Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kiến nghị cho xây nhà trên hành lang kênh, rạch

Vĩ mô

18/02/2017 09:57

Những hộ dân có nhà đất nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch sẽ được sửa sang, xây dựng, cấp chủ quyền thay vì bị treo mọi quyền lợi như hiện nay.

Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức hôm qua 17.2.

Đất bỏ hoang nhưng không có chỗ ở

Trước đó, theo Quyết định 150 ban hành năm 2004, người dân sống trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, hồ công cộng không được xây sửa, hợp thức hóa, chuyển mục đích sử dụng, mua bán nhà đất... dẫn đến tình trạng nhiều gia đình sống trong hành lang sông, suối, kênh rạch rơi vào nghịch cảnh.

Dọc kênh Cây Khô thuộc ấp 1, xã Phước Lộc, H.Nhà Bè, hàng trăm hộ dân có nhà trong hành lang 30 m bảo vệ con kênh này không thể làm gì với nhà, đất của mình.

Theo UBND xã Phước Lộc, đa số người dân đều sinh sống ở đây từ lâu đời, đất đai nhiều nên nhu cầu chuyển mục đích sử dụng, tách thửa để xây dựng nhà cho con cái cũng rất lớn nhưng không được phép.

Ông Võ Văn Ngoan (số 80 xã Phước Lộc) có 560 m2 đất thì tới gần 500 m2 nằm trong hành lang bảo vệ kênh Cây Khô.

Do không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được tách thửa và xây dựng nên con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng nhưng không thể cất nhà ra riêng, vẫn sống chen chúc cùng nhau trong một ngôi nhà. “Đất đai có sẵn thì bỏ hoang nhưng con cái thì không có nhà ở, khổ tâm lắm”, ông Ngoan rầu rĩ.

Cách đó mấy căn, gia đình bà Lâm Thị Nga, ba thế hệ phải chung sống trong căn nhà cũ, không thể xây dựng, cơi nới thêm do 600 m2 đất của bà cũng nằm trong hành lang bảo vệ kênh. Suốt 13 năm nay, cả gia đình lớn của bà Nga vẫn phải chen chúc trong căn nhà chật hẹp.

Bà Nga mong muốn có thể được xây dựng nhà ở trên phần đất trống để mọi người trong gia đình được sống thoải mái hơn. Nếu không thì cũng được tách thửa để bán một phần đất lấy tiền đi lo nơi ở mới. Tuy nhiên, do “dính” phải quy hoạch hành lang bảo vệ kênh Cây Khô nên không thể nhúc nhích gì.

Theo UBND H.Nhà Bè, hiện có 760 hộ dân sống trong hành lang bảo vệ kênh Cây Khô. Nhiều năm nay người dân rất bức xúc vì quyền lợi về nhà đất bị “treo” theo quy hoạch hành lang bảo vệ kênh. Trước đó, Nhà Bè cũng từng kiến nghị giảm bớt hành lang kênh để giải quyết quyền lợi cho dân nhưng không được chấp thuận.

Tình cảnh này cũng xảy ra tương tự đối với người dân sống trong hành lang sông, kênh, rạch ở các quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức. Tại Q.Bình Thạnh có hơn 11 km kênh, rạch tiêu thoát nước, tập trung hầu hết tại 17/20 phường. UBND Q.Bình Thạnh cho biết, hiện có khoảng gần 2.600 hộ dân sống trong hành lang kênh rạch.

Năm 2013, để giải quyết bức xúc của người dân có nhà đất bị ảnh hưởng bởi hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, quận cũng đã có công văn gửi Sở Xây dựng kiến nghị cho phép xây dựng tạm, sửa chữa lại nhà bởi nhà của người dân đã xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào.

Còn rất nhiều gia đình dù có đất ở nhưng không được phép xây dựng nhà trong khi phải đi ở nhà trọ... Cuộc sống khốn khó trong nghịch lý, có đất, có nhà nhưng không thể xây, không thể ở.

TP sẽ có những quy định mới liên quan đến hành lang bảo vệ sông, kênh rạch...

Nguy hiểm sống gần bờ sông

Dự thảo mới bổ sung suối, mương, hồ công cộng và xác định hành lang của chúng để bảo vệ. Cụ thể, các sông, suối, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy thì vẫn giữ nguyên hành lang bảo vệ (từ 20 - 50 m mỗi bên, tùy cấp độ sông, suối, kênh, rạch).

Tuy nhiên, các sông, suối, kênh, mương có chức năng thoát nước thì dự thảo chia nhỏ ra thành nhiều nhóm tùy theo bề rộng của chúng và xác định hành lang là 5 - 10 m mỗi bên (thay vì đóng khung 10 m mỗi bên như quy định hiện hành).

Đối với nhóm này, dự thảo bổ sung thẩm quyền của UBND quận, huyện căn cứ vào thực tế được xác định hành lang phù hợp nhưng tối thiểu phải là 1,5 m mỗi bên.

Đối với đất ở nằm trong hành lang bảo vệ có nguồn gốc và quá trình sử dụng trước ngày 24.6.2004 được xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và cấp phép xây dựng nhà ở.

Đối với nhà ở hiện hữu tồn tại trên sông, kênh, rạch... hoặc trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ trước ngày 24.6.2004 trong thời gian nhà nước chưa di dời, cho phép tồn tại theo hiện trạng và được sửa chữa, cải tạo, gia cố theo nguyên trạng căn nhà để chống sập, sạt lở...

Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP, giải thích Quyết định 150 đã siết chặt việc xây dựng, sửa chữa nhà trên hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch; giúp TP quản lý chặt các hành lang này, phần nào giải quyết được bài toán chống lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất việc xây dựng các công trình kiên cố trong khu vực này trong nhiều năm qua.

Không những thế, quyết định này cũng tạo được quỹ đất công rất lớn, là tài nguyên, tài sản của TP. Tuy nhiên thực tế cũng phát sinh nhiều vấn đề, nhất là việc ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người dân.

Chính vì vậy, vừa qua, lãnh đạo Thành ủy cũng đã chỉ đạo Sở rà soát lại việc quản lý, sử dụng quỹ đất này. Theo đó, Sở đã xây dựng dự thảo, lấy ý kiến của các quận, huyện, sở ngành và đã hai lần báo cáo UBND TP theo hướng mở, gỡ khó cho người dân.

Tuy nhiên, chuyên gia về quy hoạch đô thị, ông Lê Kế Lâm lo lắng việc TP cho xây dựng công trình trên bờ sông, đặc biệt là những công trình nhà cao tầng dọc sông Sài Gòn là rất nguy hiểm. Kinh nghiệm của Nga cho thấy nhà cao tầng xây dọc bờ sông Moscow mỗi năm đều bị trôi ra ngoài sông 3 cm.

“Việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng dọc sông Sài Gòn cần lưu ý tình trạng nhà trôi ra sông do trọng lượng nhà quá lớn, trong khi lòng sông sâu và mềm yếu. Điều này sẽ rất nguy hiểm”, ông Lâm nói.

Luật sư Trương Thị Hòa cũng cho rằng, dự thảo quyết định phân cấp cho quận, huyện quyết định mép bờ cao là quá nguy hiểm bởi như vậy mỗi nơi làm một kiểu, mỗi quận huyện kiến nghị một cách, mỗi dự án triển khai một hướng, không theo một chuẩn nào, sẽ làm cho quy định này rối rắm và khó thực hiện.

Trong khi đó các bộ luật liên quan cũng không phân cấp cho các quận, huyện quản lý vấn đề này.

Theo ĐÌNH SƠN - HÀ MAI (Thanh niên)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement