02/05/2017 06:38
Khu Phan Xích Long ở Sài Gòn nhiều lợi thế đầu tư ẩm thực đường phố
Nhận định về chuyện kinh doanh ẩm thực phẩm đường phố lộn xộn hiện nay, các chuyên gia cho rằng khu Phan Xích Long của TP.HCM nhiều lợi thế để phát triển thành khu ẩm thực bài bản.
Sống tại Việt Nam từ nhiều năm nay, ông Paul Le, Tổng thư ký Hội ẩm thực Escoffier của Pháp, Phó chủ tịch hỗ trợ bán lẻ Central Group, nói đến ẩm thực đường phố Việt Nam bằng niềm say mê nồng nhiệt.
Nếu như đa số những người nước ngoài tại Việt Nam chỉ biết đến hai món cơ bản là phở và bánh mì, thì ông Le có thể kể ra hàng loạt đồ ăn, thức uống mà ông yêu thích như sò, ốc, tôm đất nướng, lẩu cá kèo, xôi xéo, bún đậu, các loại bánh, chè, vv… Và ông kết lại bằng hai từ: “Rất tuyệt”.
Ông Le nhận định: “Nền văn hóa ẩm thực đa dạng này đã góp phần tạo nên hình hài đời sống của người Việt Nam ngày nay, đặc biệt là phong cách sống tại TP.HCM”.
Cũng như ông Le, ông Scottt Alan Hodgetts, Tổng giám đốc khách sạn Sheraton, cho biết: “Ẩm thực đường phố là điều tuyệt vời nhất đối với tôi ở Sài Gòn. Món ăn quen thuộc của tôi là bò né”.
Tổng giám đốc Công ty du lịch Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ dẫn con số: 71% du khách công ty ông quan tâm đến ẩm thực. Đặc biệt 63% số du khách có chia sẻ thông tin về ẩm thực Việt Nam trên trang mạng xã hội cá nhân của họ.
Ẩm thực Việt Nam thường được thế giới biết đến qua những bảng xếp hạng món ăn đường phố.
Đơn cử, hãng Fodor’s Travel (Mỹ) năm 2016 xếp bánh mì Sài Gòn vào top 20 món ăn đường phố được yêu thích và mang tính biểu tượng toàn cầu. Các kênh truyền hình BBC Travell, CNN và một số trang mạng quốc tế cũng đã nhiều lần xếp các món ăn Việt Nam như phở, bún bò Huế, bún chả, gỏi cuốn, chả giò, bánh xèo, hủ tiếu,… là những món ngon hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, việc kinh doanh ẩm thực đường phố Việt Nam không hề đơn giản. Các vấn đề đang phải đối mặt là mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng chặt chém phổ biến, nhất là đối với khách nước ngoài và tạo nên hình ảnh đường phố lộn xộn, nhếch nhác.
Khu vực quanh bệnh viện Nhi Đồng 2 (Lý Tự Trọng – Thái Văn Lung) là một trong những nơi điển hình cho hình ảnh thành phố xấu xí ngay giữa trung tâm quận 1, TP.HCM.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhiều nhận định "cảm tình" về kinh doanh ẩm thực đường phố tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM. Không đâu như ở TP.HCM, chỉ cần bước chân xuống phố là có thể bắt gặp ngay những gánh hàng rong chẳng cần mất công tìm kiếm. Rồi chỉ cần một chiếc ghế nhựa là đủ thành một quán ăn fast-food ngay trên vỉa hè.
Sài Gòn “đất lành chim đậu”, dân tứ xứ kéo về mưu sinh nên hàng rong ngày càng bùng phát. Tình trạng này đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý. Dẹp bỏ hàng rong để chấn chỉnh trật tự, mỹ quan đô thị là vấn đề đang được đề cập.
Nhưng với những tinh hoa được thế giới ghi nhận, các chuyên gia đều cho rằng cách tốt nhất là quy hoạch những khu ẩm thực đường phố trước khi dẹp hàng rong. So với các Food court trong những trung tâm thương mại thì khu ẩm thực đường phố có mô hình đơn giản hơn, giá cả phải chăng và phục vụ trong sự tiện lợi nên khách dễ tiếp cận hơn.
Hiện tại, TP.HCM đã có khu ẩm thực Bến Thành, Xóm nhà lá (82 Nguyễn Huệ, quận 1), Coco 5 – Bangkok Street Food Market (68 Nguyễn Huệ), hay phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4)... nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của cả bên mua lẫn bên bán.
Theo cô Hồng Dung, giảng viên Đại học KHXH & Nhân văn TP.HCM, thành phố nên quy hoạch thêm những khu ẩm thực mới tại Công viên 30/4, “phố Tây” Phạm Ngũ Lão, với những gian hàng được thiết kế đậm bản sắc.
Còn ông Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, cho rằng khu Phan Xích Long quận Phú Nhuận là nơi có nhiều tiềm năng nhất để xây dựng một làng ẩm thực du lịch lớn nhất Đông Nam Á.
“Vị trí khu Phan Xích Long gần trung tâm thành phố, gần đường thủy du lịch Thị Nghè, lại có sẵn bến xe Trung tâm thể dục thể thao Phú Nhuận, có không gian để mở rộng quy hoạch nếu phát triển về phía Bắc đường Phan Xích Long”, ông Nhã nói.
Một số ý kiến khác cho rằng nên hình thành nhiều khu ẩm thực khác nhau gần các điểm tham quan hay khu vực gần sân bay, nhà ga, để du khách có thể chậm rãi thưởng thức mà không phải vội vã vì sợ kẹt xe.
Các chuyên gia cũng đề xuất cần xây dựng một bộ quy chuẩn kinh doanh và chuẩn về món ăn đường phố, trong đó yêu cầu quan trọng nhất là phải đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Như người bán hàng phải đeo bao tay để lấy thức ăn; bàn ghế, bát đũa phải sạch sẽ; thực phẩm phải tươi ngon... Ngoài ra, các nơi ăn uống đều phải có đủ nước vệ sinh, bồn rửa.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp