26/06/2020 07:44
Kim Jong-un tìm về màn diễn cũ
Giống như nhân vật chính trong một bộ phim truyền hình dài tập, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mở màn cuộc khủng hoảng gần đây nhất trên bán đảo Triều Tiên bằng lối diễn xuất quen thuộc.
Sau khi ngừng mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc hồi đầu tháng 6 này, chế độ họ Kim đã cho nổ tung tòa nhà từng được coi là biểu tượng của hòa giải liên Triều. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ tái triển khai binh sĩ đến khu vực biên giới phi quân sự với Seoul, song đã rút lại việc triển khai này vào ngày 24/6.
Những màn trình diễn kiểu “bom tấn” này tiếp nối màn trình diễn gây sửng sốt của nhà lãnh đạo họ Kim hồi tháng 5 khi ông tuyên bố Triều Tiên sẽ thúc đẩy đầu tư vào khả năng “răn đe chiến tranh hạt nhân”.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không hề xao động trước màn trình diễn mới nhất nói trên. Lý do là sau hai năm tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh nhằm phô diễn trên báo chí của Trump, Kim Jong-un tin tưởng rằng dòng chảy câu chuyện “tình bằng hữu” với Trump vẫn đang đi đúng hướng, và rằng những luận điệu xưa cũ sẽ duy trì tỷ lệ tín nhiệm của ông.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang gây sức ép với Hàn Quốc và Mỹ. |
Khi đạt được những thành tựu chính trị từ chính sự tắc trách của Trump, ông Kim Jong-un giờ đang mơ hồ coi Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Để chứng minh điều này đối với người dân trong nước, Kim Jong-un đã thăng chức cho vị tướng chịu trách nhiệm về chương trình hạt nhân nắm cương vị Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Triều Tiên, đồng thời thăng cấp cho 69 tướng lĩnh khác có đóng góp cho thành tựu mang tính chiến lược của đất nước trong những năm gần đây.
Kể từ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội đổ vỡ hồi tháng 2/2019, Kim Jong-un đã tỏ ra kiên định trong cả lời nói và hành động. Tháng 4/2019, Kim Jong-un cảnh báo Trump vẫn còn thời gian đến cuối năm 2019 để gỡ bỏ các đòn trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên. Kể từ đó, Bình Nhưỡng liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa tầm ngắn, mở rộng cơ sở chế tạo tên lửa và xây dựng các cơ sở mới để hỗ trợ chương trình tên lửa của mình.
Rõ ràng chiến lược “gây sức ép tối đa” của Trump nhằm chặn mọi nguồn thu ngầm và chặn mọi hoạt động thương mại của Triều Tiên đã hoàn toàn thất bại khi không thể làm thay đổi tiến trình các chương trình tên lửa và hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng. Giới chức Mỹ cũng thừa nhận sự thất bại này khi hồi tháng 5/2020, Bộ Tư pháp Mỹ kết tội 28 người Triều Tiên và 5 quan chức và chủ ngân hàng Trung Quốc vi phạm các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Bình Nhưỡng.
Kim Jong-un cũng kiên định không kém trong nỗ lực mở rộng năng lực quân sự thông thường vốn đã ở quy mô lớn của Triều Tiên. Mặc dù khí tài quân sự của Bình Nhưỡng vẫn kém xa so với xe bọc thép và máy bay được Mỹ trang bị và được triển khai dọc biên giới, song Bình Nhưỡng đã nỗ lực cải thiện cả độ chính xác và tầm bắn của khí tài của mình.
Triều Tiên cũng có thể huy động 70% lực lượng quân đội hùng hậu gồm 1,1 triệu người trong phạm vi khoảng gần 100 km tại Khu Phi quân sự, đặt thủ đô Seoul vào tầm ngắm. Một ước tính cho thấy Triều Tiên có thể nã 25.000 lượt pháo vào thủ đô Seoul, bao gồm một khu phức hợp quân sự của Mỹ, chỉ trong vòng 10 phút.
Chắc chắn các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc sẽ có lợi thế kỹ thuật quân sự to lớn trong một cuộc chiến tổng lực trên bán đảo. Tuy nhiên, ngay cả một cuộc xung đột ngắn sẽ hủy hoại Seoul, thành phố với khoảng 25 triệu dân, chiếm nửa dân số Hàn Quốc, và chiếm 70% GDP toàn quốc.
Trong bối cảnh đó, những nỗ lực của Trump nhằm buộc Hàn Quốc tăng gấp 4 lần hỗ trợ tài chính cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là đòi hỏi vô trách nhiệm. Mặc dù các cuộc thương lượng nhằm gia hạn thỏa thuận chia sẻ chi phí giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn bế tắc, song một thỏa thuận thay thế tạm thời mới đã buộc 4.000 quân nhân Hàn Quốc làm việc tại các cơ sở của Mỹ phải nghỉ không lương.
Mặc dù Seoul đang tạm thời đánh giá phí tổn của việc nghỉ không lương này, song thỏa thuận này khó có thể cải thiện vị thế của Trump trong con mắt của người dân Hàn Quốc. Kim Jong-un có thể kiếm thêm nguồn an ủi khi Trump cũng hăm dọa Nhật Bản, yêu cầu Tokyo tăng hỗ trợ tài chính cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Mặc dù Tokyo đóng vai trò thiết yếu đối với công tác quốc phòng của Hàn Quốc, song mối quan hệ song phương lại trải qua những gập ghềnh.
Hàn Quốc đang đứng giữa Trump và Kim Jong-un. |
Ví dụ, hồi năm 2019, Hàn Quốc dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo song phương với Nhật Bản trước khi thay đổi tuyên bố này dưới sức ép của Mỹ. Cũng như ở Hàn Quốc, phần lớn người dân Nhật Bản không tin tưởng vào khả năng xử lý các vấn đề quốc tế của Trump.
Tất cả những yếu tố nói trên chắc chắn sẽ gây ra mối bất đồng về ngoại giao giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản và tất cả những điều này sẽ có lợi cho Kim Jong-un. Ngoài việc hủy hoại các mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở khu vực, Trump cũng đem lại lợi thế cho Kim Jong-un khi leo thang căng thẳng với Trung Quốc vì khi đó Bắc Kinh sẽ không còn rảnh tay để kiểm soát hoạt động của Bình Nhưỡng.
Với việc Trung Quốc chiếm hơn 90% thương mại của Triều Tiên, Kim Jong-un lâu nay gặt hái mối quan hệ gần gũi hơn với Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 6/2019. Cuộc gặp này và các cuộc gặp khác cho thấy Bắc Kinh không bất ngờ cũng như không quan ngại đặc biệt về hành xử của Kim.
Điều này không có nghĩa là Kim có thể dễ dàng đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội trong nước. Do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, sản xuất lương thực hạn chế và những thất bại trong cải cách kinh tế, Triều Tiên đối mặt với những thách thức to lớn trong nước.
Sau bài phát biểu tại hội nghị toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra tháng 9/2019, những phát biểu công khai mà Kim Jong-un đưa ra hồi tháng 2 và tháng 4 vừa qua cho thấy ông đã dành nửa đầu năm 2020 tập trung vào những ưu tiên trong nước.
Khi buộc phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đại dịch COVID-19 đã chắc chắn tổn hại đến nền kinh tế ốm yếu của Triều Tiên. Và thực tế về việc Kim Jong-un kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn công tác cải cách kinh tế trước đó cho thấy Triều Tiên có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong nước hơn.
Dù có hay không những khó khăn về kinh tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khó có thể xa rời lối diễn xuất thành thục mà các đời cha ông để lại. Giống như các màn trình diễn của cha và ông nội quá cố, những màn diễn của Kim Jong-un sẽ tiếp tục phô ra những đe dọa bạo lực, những hành động gây hấn bất thường và có thể cả những sự vụ quân sự như việc Triều Tiên nã pháo vào bán đảo Triều Tiên cách đây 10 năm.
Mọi dấu hiệu cho thấy Triều Tiên là bên mạnh tay thúc đẩy chính sách “bên miệng hố chiến tranh” nhiều hơn. Nhân vật chính trong màn kịch tâm lý dài kỳ của bán đảo Triều Tiên vẫn có thể là nhân vật mới song vở kịch thì vẫn vậy.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp