14/11/2021 09:30
Kích hoạt các động lực tăng trưởng: Hỗ trợ thế nào, bao nhiêu là đủ?
Đang có những chờ đợi và cả tranh luận về các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế mới mà Chính phủ đang tính toán.
Nhiều chuyên gia kinh tế, giới doanh nghiệp chờ đợi một con số “đủ lớn” để có thể thực hiện trên phạm vi “đủ rộng” và tập trung được “đúng điểm” nhằm kích hoạt các động lực tăng trưởng; chờ đợi các khoản chi ngân sách nghịch chu kỳ, khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều.
Nhưng cùng với đó là những ý kiến lo ngại về rủi ro bất ổn vĩ mô, nhất là khi nguy cơ lạm phát rình rập. Bài học về gói kích cầu kinh tế năm 2009, với công cụ hỗ trợ lãi suất cũng được nhắc lại khi nhiều hệ lụy vẫn chưa giải quyết hết…
Song có lẽ không thể nhìn rủi ro hay thất bại để không dám làm. Thay vào đó, bài học từ quá khứ cần phải được nhận định, mổ xẻ đúng để thấy rõ cần phải làm mới, làm khác, để đảm bảo hiệu quả và mục tiêu.
Lấy ví dụ của công cụ hỗ trợ lãi suất đang được Chính phủ nghiên cứu dành cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, dự kiến quy mô khoảng 20.000 tỷ đồng.
Năm 2009, chính gói hỗ trợ lãi suất quy mô khoảng 1 tỷ USD đã được đưa ra khi nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhìn lại, gói này được coi như “đổ thêm dầu vào lửa”, khi vài năm trước đó, nền kinh tế đang tăng trưởng nóng, với chính sách nới lỏng tiền tệ, mở rộng tài khóa, đầu tư công gần như không giới hạn. Nhưng quan trọng là khi áp dụng chính sách kích cầu nội địa, cầu bên ngoài lại thiếu do tác động của khủng hoảng, hệ quả là bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao vào năm 2011.
Bài học kinh nghiệm để lại chính là Nghị quyết 11/2011/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Điều kiện hiện tại hoàn toàn khác 10 năm trước về cung, cầu và quan trọng là năng lực điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Thêm nữa, nhân tố tạo ra lạm phát chưa thực sự rõ, vì cầu bên trong thấp, cầu bên ngoài tăng nên chưa có yếu tố cầu kéo; chi phí đẩy từ giá nguyên liệu tăng có thể được thị trường điều chỉnh, kiểm soát được; cung tiền sẽ tăng nếu áp dụng gói hỗ trợ, nhưng vòng quay tiền đang thấp nên tổng cung tiền tệ có thể kiểm soát được trong 2 năm tới, trước khi đưa về mức ổn định vào các năm sau…
Vấn đề ở đây là việc lựa chọn công cụ, giải pháp chính sách nào, quy mô bao nhiêu mà doanh nghiệp, nền kinh tế đang cần.
Nhìn lại sự suy thoái mà nền kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn 1997-2000, 2009-2011 và hiện nay, thì đây là thời điểm tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất. Nếu “lịch sử” lặp lại, cộng với sự bất định của dịch bệnh, mức tăng GDP của các năm sau khủng hoảng chỉ khoảng 2 điểm phần trăm, thì lần này, khả năng phục hồi nhanh như nhiều nền kinh tế trên thế giới đang làm được có thể không cao.
Lý do là cầu trong nước giảm sâu, phần lớn người dân, doanh nghiệp đã phải tiêu đến các khoản tiết kiệm. Điểm này khác với các nền kinh tế áp dụng các gói trợ cấp khổng lồ dành cho toàn dân, nên duy trì được tổng cầu của nền kinh tế ở mức bình thường.
Về phía cung, mặc dù thời điểm này, tỷ lệ doanh nghiệp trở lại khá cao, nhưng chưa thể trở lại toàn bộ 100% công suất như trước. Sự e dè còn rất lớn khi dịch bệnh vẫn phức tạp. Nếu không có các gói hỗ trợ thực sự theo hình thức “bơm ô-xy”, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể đứng dậy được, dù đã xoay sở, nỗ lực không nhỏ.
Trong khi đó, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, như quy định giãn, hoãn các loại thuế cho các doanh nghiệp, thực chất chỉ hỗ trợ được phần thiếu hụt thanh khoản khi chậm nộp các nghĩa vụ về thuế với lãi suất bằng 0, hỗ trợ phần lãi suất của khoản tiền phải nộp… Gói hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mới được ban hành không dễ tiếp cận với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ hết hiệu lực vào cuối năm. Mức giảm thuế VAT cho một số ngành, dịch vụ đang hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp khi có hiệu lực ngay vào thời điểm trở lại, nhưng cũng chỉ đến 31/12/2021…
Trong bối cảnh này, nếu không có cách làm mới, tư duy mới về hỗ trợ doanh nghiệp; gói chính sách phục hồi kinh tế thiếu quyết liệt, thiếu sáng tạo, thì sẽ khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng, chưa kể yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế theo những đòi hỏi mới của xu thế phát triển cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp