20/10/2022 16:51
Kiến nghị giảm đất trồng lúa, tăng đất ở tại TP.HCM
Phần lớn quỹ đất nông nghiệp tại TP. Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước.
Ngày 20/10, Sở TN-MT TP.HCM phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025).
Các đại biểu tham dự hội nghị được đơn vị tư vấn thuyết minh kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) để đóng góp ý kiến trước khi hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Tại hội nghị, ông Trà Ngọc Phong, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho hay vừa rồi Chính phủ phân bổ cho TP.HCM đất chuyên trồng lúa hơn 9.000 ha.
Theo ông Trà Ngọc Phong, thực tế bố trí đất lúa cho các huyện không đúng với hiện trạng. Ông dẫn chứng lập kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 quận Bình Thạnh vẫn còn đất lúa là không phù hợp với thực tế.
Do đó, cần xem lại việc bố trí đất lúa vì thực tế một số địa bàn không còn đất lúa nữa. Hiện nay chỉ còn huyện Củ Chi trồng lúa và một số ít ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Riêng huyện Hóc Môn với tốc độ phát triển thì diện tích cũng giảm rất nhiều.
Ông Phong kiến nghị cần cân đối lại chỉ tiêu này cho phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Trong thời gian tới, khi lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, thành, Sở TN-MT tham mưu UBND TP.HCM sớm đề xuất Chính phủ giảm chỉ tiêu đất trồng lúa để các huyện "dễ thở hơn".
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN-MT huyện Bình Chánh, cho rằng dự kiến phân bổ đất chuyên trồng lúa nước cho huyện là 2.700 ha, hơn gấp đôi kế hoạch sử dụng đất kỳ trước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân rất bức xúc vì trồng lúa nước không hiệu quả. Người dân xã Tân Nhựt đề nghị thu hẹp diện tích hoặc bỏ luôn quy hoạch trồng lúa nước.
"Bây giờ 2.700 ha nữa thì không phù hợp thực tế sử dụng. Đề nghị đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát cụ thể, đánh giá thổ nhưỡng… đối với một số quận, huyện. Phân khai nhiều nhưng thực tế thì nơi đó không có hệ thống tưới tiêu. Như thế chỉ có thể gò ép vào để đủ diện tích đất trồng lúa nhưng triển khai không hiệu quả", bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, hiện nay địa phương đã có hơn 1.200 ha đất ở nông thôn. Tuy nhiên, dự kiến phân bổ cho huyện đến năm 2025 có 833 ha, tức hiện trạng đã cao hơn kế hoạch phân bổ. "Điều này gây khó cho địa phương, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình để xây nhà ở riêng lẻ. Đề nghị đơn vị tư vấn cân đối lại chỉ tiêu diện tích này", bà Thảo nói.
Đại diện Phòng TN-MT huyện Hóc Môn cũng cho rằng địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất trồng lúa nên cần cân đối lại việc phân bổ lại cho phù hợp.
Đại diện Phòng TN-MT huyện Củ Chi đề xuất xem xét nâng chỉ tiêu đất ở vì địa phương đang quá trình đô thị hóa nhanh. Hồi đầu tháng 10/2022, Sở TN-MT TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM danh mục 21 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án nhà ở.
Cụ thể, tại TP Thủ Đức có dự án nhà ở xã hội tại phường Long Phước của Công ty CP Phát triển Thành phố Xanh chuyển 8,08 ha; khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng tại phường Trường Thọ của Công ty CP Đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản Đất Phương Nam chuyển 0,39 ha..., theo SGGP
Tại huyện Nhà Bè, Khu dân cư An Hưng, xã Nhơn Đức của Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ An Hưng chuyển 8,05 ha; khu chung cư cao tầng và thương mại, dịch vụ, văn phòng tại xã Phước Kiển của Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Nam Phú chuyển 0,93 ha.
Tại quận 7 có dự án chung cư cao tầng tại phường Phú Thuận của Công ty CP Đầu tư Đất Viễn Đông chuyển 0,86 ha; dự án khu chung cư cao tầng tại phường Phú Thuận của Công ty CP Bất động sản Sông Hồng Land House chuyển 1,77 ha…
Ngoài ra, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình cá nhân trên địa bàn thành phố cũng khoảng 1.067,68 ha.
Trong đó, quận 7 (4,6 ha), quận 12 (16,94 ha), quận Bình Tân (13,79 ha), huyện Nhà Bè (16,5 ha), huyện Hóc Môn (334,28 ha), huyện Cần Giờ (141,88 ha), huyện Củ Chi (336,54 ha), huyện Bình Chánh (193,14 ha) và TP.Thủ Đức (69,87 ha).
Số liệu từ Sở TN-MT cho thấy, tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2020 của TP.HCM là 111.875 ha, giai đoạn 2015 - 2020 diện tích đất nông nghiệp giảm 3.623 ha, trung bình giảm 725 ha/năm.
Trong đó diện tích đất trồng lúa năm 2020 là 15.586 ha, giảm 3.089 ha so với 2015 (đất chuyên trồng lúa giảm 1.468 ha).
Thực tế, phần lớn quỹ đất nông nghiệp tại TP. Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao (nhà lưới, nhà màng, chuồng trại...) cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định về pháp luật hiện hành.
Hiện, TP mới cho thí điểm xây dựng các công trình tạm trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.
Trước tình hình này, thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM là đầu tàu về kinh tế, du lịch, dịch vụ, nhưng vẫn giữ hơn 40% đất nông nghiệp là một con số quá lớn trong khi nông nghiệp chỉ đóng góp vào GRDP của TP là 0,8%. Trong khi đất cho công nghiệp, dịch vụ dù diện tích chỉ khoảng 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP, theo Dân Việt.
Chính vì vậy, TP cần xem xét cho chuyển thêm diện tích đất nông nghiệp sang các loại đất phi nông nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế là rất cần thiết. Khi chuyển đổi TP sẽ tiến hành đấu giá quỹ đất này và thu về hàng triệu tỷ đồng, tạo thêm vốn để thực hiện các đề án như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ…
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp