Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kiều hối đổ vào nhà đất

Bất kỳ cá nhân nào và kinh doanh trong lĩnh vực nào, khi đạt được thành quả hầu hết đều tính chuyện tích trữ một vài miếng đất” - đúc kết của ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group dường như cũng đúng với hầu hết những người xa quê sang xứ người lập nghiệp.

“Tấm vé về quê”

Anh Bùi Trung Dũng từ Thái Bình sang Cộng hòa Séc làm việc từ năm 2002 và đến nay đã được cấp giấy phép cư trú dài hạn (thẻ xanh), nhưng vợ và hai con vẫn sống và làm việc ở quê nhà. Vài năm anh mới về thăm quê một lần, nhưng vẫn thường xuyên gửi tiền về để gia đình xây cất nhà cửa, con cái ăn học.

image-tinnhanhchungkhoan-vn_z-a-3513(1).jpg

Dự án The Zei của HD Mon Holdings sớm hết room bán nhà cho khách ngoại và Việt kiều. Ảnh: Dũng Minh.

Giai đoạn Covid vừa rồi, nhà máy thực phẩm nơi anh làm khá ít việc, gần đây Séc lại nổi lên là quốc gia có mức độ lây nhiễm dịch bệnh thuộc loại hàng đầu châu Âu nên anh và gia đình khá bất an.

Trò chuyện qua facetime, anh Dũng tỏ vẻ chán nản, “lắng đợt dịch này, Nhà nước mở cửa đường bay, anh cũng về hẳn, dịp vừa rồi mới thấy chẳng đâu bằng Việt Nam mình. Được cái mấy năm gần đây, anh cũng tích cóp được chút gửi về mua mấy lô đất trên TP. Thái Bình, nghe bảo giá cũng lên kha khá so với trước rồi, cần thì về bán đi một phần làm vốn kinh doanh”.

Tính toán của anh Dũng thật ra cũng là toan tính của rất nhiều người lao động ra nước ngoài làm việc, bởi theo anh, dẫu nhiều người đã có thẻ xanh để cư trú dài hạn, nhưng vẫn luôn luôn coi xứ người chỉ là nơi kiếm ăn lúc trẻ, khi đã đứng tuổi trở về quê quán sinh sống và có một vài thổ đất dắt lưng, theo anh, đó là “tấm vé để có thể tự tin quay về và sinh sống ở quê khi đã ra đi quá lâu và có phần lạ lẫm với những thay đổi của nhịp sống quê nhà”.

Ở một góc nhìn khác, trò chuyện cùng người viết, chị N.T.T (Hà Nội) cho biết, hiện người nhà chị ở Cộng hòa Liên bang Đức đang có kế hoạch chuyển về Việt Nam sau nhiều năm định cư ở nước ngoài và trong số tiền gửi về có một phần để hỗ trợ chị T. tiêu dùng, phần còn lại để tìm mua một căn chung cư cao cấp ở khu vực Mỹ Đình (Hà Nội).

Tuy nhiên, do chung cư này đã hết room bán nhà cho người nước ngoài (người thân chị hiện mang quốc tịch Đức), nên chị sẽ phải đứng tên mua căn hộ và thực hiện chuyển nhượng sau khi người nhà về hẳn và có quốc tịch Việt Nam.

Theo chia sẻ của một số chủ đầu tư các dự án cao cấp tại Hà Nội, room 30% căn hộ bán cho người nước ngoài thường thanh khoản rất nhanh, thậm chí có dự án được bao tiêu ngay từ đầu bởi các sàn phân phối và trong đó, có một tỷ lệ đáng kể được các kiều bào mua.

Ngoài ra, chiếm đa số là nhờ người thân trong nước đứng tên hộ như trường hợp chị N.T.T ở trên và “thanh khoản từ các đối tượng này luôn sôi động trong các tháng cuối năm Âm lịch, thời điểm được coi là ‘mùa vàng’ kiều hối trong năm”, đại diện một sàn phân phối cho hay.

Năm 2020, dù có giảm so với những năm trước do nền kinh tế đa số các nước trên thế giới đều gặp khó nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn đạt khoảng 15,7 tỷ USD, trong đó riêng TP.HCM đạt khoảng 6,1 tỷ USD. Nhiều ý kiến cho rằng, một tỷ lệ nhất định, thậm chí chiếm phần lớn sẽ đổ vào thị trường bất động sản và đây là một nguồn tiền tích cực, có yếu tố ổn định cao.

Đánh giá về điểm đến của dòng kiều hối, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dòng tiền này chủ yếu chảy vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng (hỗ trợ thân nhân trong tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày) và một tỷ lệ nhỏ nằm trong tài khoản ngoại tệ ở các ngân hàng.

Cùng chung quan điểm, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, một phần không nhỏ kiều hối chảy vào bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản có xu hướng tăng những năm gần đây, còn lại được ưu tiên gửi ngân hàng khi mà lãi suất ở Việt Nam dù giảm nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với ở nhiều quốc gia phát triển.

Quan sát dòng tiền kiều hối và đặc biệt đề cao lĩnh vực địa ốc trong việc hút dòng tiền, ông N.V.T, một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản với nhiều kinh nghiệm thị trường cho rằng, dù có năm cao năm thấp, nhưng nguồn kiều hối đổ về Việt Nam ngày càng phong phú và mạnh mẽ, “trong đó có thể từ 60 - 70% lượng kiều hối là dành cho đầu tư bất động sản, nên đây thực sự là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường”, ông cho biết.

Với cái nhìn cẩn trọng hơn, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các kênh đầu tư cũng có những biến động khó dự đoán.

Tuy nhiên, Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công vào hạ tầng để tạo động lực phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm và với định hướng này, theo bà Thanh, bất động sản sẽ hưởng lợi và là kênh thu hút dòng tiền. Xu hướng này cũng tương tự với nhóm khách đầu tư nước ngoài và Việt kiều.

Cửa sáng cho đơn vị môi giới

Theo ông David Jackson, việc các nhà đầu tư, Việt kiều gặp nhiều rảo cản khi tiếp cận thông tin thị trường bất động sản như các thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng lại chính là dư địa để các công ty môi giới tiếp cận nhà đầu tư và “xuất khẩu tại chỗ” sản phẩm bất động sản.

“Các đơn vị môi giới, tư vấn cần lưu tâm đến nhu cầu tiệm cận chuẩn mực quốc tế của các đối tượng này, trong đó với Việt kiều và người nước ngoài, các tiêu chí được ưu tiên là tình hình an ninh trật tự của khu vực xung quanh bất động sản, mức độ tiện lợi, vị trí tọa lạc hay kiến trúc độc đáo của dự án”, ông David Jackson cho biết.

Ảnh tác giả

Quan sát dòng kiều hối thời gian qua có thể thấy nguồn tiền từ Đông Âu, Mỹ đổ về khá mạnh và chảy tương đối nhiều vào bất động sản.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hanoi

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Hoàng Nguyệt Minh từ Savills Hà Nội cho biết, quan sát dòng kiều hối thời gian qua có thể thấy nguồn tiền từ Đông Âu, Mỹ đổ về khá mạnh và chảy tương đối nhiều vào bất động sản. Có giai đoạn thị trường du lịch tốt, kiều hối cũng chảy khá mạnh vào việc kinh doanh cá nhân, kinh doanh khách sạn.

“Khách ngoại và Việt kiều thường lựa chọn phân khúc cao cấp, lý do là bởi đa phần họ mua để đầu tư, cho thuê hoặc mua đi bán lại, sản phẩm yêu thích là căn hộ đã được xây sửa hoàn thiện. Thực tế từ các chung cư ở cả TP.HCM và Hà Nội có room bán cho người nước ngoài hết nhanh phần nào phản ánh khá rõ điều này”, bà Minh đánh giá.

Nhìn nhận chung về nhóm khách hàng nước ngoài và các nhà đầu tư Việt kiều, bà Minh cho rằng, tỷ suất lợi nhuận đang là yếu tố thuận lợi để địa ốc Việt hút vốn, khi mà hiện ở nhiều nước, lãi suất tiền gửi hiện chỉ ở mức 0,5 - 1%/năm.

Mong muốn hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh hơn nữa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, điểm hạn chế hiện nay là chúng ta chưa có nhiều chương trình, chính sách xúc tiến thương mại và đầu tư, thông tin về thị trường và sản phẩm bất động sản với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều còn rất hạn chế.

“Tôi nghĩ, Chính phủ hay hệ thống lãnh sự quán cần tăng cường truyền thông về chính sách, chủ trương để thu hút đầu tư. Đơn cử như việc người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam chẳng hạn, dù đã được luật hóa từ lâu nhưng công tác truyền thông chưa thực sự được để ý”, ông Hiếu nói.

Quay lại câu chuyện cụ thể của những Việt kiều hoặc người có liên quan đến các Việt kiều mua nhà đất, chị N.T.T cho biết, do pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế số lượng tiền chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam nên chị chỉ cần mở tài khoản ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép để người thân ở nước ngoài chuyển tiền về, rồi bán để lấy đồng Việt Nam là có thể thực hiện giao dịch mua bán nên việc mua nhà diễn ra khá thuận lợi.

Tuy nhiên, để tìm được căn hộ ưng ý, chị và người nhà ở nước ngoài mất rất nhiều thời gian tìm kiếm, trao đi đổi lại để thống nhất bởi chưa có nhiều chủ đầu tư ứng dụng công nghệ số, kiểu như website 360 độ, không gian ảo cho dự án và căn hộ mẫu.

Còn kết thúc cuộc trò chuyện đầu năm, anh Bùi Trung Dũng tiết lộ rằng, “không chỉ thường trú nhân như bọn anh, ngay cả nhiều người đã có quốc tịch Séc vẫn gửi tiền về quê nhờ người nhà mua đất với mục đích đầu tư vì họ cho rằng nhà đất ở Việt Nam hãy còn quá rẻ”.

Thành Nguyễn
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement