08/07/2020 14:35
Kiến ba khoang lại "tái xuất" ở TP.HCM
Từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận 80-100 ca bị viêm da tiếp xúc côn trùng, chủ yếu là kiến ba khoang.
Hiện TP.HCM đang vào mùa mưa, đây là điều kiện để các loại côn trùng phát triển, kiến ba khoang cũng vì thế mà xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt tại các khu chung cư, khu tập thể, khu ký túc xá.
Từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận 80-100 ca bị viêm da tiếp xúc côn trùng, chủ yếu là do kiến ba khoang.
Thực tế là hầu hết những nạn nhân của kiến ba khoang không hề biết mình bị con gì đốt. Đây chính là lý do khiến vết thương ngày càng trầm trọng. Theo bác sỹ của bệnh viện Da liễu TP.HCM, đặc điểm của vết thương do độc tố của kiến ba khoang gây ra là rất dễ lan trên người, đặc biệt khi bệnh nhân vô tình chạm phải các vị trí đó và tiếp xúc với các vùng da khác trên cơ thể. Cũng theo các bác sỹ da liễu thì khi bị tiếp xúc với dịch độc của kiến ba khoang, chúng ta không nên quá lo lắng, vì điều trị không khó, và thời gian điều trị cũng không lâu.
Các bác sỹ khuyến cáo: nếu lỡ bị kiến ba khoang cắn thì chỉ nên đuổi nhẹ chứ không nên đập kiến ba khoang, an toàn hơn là dùng 1 miếng giấy ăn nhặt kiến bỏ vào thùng rác.
Kiến ba khoang (hay kiến khoang) còn có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, kiến nhốt, cằm cặp… là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - đỏ xen kẽ.
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và ưa thích ánh sáng đèn. Sau những cơn mưa, nước ngập, chúng không còn nơi cư trú sẽ bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này, đặc biệt là da trẻ em có thể bị tổn thương rất nặng.
Cách nhận biết khi bị kiến ba khoang đốt
Nhiều người thường nhầm lẫn vết cắn của kiến ba khoang với bệnh viêm da do giời leo (Zona) nên tự mua thuốc về bôi nhưng không khỏi và còn khiến vết cắn tiến triển nặng hơn, thậm chí có thể gây nhiễm trùng nặng, bội nhiễm mưng mủ… Vì vậy, cần phải nhận biết chính xác những biểu hiện lâm sàng khi bị kiến ba khoang đốt để phân biệt với các bệnh khác và sớm có biện pháp thăm khám, chữa trị kịp thời.
- Khi bị kiến ba khoang đốt, tổn thương cơ bản có dạng rát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
- Vết cắn thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: Mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
- Thương tổn sẽ tiếp tục xuất hiện nếu trẻ nhỏ, người bị kiến cắn ngứa và gãi, quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp, kể cả không còn sự hiện diện của kiến ba khoang.
- Người bị kiến ba khoang cắn thường có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
- Sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh cảm giác râm ran, 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, rát đỏ, 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình. Sau 3 ngày, thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy; sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng sẽ để lại vết thâm lâu mất.
Cách xử lý nhanh khi bị kiến ba khoang cắn
Trước khi thăm khám bác sĩ và bôi thuốc theo chỉ định, bạn cần áp dụng cách xử lý khi bị kiến ba khoang cắn dưới đây để tiêu trùng và phòng ngừa độc tố lan rộng:
- Nếu phát hiện được bị kiến ba khoang đốt, cần loại bỏ chúng ra. Tuy nhiên, bạn không nên dùng tay trần để bắt, miết, giết mà hãy dùng găng tay nilon hoặc khăn giấy để bắt chúng. Tuyệt đối không chà xát để tránh làm nọc độc lan rộng.
- Nhanh chóng rửa sạch bằng nước rửa tay, xà phòng, nếu có cồn có thể rửa sạch và sát trùng bằng cồn. Rửa càng sạch sẽ càng hạn chế được tác hại của độc tố kiến ba khoang.
- Không tự ý bôi thuốc hay gãi vì sẽ khiến vết thương lan rộng, gặp biến chứng do chưa dùng đúng thuốc.
- Nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định đúng loại thuốc cần dùng.
Vậy, bị kiến ba khoang đốt thì bôi gì? Theo các chuyên gia da liễu thì những loại thuốc bôi dưới đây thường được gợi ý sử dụng khi bị kiến ba khoang cắn:
- Hồ nước: Có tác dụng làm dịu mát vết thương, giảm sưng, viêm và đau, rất phù hợp cho những người bị vết thương do kiến ba khoang tấn công.
- Thuốc mỡ: Thuốc mỡ có chứa corticoid là loại thường được dùng để chữa lành các vết thương do bị kiến ba khoang cắn bởi loại thuốc này giúp chống viêm rất hiệu quả.
Ngoài ra, tùy vào mức độ nặng của vết cắn, bạn cũng có thể được bác sĩ chỉ định thêm thuốc uống như kháng sinh histamin.
Cách đề phòng kiến ba khoang
Ngoài cách xử lý khi bị kiến ba khoang cắn như bên trên, bạn cũng nên áp dụng một số biện pháp phòng ngừa dưới đây để hạn chế kiến ba khoang xuất hiện trong nhà mình:
- Phun thuốc diệt côn trùng: Để tránh kiến ba khoang đốt, bạn nên phun thuốc diệt côn trùng định kỳ, chú ý xịt tập trung các ngóc ngách mà chúng có thể trú ẩn như gầm giường, tủ bếp… Tuy nhiên, bạn chỉ nên phun thuốc khi trong nhà không có người. Sau khi xịt, cần tối thiểu là nửa ngày mới tiếp tục sinh hoạt bình thường trong không gian đã xịt thuốc.
- Dùng đèn diệt côn trùng: Đèn diệt côn trùng thường được sử dụng vào ban đêm khi đi ngủ. Bản chất kiến ba khoang là loài dễ bị ánh sáng thu hút, nên dùng đèn diệt côn trùng có thể hấp dẫn chúng đến gần và tiêu diệt. Biện pháp này giúp bạn có thể diệt được kiến cả trong khi đang ngủ, không cần phải xịt thuốc làm ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt của cả gia đình.
- Sử dụng sả và cỏ xạ hương: Sả và cỏ xạ hương không chỉ có tác dụng đuổi muỗi, gián mà còn là cách cực kỳ hiệu quả để tránh bị kiến ba khoang đốt. Bạn có thể xua đuổi chúng bằng cách trồng sả, cỏ xạ hương ở trong góc nhà hoặc cạnh tủ quần áo, những nơi kiến ba khoang hay trú ẩn hoặc dùng đèn xông tinh dầu để đốt tinh dầu sả, tinh dầu xạ hương.
- Làm lưới ngăn: Một cách nữa để tránh kiến ba khoang đốt là bạn cần phải làm các lưới ngăn tại các cửa, lỗ thông khí… để chúng không thể theo ánh sáng vào nhà.
- Vệ sinh không gian sống thường xuyên: Nếu nhà bạn có sân vườn thì bạn nên dọn sạch các cành cây, cỏ mục, phát quang các bụi rậm… để ruồi muỗi, côn trùng, kiến ba khoang không có chỗ trú ngụ. Trong nhà, bạn phải luôn đảm bảo được sự sạch sẽ, thơm mát bằng cách lau dọn nhà thường xuyên với các sản phẩm nước lau nhà có nguồn gốc thiên nhiên và có khả năng đuổi được các loại côn trùng.
Tóm lại, khi bị kiến ba khoang đốt thì bôi gì hoặc uống thuốc gì cần sự thăm khám chi tiết của bác sĩ, bạn không nên chủ quan tự chữa bởi nọc của kiến ba khoang rất độc, nếu không xử lý đúng cách có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường sống thường xuyên để có không gian sinh hoạt sạch, thoáng đãng, ngăn chặn sự xuất hiện của kiến ba khoang.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp