Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kiều hối - trợ lực cho các nước nghèo trong đại dịch

Vàng - Ngoại tệ

30/05/2021 11:13

Ngân hàng Thế giới từng dự báo kiều hối sẽ giảm mạnh vào năm 2020 vì COVID-19 nhưng thực tế lại không xảy ra như vậy.

Trong những năm qua, Aiza Bolo, một bà nội trợ 36 tuổi ở Philippines, đã phụ thuộc vào số tiền 550 USD mà người anh kế Justine gửi về mỗi tháng từ Dubai. Từ khi đại dịch ập đến, thu nhập của sạp hoa quả gia đình cô tại chợ cạn kiệt, người anh kế bắt đầu gửi đến 950 USD một tháng. Số tiền này giúp cô tiếp tục mua thuốc cho cha mẹ, laptop để cậu con trai 13 tuổi có thể kết nối Internet và học trực tuyến.

"Những gì Justine gửi không chỉ là tiền. Đó là một chiếc phao cho chúng tôi", Bolo nói, "Hầu như không có bất kỳ thu nhập nào trong thời gian xảy ra đại dịch, vì vậy tất cả chúng tôi đều dựa vào anh ấy".

Dòng kiều hối từ lâu đã cung cấp hỗ trợ quan trọng cho hàng triệu người tại các nước đang phát triển, giúp họ chi trả cho các nhu cầu bao gồm đi học, nơi ở và chăm sóc sức khỏe cho người thân ở quê nhà.

Nhiều người trong số những lao động nhập cư vẫn tiếp tục gửi tiền về, bất chấp chính họ cũng khó khăn về kinh tế. Và nỗ lực của họ đã cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho những quốc gia nơi số ca nhiễm COVID-19 vẫn còn cao, vaccine đến chậm và nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Một điểm nhận kiều hối tại Makati City, Metro Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.

Một điểm nhận kiều hối tại Makati City, Metro Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.

Vào năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu đạt 702 tỷ USD, chỉ giảm 2,4%, tức chưa bằng một nửa mức sụt giảm từng được ghi nhận do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, theo Ngân hàng Thế giới. Kiều hối đến các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ giảm 1,6%.

Đây là một con số khá bất ngờ. Bởi lẽ, vào thời kỳ đầu của đại dịch, Ngân hàng Thế giới từng ước tính rằng lượng kiều hối sẽ giảm 20% vào năm 2020. Đến mùa thu 2020, họ hạ xuống mức giảm còn 14%.

Theo các chuyên gia, kiều hối năm ngoái không giảm nhiều do được thống kê đầy đủ hơn. Bởi lẽ, những người nhập cư đã buộc phải sử dụng các kênh chuyển tiền chính thức thay vì dựa vào các kênh phi chính thức như việc về thăm quê.

Cùng với đó, động lực khác nằm sau phong độ mạnh mẽ của dòng kiều hối là các chương trình hỗ trợ lớn của chính phủ các nước giàu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, cho phép người lao động nhập cư duy trì ổn định tài chính. Trong khi, cuộc khủng hoảng kinh tế năm ngoái - vẫn chưa giảm bớt ở nhiều nước nghèo - đã thúc đẩy một số người di cư tăng mức tiền gửi về cho thân nhân đang khó khăn ở quê hương.

Trong cuộc khảo sát gần đây của MoneyGram International, một công ty chuyển tiền và thanh toán xuyên biên giới, 70% số người được hỏi cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến họ gửi nhiều tiền hơn về nước. "Hơn bao giờ hết, họ tin rằng những người ở quê hương có cần tiền nhiều hơn trong năm ngoái và năm nay", CEO MoneyGram Alex Holmes, nói.

Năm 2020, lượng kiều hối đến Mỹ Latinh và Caribe tăng 6,5% so với năm trước, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế nhanh chóng ở Mỹ và hai cơn bão ở Trung Mỹ khiến người lao động ở nước ngoài hỗ trợ tài chính nhiều hơn bình thường, theo Ngân hàng Thế giới.

Oscar Andara Guerra, 43 tuổi, một người bán rau ở San Pedro Sula (Honduras), cho biết 300 USD mỗi tháng mà anh nhận được từ mẹ là điều cần thiết. Mẹ anh, người đã làm việc ở Mỹ hơn ba thập kỷ, cũng gửi tiền cho anh chị em của anh.

"Bà ấy làm công việc dọn dẹp và không bao giờ ngừng gửi tiền cho chúng tôi kể cả trong đại dịch. Bà ấy thậm chí còn giúp tôi mua một chiếc giường ngủ", Guerra nói.

Ở một số nơi trên thế giới, các hộ gia đình đã thay đổi cách họ tiêu tiền kiều hối khi đại dịch buộc phải ưu tiên cho các nhu cầu cơ bản. Thống kê của chính phủ Philippines cho thấy tỷ lệ hộ gia đình dựa vào kiều hối để trang trải chi phí giáo dục đã giảm từ 65% trong quý III/2019 xuống còn 60% trong cùng kỳ năm 2020.

Trong thời gian đó, ít hộ gia đình ở Philippines sử dụng tiền gửi về để mua ôtô hoặc gửi tiết kiệm, trong khi nhiều hộ sử dụng chúng để trang trải chi phí y tế. Số hộ sử dụng tiền kiều hối để mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm hầu như không thay đổi.

Khoản hỗ trợ tài chính hàng tháng mà cô Bolo nhận được từ người anh kế của mình đã giúp bù đắp khoản thu nhập bị mất từ việc bán trái cây và cho thuê một căn hộ cũng được mua bằng tiền gửi về. "Ngay cả sau khi lệnh cấm nghiêm ngặt được dỡ bỏ, hoạt động kinh doanh vẫn không như cũ. Đại dịch đã khiến các căn hộ cho thuê thường xuyên bị bỏ trống, trong khi những người thuê nhà đôi khi không trả tiền thuê đúng hạn", cô nói.

Tất nhiên, không phải tất cả hộ gia đình nhận kiều hối đều được bảo vệ khỏi tác động kinh tế của đại dịch. Tại bang Kerala của Ấn Độ, nơi 1/5 hộ gia đình nhận kiều hối, nhiều hộ đã bị mất dòng tiền khi điều kiện kinh tế xấu đi ở Trung Đông, buộc người lao động nhập cư phải về nước. Theo S. Irudaya Rajan, Chủ tịch Viện Di cư và Phát triển Quốc tế ở Kerala thì cứ 6 người lao động nước ngoài thì đã có một người trở về kể từ khi dịch nổ ra.

Biju Matthew, 48 tuổi, trở về nhà từ Kuwait vào tháng 2/2021 sau khi công ty của anh ngừng trả lương cho anh và 20 công nhân khác. "Khi chúng tôi đến khiếu nại, họ yêu cầu chúng tôi tự thôi việc, đề nghị trả lại hộ chiếu và trả tiền vé máy bay về nước. Chúng tôi từ chối rời đi", Matthew nói.

Công ty của anh sau đó đã yêu cầu các công nhân rời khỏi ký túc xá. Khi công nhân từ chối một lần nữa, công ty đã cắt điện và từ chối trả tiền làm thêm giờ của họ. Matthew đã ngừng gửi tiền về nhà trong khoảng nửa năm trước khi hồi hương.

Giờ đây, Matthew làm giám sát tại một trung tâm mua sắm ở Thiruvananthapuram, thủ phủ của Kerala, kiếm được hơn 200 USD một tháng, chưa bằng một phần ba số tiền kiếm được ở Kuwait. "Có cảm giác như cuộc đời tôi đã đi lùi 20 năm", anh nói, "Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là sống sót qua ngày".

PHIÊN AN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement