Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kinh doanh ăn uống phải có ít nhất 50 chỗ ngồi mới đạt chuẩn?

Doanh nghiệp

22/01/2018 07:25

Có ít nhất 50 chỗ ngồi là một trong những tiêu chí để xét công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là một tiêu chuẩn chưa hợp lý. Bởi quy định này sẽ dẫn tới việc, những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sắp xếp số chỗ ngồi lớn sẽ được xét công nhận còn các cơ sở có số chỗ ngồi ít hơn thì không.

Trong khi đó, về mặt tính chất, số chỗ ngồi trong cơ sở dịch vụ ăn uống hoàn toàn không phản ánh chất lượng, tiêu chuẩn dịch vụ của cơ sở, thậm chí trong một số trường hợp là ngược lại. Ví dụ cùng một diện tích nhưng nhà hàng muốn bố trí số chỗ ngồi ít, để tạo không gian thoáng, phục vụ tốt hơn cho khách hàng thì sẽ không thỏa mãn tiêu chuẩn, trong khi nếu nhà hàng bố trí số chỗ ngồi nhiều sát nhau thì lại đáp ứng.

“Chú ý là tiêu chí để đánh giá một nhà hàng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch nên dưa vào khả năng của nhà hàng trong việc đáp ứng các yêu cầu của kháchchứ không phải là các tiêu chí về quy mô”, VCCI đưa quan điểm trong văn bản góp ý vào dự thảo Thông tư.

VCCI cũng nhận xét tương tự với tiêu chí về cách thức thanh toán là phải chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Hơn nữa, thẻ tín dụng là loại thẻ mà số người sử dụng khá hạn chế, không phổ biến như thẻ ATM, hơn nữa trên thực tế khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế thường không sử dụng thẻ tín dụng khi sử dụng dịch vụ có giá trị nhỏ như dịch vụ ăn uống.

VCCI cho rằng quy định nhà hàng ăn uống phải có từ 50 chỗ ngồi là chưa hợp lý. Ảnh minh hoạ. 
VCCI cho rằng quy định nhà hàng ăn uống phải có từ 50 chỗ ngồi là chưa hợp lý. Ảnh minh hoạ. 

VCCI cũng không đồng tình với việc dự thảo quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra ngoại ngữ trong đó phải là “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học” và kèm theo một số điều kiện khác. Theo VCCI, quy định này không phù hợp cả về tính pháp lý và tính hợp lý.

Trong khi đó, theo Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TPHCM, dự thảo này có nhiều nội dung tích cực, quy định chi tiết và làm rõ, hướng dẫn nhiều vấn đề được quy định tại Luật Du lịch 2017 và chưa được hướng dẫn cụ thể tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch.

Tuy nhiên, xung quanh dự thảo vẫn còn những điểm chồng chéo, bất cập, nặng tư duy "xin-cho", báo Diễn đàn doanh nghiệp dẫn lời luật sư Kiều Anh Vũ.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định: “Tổng cục Du lịch lựa chọn các cơ sở đào tạo đủ năng lực để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế”. “Lựa chọn” ở đây là như thế nào, lựa chọn trên cơ sở đăng ký, đề nghị của cơ sở đào tạo hay Tổng cục Du lịch tự lựa chọn, làm sao việc lựa chọn này có đảm bảo sự khách quan, công bằng?

Mặc dù khoản 2 Điều 5 Dự thảo Thông tư có quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ điều hành du lịch nhưng khoản 3 lại quy định: “Cơ sở đào tạo có nhu cầu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ điều hành du lịch gửi công văn đề nghị về Tổng cục Du lịch kèm theo bản thuyết minh về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tổng cục Du lịch xem xét, trả lời bằng văn bản”.

Quy định tại khoản 3 Điều 5 nặng tuy duy quản lý theo kiểu xin – cho bởi lẽ dù cơ sở đào tạo có nộp hồ sơ đúng quy định đi nữa thì cũng không biết việc xem xét, trả lời của cơ quan cấp phép là như thế nào. Cần phải quy định rõ nếu cơ sở đào tạo đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định thì phải được “cấp phép”; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Luật sư Vũ cũng cho rằng về các điều kiện, tiêu chí kinh doanh dịch vụ du lịch khác (Điều 8 – Điều 12 của Dự thảo), có quy định về điều kiện phải “nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng” là không khả thi và không hợp lý. Phương thức thanh toán sẽ do các bên thỏa thuận, tùy theo điều kiện kinh doanh của cơ sở kinh doanh mà có trang bị thiết bị nhận thanh toán qua thẻ tín dụng hay không, pháp luật không nên quy định điều kiện bắt buộc và cứng nhắc như vậy.

Tương tự, quy định một trong các tiêu chuẩn của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là “có ít nhất 50 chỗ ngồi” là rất chủ quan. Vì sao là con số 50 mà không phải là con số khác, hơn nữa chỗ ngồi không phản ánh được chất lượng dịch vụ. Việc phân bổ, sắp xếp chỗ ngồi phụ thuộc vào tình hình kinh doanh cụ thể của cơ sở kinh doanh như điều kiện về mặt bằng, cách bày trí… không nên áp đặt phải có tối thiểu 50 chỗ ngồi. 

THANH HẰNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement