Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Khuyến khích sáp nhập ngân hàng yếu kém

Tài chính

10/02/2017 11:05

Mục tiêu trong năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là tiếp tục khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng yếu kém.

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng (NH), nếu không xử lý dứt điểm một số NH yếu kém, bài toán về nợ xấu, giảm lãi suất cũng sẽ còn tiếp tục khó khăn.

Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu

Trong Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Thống đốc NH Nhà nước đã nhấn mạnh việc tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại.

Các nhà đầu tư có đủ điều kiện được khuyến khích tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng nhằm xử lý những đơn vị yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nợ xấu hiện là một trong 4 nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm sâu Ảnh: TẤN THẠNH

Đồng thời, tập trung triển khai cơ cấu lại các NH thương mại được NH Nhà nước bắt buộc trong thời gian qua theo phương án được phê duyệt.

Tổ chức tín dụng nào không đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện được phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt sẽ buộc phải áp dụng biện pháp can thiệp xử lý của nhà nước thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại.

NH Nhà nước cũng sẽ áp dụng một số biện pháp can thiệp khác phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Các NH thương mại vi phạm về sở hữu vốn của cổ đông lớn, sở hữu chéo, đầu tư chéo… cũng sẽ được xử lý trong thời gian tới. NH Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, hiệu quả thấp.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian tới, NH Nhà nước sẽ đưa vào những quy định khắt khe hơn nữa nhằm tăng cường công tác an toàn hệ thống, quy định việc tham gia góp vốn mua cổ phần NH phải chứng minh được nguồn thu nhập, nguồn tiền không vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào…

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng động thái quyết liệt của NH Nhà nước với mục tiêu tái cơ cấu các NH yếu kém và hệ thống NH trong năm 2017 là cần thiết để xử lý dứt điểm các NH yếu kém, tình trạng sở hữu chéo và xử lý nợ xấu.

Trên thực tế, đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 đến thời điểm này đang chậm hơn so với mục tiêu và kỳ vọng nên sắp tới, lộ trình và giải pháp không thể chậm hơn được nữa.

“Tiến trình xử lý các NH yếu kém, NH Nhà nước cũng đã có kinh nghiệm trong thời gian qua với nhiều thương vụ sáp nhập bắt buộc, mua lại NH 0 đồng nên có thể đẩy mạnh trong thời gian tới. NH yếu kém tồn tại có thể không gây đổ vỡ hệ thống nhưng cũng không nên để tồn tại dai dẳng” - TS Cấn Văn Lực nói.

Nợ xấu vẫn là gánh nặng

Một nội dung quan trọng khác trong Chỉ thị 02 của Thống đốc NH Nhà nước là yêu cầu tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Theo đó, sẽ kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn không tích cực xử lý, không phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Cơ quan quản lý sẽ không xem xét, chấp thuận mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, văn phòng đại diện, hạn chế tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông…

Trên thực tế, nợ xấu theo báo cáo của NH Nhà nước tiếp tục giảm về dưới 3% nhưng số nợ xấu được “gom” vào Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn còn rất lớn.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một số tồn tại của hệ thống NH trong năm 2016 là việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ở vài NH yếu kém diễn ra chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lãi suất.

Tỉ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống giảm từ 2,9% xuống còn 2,8% vào cuối năm ngoái nhưng việc xử lý chậm và chưa triệt để, còn áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Chẳng hạn, trong số nợ xấu bán cho VAMC, đơn vị này mới chỉ xử lý được khoảng 38.000 tỉ đồng, tương đương 15% tổng số nợ đã mua.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết năm 2016, Vietcombank là NH đầu tiên xử lý xong toàn bộ số nợ xấu đã bán cho VAMC, đưa về nội bảng và tỉ lệ nợ xấu chỉ còn 1,44%.

Đây là tín hiệu tích cực bởi khi không còn “vướng bận”, không phải tập trung nguồn lực cho công tác xử lý nợ xấu, NH sẽ có điều kiện giảm thấp hơn lãi suất cho thị trường và doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tốt sẽ được vay lãi suất thấp hơn mặt bằng chung thị trường.

Thực tế, theo các chuyên gia NH, nếu chưa xử lý triệt để nợ xấu, các NH thương mại và cả doanh nghiệp vẫn còn gánh nặng khi NH phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, không dám mạnh tay cho vay, còn doanh nghiệp cũng tiếp cận vốn khó khăn. Nợ xấu hiện là một trong 4 nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm sâu.

Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết sẽ sớm kiến nghị nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quy định hiện hành để đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu. Khi được tháo gỡ sớm vướng mắc, các tổ chức tín dụng sẽ xử lý tài sản bảo đảm (chủ yếu là bất động sản) để đưa lại nguồn vốn vào nền kinh tế, góp phần trực tiếp giảm chi phí tài chính và lãi suất cho vay.]

Nên sáp nhập 3 ngân hàng 0 đồng

Dưới góc độ chuyên gia tài chính NH, TS Cấn Văn Lực cho rằng nên đưa 3 NH được mua lại 0 đồng sáp nhập những NH thương mại nhà nước đang tham gia hỗ trợ với điều kiện phải có công cụ, cơ chế để những NH thương mại nhà nước này sẵn sàng nhận sáp nhập. Cụ thể, có cơ chế về nguồn lực như giảm thuế, NH Nhà nước hỗ trợ tái cấp vốn để xử lý nợ xấu… Sẽ có rất nhiều khó khăn đối với các NH quốc doanh nhận về 3 NH 0 đồng nên cần cơ chế hỗ trợ rõ ràng từ cơ quan quản lý.

Theo THÁI PHƯƠNG (Người lao động)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement