24/08/2018 16:47
Kiểm tra nhanh, nhận định vội của cơ quan chức năng có thể “giết chết” doanh nghiệp
Rất nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra và đưa ra nhận định sai phạm khi chưa có kết quả cuối cùng.
Kiểm tra nhanh, nhận định vội…
Vụ việc tại chuỗi cửa hàng Con Cưng xảy ra gần đây một lần nữa cho thấy sự vội vàng từ cơ quan chức năng trong việc đưa ra nhận định, khiến doanh nghiệp này thiệt hại không những về doanh thu mà còn cả uy tín thương hiệu.
Xuất phát từ khiếu nại của một khách hàng mua sản phẩm từ chuỗi cửa hàng Con Cưng, thay vì kiểm tra và cho doanh nghiệp thời gian chứng minh những cáo buộc từ phía khách hàng và dư luận, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) lại rầm rộ tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống bán lẻ của hệ thống này.
Song song đó, đại diện cơ quan này liên tục nhận định về sai phạm khi chưa có kết luận chính thức và cung cấp cho giới truyền thông khiến Con Cưng nhanh chóng bị quy kết thành vụ “Khải silk” thứ 2.
Bộ Công thương mới đây ban hành quyết định thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Con Cưng của Cục QLTT. |
Hậu quả của vụ việc mà theo tiết lộ của lãnh đạo Con Cưng, trong hơn một tháng doanh thu công ty giảm 1-2 tỷ đồng/ngày. Kết quả kiểm tra được công bố cũng không hề nặng nề như dự đoán trước đó, mà chỉ dừng lại ở lỗi… vi phạm hành chính.
Ngay sau khi công bố kết quả vi phạm của Con Cưng, Bộ Công Thương ban hành quyết định thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty này của Cục QLTT.
Với sự lan truyền thông tin mạnh mẽ như hiện nay qua mạng xã hội, kênh thông tin điện tử… những bản tin ngắn gọn, xoáy sâu vào những “dấu hiệu” vi phạm ban đầu được cơ quan chức năng đưa ra có thể trở thành thông tin bất lợi cho chính doanh nghiệp.
LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, người từng đại diện cho Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods) có trụ sở tại Bình Dương - một “nạn nhân” từ một cuộc kiểm tra nhanh và kết luận rõ ràng từ lực lượng QLTT chia sẻ, ngày 20/4/2016, Đội 14, Chi cục QLTT Hà Nội (Đội 14) đã bắt giữ, niêm phong 2,2 tấn sản phẩm của Vietfoods bán cho Công ty thương mại thực phẩm Hùng Anh.
Ngay sau đó, lực lượng này đã cung cấp thông tin cho một số kênh truyền hình, báo chí với nội dung sản phẩm Vietfoods đã sử dụng chất cấm, chất gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép lưu hành. Chất được Đội 14 công bố là Sodium Nitrate 251 với hàm lượng từ 89-100mg/kg.
Tuy nhiên chỉ ít ngày sau, Cục An toàn thực phẩm cho biết hàm lượng Natri Nitrat INS 251 (loại chất giúp ổn định màu thực phẩm) được phát hiện trong sản phẩm xúc xích Vietfoods từ 55 - 100 mg/kg là nằm trong ngưỡng an toàn cho người sử dụng. Phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc của Đội 14 trước đó.
Việc vội vàng cho rằng sản phẩm của Vietfoods có chất cấm, chất gây ung thư đã gây tổn hại nặng nề cho nhà sản xuất này. Cơ sở phải ngừng sản xuất hơn một tháng, trên 100 công nhân nghỉ việc, hàng hóa đều bị thu giữ hoặc bị trả về, thiệt hại tạm tính lên đến hàng chục tỷ đồng…
Thiệt hại doanh nghiệp.. hứng
Những thông tin liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe hiện rất nhạy cảm với dư luận. Điều này giải thích vì sao, khi những doanh nghiệp trong lĩnh vực này có những thông tin bất lợi sẽ chịu thiệt hại nhanh chóng.
Trong lúc vụ việc tại Con Cưng vừa tạm lắng, quán cơm tấm Kiều Giang (Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Kiều Giang) tại quận 9, TP.HCM lại trở thành đề tài tranh luận của dư luận.
Trái ngược với hoạt động nhộn nhịp, đông đúc thực khách vào giờ cao điểm trưa, một ngày sau thông tin vi phạm về an toàn thực phẩm, quán cơm tấm Kiều Giang vắng lặng đến ngỡ ngàng. Ảnh: Kiến thức |
Ngày 21/8, đoàn kiểm tra liên quận (quận 2, quận 9, Thủ Đức) thuộc Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM bất ngờ kiểm tra quán cơm này phát hiện nhiều nguyên vật liệu, gia vị…đựng trong các thùng, can nhựa.
Trong lúc cơ quan chức năng thông báo là niêm phong toàn bộ số hàng tại đây để chờ kết quả xét nghiệm các mẫu để xử lý…. Thì bao phủ trên các kênh truyền thông là những từ ngữ khá nặng nề như: sử dụng nguyên liệu “lạ”, sai phạm nghiêm trọng… Đại diện Công ty sở hữu quán ăn nổi tiếng này lên tiếng cho biết, lượng khách đã giảm một phần ba, thiệt hại đến uy tín thương hiệu.
Trên trang cá nhân của mình, LS Hồ Hữu Hoành tỏ ra khá bức xúc. Ông bày tỏ, trong một vụ án hình sự, trong tiến trình điều tra, người ta cũng chỉ gọi là nghi can khi chưa có kết luận điều tra cuối cùng. Vụ việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, xét cho cùng, đó là quan hệ hành chính giữa chính quyền và doanh nghiệp. Trong bất kỳ quan hệ hành chính giữa nhà nước với doanh nghiệp, kiểm tra cũng là một hoạt động hành chính bình thường...
Tuy nhiên, khi chưa có kết luận kiểm tra, đã khẳng định người ta vi phạm pháp luật, phát ngôn và để báo chí đăng tin như thể họ đã là một tội phạm...Theo LS Hoành “đó là một tội ác”.
Nếu trong tiến trình kiểm tra, nếu cơ quan chức năng nghi ngờ rằng đó là “phụ gia lạ” có thể gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng, thì với thẩm quyền của mình, họ có thể đề nghị tạm ngưng kinh doanh chờ kết quả phân chất. Việc cung cấp thông tin, phát ngôn khơi khơi với báo chí như vậy khi chưa có bất kỳ kết luận, khác nào đã kề sẵn dao để giết doanh nghiệp.
“Kiều Giang nếu sai, phải xử lý nghiêm túc theo luật, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có vi phạm, và đáng lên án, khi có đủ kết luận, chứng lý và sự công tâm đối với sự việc đó. Nhưng đừng “giết” người ta bằng việc bâng quơ phát ngôn vô trách nhiệm, khi chưa có bất kỳ kiểm nghiệm, kết luận “phụ gia lạ” trong bao bì ko nhãn mác là cái gì...”, LS Hoành bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ, cơ quan nhà nước cần thời gian lấy mẫu và phân tích trước khi công bố công khai vì không loại trừ các hoạt động cạnh tranh bẩn bằng cách bôi xấu, đánh lén, lợi dụng truyền thông và cơ quan nhà nước từ các đối thủ.
Theo LS Nguyễn Văn Đức, theo điều 5 Pháp lệnh QLTT do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 8/3/2016. Lực lượng QLTT khi tiến hành kiểm tra doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc “Bảo vệ bí mật nguồn thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành”
Điều 11 Pháp lệnh này cũng quy định Công chức QLTT không được phép tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng QLTT.
Ông Đức cho rằng, việc cơ quan chức năng, trong đó có QLTT vừa kiểm tra, phát hiện đối tượng bị kiểm tra bị nghi có dấu hiệu vi phạm đã vội vàng công bố thông tin công khai là không đúng với quy định pháp luật. Nếu việc công bố công khai thông tin này gây thiệt hại cho doanh nghiệp bị kiểm tra, người công bố thông tin hoàn toàn có thể đối diện với việc bị bồi thường thiệt hại…
Advertisement