ gói cứu trợ của chính phủ
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã nộp đơn vay 5,4 tỷ USD, sau khi chương trình cứu trợ do Chính phủ Mỹ ban hành bắt đầu có hiệu lực nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trên trang mạng Twitter, lãnh đạo Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) liên bang Jovita Carranza cho biết 17.503 công ty có quy mô nhân sự khoảng 500 nhân viên, đã nộp đơn xin vay tiền thông qua các ngân hàng địa phương với tổng giá trị 5,4 tỷ USD.
Ngày 3/4 là ngày đầu tiên các công ty có thể nộp đơn vay tiền. Các khoản vay nói trên là một trọng tâm trong gói cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Trump ký ban hành thành luật vào ngày 27/3.
Số tiền vay nói trên nhằm hỗ trợ hàng trăm nghìn nhà hàng, tiệm làm tóc và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác để trả lương và tiền thuê cơ sở kinh doanh trong 8 tuần, tạo điều kiện để họ không sa thải nhân viên trong thời gian đóng cửa bắt buộc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu trong chương trình Fox Business Network, Bộ Trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 3/4 nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi hết tiền, chúng tôi sẽ trở lại Quốc hội và sẽ nhận được thêm tiền. Đây là một chương trình tuyệt vời với sự đồng thuận của lưỡng đảng."
Ngày 3/4, hầu hết các đơn xin vay tiền đã được nộp cho các ngân hàng địa phương, trong đó có các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có JPMorgan Chase.
Các ngân hàng này cho hay họ đang gặp nhiều khó khăn trong khâu thực hiện chương trình cứu trợ và đang đợi hướng dẫn từ chính phủ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Mnuchin lưu ý rằng ông sẽ làm việc với giám đốc điều hành các ngân hàng chủ chốt để tháo gỡ những vướng mắc và hy vọng các ngân hàng lớn nhất của Mỹ sẽ tham dự cuộc gặp trong tuần tới.
Ông Mnuchin cũng nói rằng việc chuyển tiền tới các hộ gia đình sẽ bắt đầu trong vòng 2 tuần nữa, nhanh hơn so với dự kiến trước đó là 3 tuần. Một gia đình 4 thành viên có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 3.000 USD trong gói cứu trợ 2,2 nghìn tỷ USD.
Advertisement
Advertisement