06/02/2018 06:44
Kim ngạch xuất khẩu nhựa dự báo tăng trưởng 12-15% trong năm 2018
Thị trường xuất khẩu chính của ngành nhựa Việt Nam trong năm 2018 vẫn là Nhật Bản và Mỹ. Ngoài ra, còn có thị trường khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar…
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), trong năm 2017 tổng giá trị xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam đạt trên 3 tỉ USD, tăng 17,3% so với năm 2016. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu nhựa được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 12-15% trong năm 2018.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, thị trường xuất khẩu chính của ngành nhựa Việt Nam trong năm 2018 vẫn là Nhật Bản và Mỹ. Ngoài ra, các thị trường khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar… cũng là những thị trường xuất khẩu mới của ngành nhựa trong thời gian tới.
Theo ông Lam, hiện sản phẩm túi nhựa Việt Nam vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ngay khi bị áp thuế chống bán phá giá ở thị trường này, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã chủ động tìm thị trường mới thay thế.
Hiện thị trường xuất khẩu nhựa lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản, với mức tăng trưởng khá tốt, trung bình từ 20-25%/năm. Do vậy, việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá hầu như không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất khẩu chung của ngành.
Ngành nhựa đang có dư địa xuất khẩu tốt. |
Đại diện VPA cũng cho rằng, Mỹ vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhựa Việt Nam, do có nhu cầu nhập khẩu nhựa khá cao. Hàng năm, kim ngạch nhập khẩu trung bình của Mỹ là hơn 50 tỉ USD đối với nhựa và các sản phẩm nhựa, chiếm 9,1% tổng thị phần nhập khẩu mặt hàng nhựa của thế giới.
Trong thời gian gần đây, xuất khẩu nhựa của Việt Nam sang Mỹ ở một số mã sản phẩm như HS3026, HS3924, HS3925, HS3920, HS3917 có dấu hiệu tăng trưởng khá tốt. Đây là những mặt hàng mà các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa tại thị trường này.
Đối với thị trường Nhật Bản, hiện Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong 10 quốc gia xuất khẩu mặt hàng nhựa vào thị trường này. Đây là một trong những thị trường rất khó tính với nhiều quy định khắt khe về chất lượng hàng hóa, tuy nhiên cũng là thị trường tiềm năng.
Các doanh nghiệp nhựa cũng đang nỗ lực cải tiến chất lượng, mẫu mã và xúc tiến thương mại để thâm nhập sâu vào thị trường khó tính này. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU được đánh giá vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp Việt có khả năng thâm nhập tốt, nhất là nhu cầu về ống nhựa.
Đáng lưu ý, tại thị trường này sản phẩm nhựa của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá như các nước Châu Á khác. Do vậy, đây sẽ là điều kiện tốt để doanh nghiệp nhựa gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.
Dù có nhiều triển vọng về xuất khẩu và có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, do ngành công nghiệp hóa dầu chưa phát triển, phải nhập khẩu đến hơn 80% nguyên liệu.
Mỗi năm, ngành nhựa cần trung bình khoảng 4 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào, song chỉ mới chủ động được khoảng gần 900.000 tấn.
Theo các chuyên gia, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, khó tận dụng được ưu đãi thuế từ các Hiệp định thương mại tự do vì quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường đối với sản phẩm túi nhựa đang là xu hướng chung của thế giới. Do vậy, các doanh nghiệp cần chú ý những vấn đề này để có thể thâm nhập sâu vào các thị trường cũng như tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp trong thời gian tới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp