12/10/2017 05:13
Ki ốt mini chợ Bến Thành có giá cao nhất 2,5 tỷ đồng
Giá sang quầy hàng 2-4 m2 ở chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) ghi nhận 1,2 -2,5 tỷ đồng, còn chi phí thuê là 30-50 triệu đồng một tháng.
Công ty Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo về thị trường bán lẻ chủ đề Truyền thống và hiện đại - Bên thắng thế, trong đó đặc biệt đề cập đến lát cắt giá thuê và giá giao dịch các mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM.
Nhìn chung khung giá thuê - mua mặt bằng thương mại tại khu vực trung tâm Sài Gòn được liệt vào hàng "đắt xắt ra miếng". Ở nhóm truyền thống, các trung tâm thương mại - khu mua bán sỉ có sự góp mặt của những tên tuổi quen thuộc như Saigon Square, Bến Thành, Lucky plaza, Taka plaza, An Đông, Bình Tây...
Hiện giá thuê cao nhất của nhóm bán lẻ truyền thống thuộc về chợ Bến Thành, khu chợ mang tính biểu tượng của trung tâm Sài Gòn. Chi phí thuê mặt bằng mini tại đây trong ngưỡng 30-50 triệu đồng một ki ốt mỗi tháng. Các trung tâm còn lại khoảng 10-27 triệu đồng mỗi tháng, tùy vào vị trí. Bên cạnh giá thuê, chợ Bến Thành còn có thêm một hình thức khác là sang nhượng quầy hàng. Các ki ốt diện tích 2-4 m2 có giá sang nhượng khoảng 1,2-2,5 tỷ đồng trong khi ở các khu thương mại khác, giá sang ki ốt vào khoảng 10.000-25.000 USD, tương đương 226-565 triệu đồng.
Ở nhóm mặt bằng bán lẻ hiện đại, các trung tâm hay mặt bằng thương mại (shopping mall) có giá thuê dao động 100-130 USD mỗi m2 một tháng, áp dụng cho tầng thấp. Cơ chế thuê chủ yếu là cố định (fixed rent) trên m2 và việc hình thành giá thuê tùy vào vị trí và thương hiệu của chính trung tâm thương mại. Ngoài ra, các khu thương mại ngoài trung tâm có mật độ dân cư đông đúc như quận 5, 10, giá thuê dao động 40 - 60 USD một m2. Các địa bàn còn lại quận 2, 9, Gò Vấp hay Thủ Đức giá "mềm" hơn, khoảng 25 - 35 USD mỗi m2 một tháng.
Đối với phân khúc những tổ hợp mua sắm, ki ốt (department store) nằm trong khu trung tâm thương mại, hình thức tính tiền thuê chủ yếu dựa vào hình thức chia doanh thu và kèm theo doanh thu tối thiểu. Mức chia doanh thu dao động trong khoảng 18 - 25%, tùy vào tên tuổi mỗi thương hiệu và nếu so sánh với fixed rent thì mức doanh thu tối thiểu thông thường thấp hơn 20 - 30%.
Savills đánh giá, với việc quay trở lại thứ hạng 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ. Các cơ sở để kỳ vọng gồm có: niềm tin của khách hàng khởi sắc, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.
Tuy nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các đô thị lớn của Việt Nam đang tăng lên nhưng thị trường này vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM hiện còn khiêm tốn ở mức từ khoảng 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.
Các thống kê cho thấy nhóm bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế bởi tần suất người tiêu dùng đi mua sắm thực phẩm vẫn lựa chọn vào các khu chợ hơn là đi vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Nhóm bán lẻ hiện đại đang chiếm khoảng 25% thị phần, tuy nhiên, nhóm này đang có những bước phát triển nhanh chóng.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại thuộc Bộ Công Thương, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 11,9%/năm với quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Dù chỉ số này chỉ tương đương thị trường Thái Lan vào năm 2016, thế nhưng, tiềm năng dành cho Việt Nam vẫn còn được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao bởi yếu tố quan trọng như dân số “vàng”, đô thị hóa nhanh chóng tạo đà tăng trưởng thu nhập cho người dân.
Savills đánh giá, hiện nay tình hình bán lẻ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi kênh bán hàng qua internet. Chỉ còn lại 3 năm để Việt Nam tăng tốc gấp đôi so với hiện tại để bám đuổi các đối thủ trong khu vực và đây là một thách thức cho thị trường 90 triệu dân này.
Advertisement