23/05/2021 15:41
Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam
Dịch bệnh xảy ra, song lượng kiều hối chảy về vẫn tăng mạnh, Việt Nam tiếp tục thuộc top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Tăng cao bất chấp đại dịch
Trong 4 tháng đầu năm nay, kiều hối chảy về TP.HCM đạt 2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng đầu năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019). Việt Nam kỳ vọng lượng kiều hối tăng sẽ giúp giữ ổn định tiền tệ, cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối về Thành phố dự báo đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong năm nay, sau khi tăng 15% lên mức kỷ lục 6,1 tỷ USD vào năm 2020. TP.HCM đã nhận được khoảng 50% tổng lượng kiều hối của cả nước những năm gần đây.
Theo ông Minh, nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Lượng kiều hối tăng đột biến trong đại dịch đã góp phần giúp Việt Nam giữ đồng tiền ổn định một cách đáng kể. Ngoài kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu tăng trong năm nay cũng sẽ giúp Việt Nam đảm bảo nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách điều hành trong việc giúp các doanh nghiệp đối phó với tác động của đại dịch Covid-19.
Ông Vũ Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, dù năm 2020 có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam qua công ty này chỉ giảm nhẹ so với năm 2019. Kiều hối từ xuất khẩu lao động vẫn có xu hướng tăng 5 - 10% nếu không có dịch như các năm trước đây. Xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nếu người Việt có thể nhập cảnh để lao động ở nước ngoài và doanh nghiệp các nước hoạt động ổn định.
Năm 2020, hơn 17 tỷ USD kiều hối đã được chuyển về Việt Nam. Con số này vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu tháng 5/2021. Theo đó, WB đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD trong báo cáo hồi tháng 10/2020 lên đến 17,2 tỷ USD.
Top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất
Theo báo cáo của WB, năm 2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Xét theo quy mô tương đối với nền kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam tương đương 5% GDP, cũng nằm trong top 10 thế giới. Nếu không tính Trung Quốc, thì lượng kiều hối về tại các nước thu nhập thấp và trung bình còn lớn hơn tổng mức đầu tư ngoài nước và nguồn viện trợ chính thức gộp lại.
Tính riêng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Philippines. Năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam là 17 tỷ USD, tương đương 6,5% GDP. Hầu hết các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là những nước có quy mô dân số rất nhỏ, khoảng 1 triệu người trở xuống (ngoại trừ Philippines).
Theo báo cáo của WB, trong cả hai năm 2019 và 2020, tuyến chuyển tiền từ Thái Lan về Việt Nam là một trong 5 tuyến kiều hối đắt đỏ nhất thế giới. Tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 16 và 16,7 tỷ USD.
Theo lý giải từ WB, nguyên nhân phục hồi của kiều hối trong đại dịch là người di cư cắt giảm tiêu dùng hoặc tiết kiệm để gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Ngoài ra, còn một số yếu tố ảnh hưởng khác như chính sách kích thích tài chính ở các nước sở tại, tỷ giá hối đoái và sự dịch chuyển dòng chảy từ các kênh không chính thức sang kênh chính thức do sự hạn chế di chuyển giữa các quốc gia.
Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những thị trường kiều hối chính của Việt Nam là Mỹ, Australia, Canada. Bên cạnh đó, kiều hối còn đến từ các thị trường xuất khẩu lao động có nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc...
WB ước tính, năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6%, lên mức 470 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa chắc chắn, vì còn phụ thuộc vào tác động của Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Advertisement