Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Khu đô thị Tây Bắc chờ hạ tầng

Có quỹ đất rộng và được định hướng sẽ trở thành đô thị hiện đại, nông nghiệp kỹ thuật cao nhưng Khu đô thị Tây Bắc vẫn là vùng đất kém phát triển do hạn chế về kết nối hạ tầng. Việc TP.HCM khơi thông nhiều nút thắt ở khu vực này được kỳ vọng sẽ đưa cửa ngõ Tây Bắc cất cánh.

Vùng đất ngủ quên

Hơn chục năm trước, TP.HCM đã có chủ trương xây dựng Khu đô thị Tây Bắc để tạo động lực phát triển nhanh khu vực và các vùng giáp ranh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương sang dịch vụ đô thị, công nghiệp góp phần cải thiện đời sống người dân. Khu đô thị này sẽ góp phần giảm áp lực dân cư, điều hòa dân số và ô nhiễm trong nội thành.

Theo quy hoạch ban đầu, Khu đô thị Tây Bắc rộng khoảng 6.000ha và có thể mở rộng thêm 3.000ha nữa, nằm trên các xã Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn và Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp, thị trấn Củ Chi của huyện Củ Chi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, Khu đô thị Tây Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế với độ cao nền đất và quỹ đất sạch rất lớn. Khu vực này là một hướng phát triển tất yếu mà TP.HCM sẽ tính toán đến trong tương lai.

Hạ tầng nham nhở là lực cản Khu đô thị Tây Bắc phát triển

Ngoài ra, vùng đất này vẫn có sức bật rất tốt nhờ ưu điểm gần trung tâm, thuận lợi cho cảng biển… nên thu hút được nhà đầu tư và cư dân đến sinh sống. TP.HCM kỳ vọng, sự phát triển của Khu đô thị Tây Bắc sẽ kéo các vùng đất khác của Long An, Bình Dương và Tây Ninh phát triển theo với sự hình thành của các khu công nghiệp, khu dân cư…

Tuy nhiên, cả chục năm sau với nhiều chủ trương mở để kêu gọi đầu tư, TP.HCM vẫn chưa thể đánh thức vùng đất nà do hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội chưa phát triển.

Ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng, Quốc lộ 22 là một phần của đường Xuyên Á nhưng nó lại quá nhỏ rồi còn bị thắt cổ chai ở huyện Trảng Bàng của Tây Ninh. Đường sá ở Củ Chi vẫn còn nhỏ hẹp hơn đoạn ở Hóc Môn và quận 12.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng nhận định, hệ thống giao thông khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM phát triển quá chậm. Với khoảng cách 30km từ trung tâm TP.HCM đến huyện Củ Chi mà phải gần một giờ di chuyển là quá lâu.

Theo ông Quang, Khu đô thị Tây Bắc là vùng đất giàu tiềm năng nhưng đất rộng, người thưa và chưa phát huy hết tiềm năng. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 12 triệu dân nhưng lại phân bố không đồng đều. Huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi chiếm khoảng 50% diện tích của TP.HCM nhưng hai huyện này chỉ có khoảng hơn một triệu dân.

“Phần lớn diện tích đất tại huyện Cần Giờ thuộc Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cần được bảo vệ. Do đó, quỹ đất TP.HCM hướng đến chủ yếu là ở Tây Bắc. Tuy nhiên, chưa có nhà đầu tư nào lớn dám đầu tư mạnh tay ở khu vực Tây Bắc”, ông Quang nói.

Chờ sức bật từ hạ tầng

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, khu vực cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn sẽ khởi công hàng loạt dự án trong quý III. Đó là dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký theo tiêu chuẩn đường đô thị, đoạn từ đường Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu của huyện Hóc Môn.

Với hàng loạt hạ tầng sắp được đầu tư, TP.HCM hi vọng sẽ nâng bước cho Khu đô thị Tây Bắc phát triển mạnh mẽ trong tương lai

Dự án này sẽ giúp tăng cường năng lực giao thông, giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực đường Tô Ký và một phần đường Đặng Thúc Vịnh, ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đường phố, cải thiện môi trường lẫn mỹ quan khu vực và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.

Dự án sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 ở Hóc Môn cũng được thực hiện với mục tiêu kết nối và nâng cao năng lực giao thông từ trung tâm huyện Hóc Môn đến cầu Rạch Tra, giải quyết tình trạng ngập nước kết hợp chỉnh trang mỹ quan đô thị.

Trên Tỉnh lộ 9 có hàng chục cây cầu đã được xây mới nhưng nhiều đoạn đường chỉ rộng 5-6m, gây ách tắc giao thông. Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 9 được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Tổng chiều dài tuyến đường nâng cấp khoảng 5,76km, tốc độ thiết kế 60km/giờ.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết thêm, TP.HCM đang xúc tiến triển khai nhiều dự án đường hướng tâm như Quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, Tỉnh lộ 15… Còn hiện tại, nút giao thông An Sương đang được thi công ngày đêm để tháo gỡ nút thắt cho Khu đô thị Tây Bắc.

Công trình xây dựng nút giao thông An Sương là hầm chui đôi, gồm một hầm cho các loại xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh đi Quốc lộ 22 và 1 hầm lưu thông chiều ngược lại. Mỗi hầm rộng 9-9,5m có hai làn xe lưu thông với vận tốc 50km/giờ. Với tổng mức kinh phí đầu tư 514 tỉ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8/2018.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc TP.HCM đầu tư nhiều dự án hạ tầng để tháo gỡ nút thắt về giao thông sẽ góp phần thay đổi diện mạo Khu đô thị Tây Bắc. Quỹ đất để phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM ngày càng hạn hẹp và đắt đỏ. Trong khi đó, cửa ngõ Tây Bắc chưa được khác thác đúng tiềm năng do hạ tầng giao thông kém.

“Tuy nhiên, muốn phát triển khu vực Tây Bắc cần một quyết tâm rất lớn của TP.HCM. Đồng thời có một kế hoạch khoa học. Cần bốn trục hạ tầng để thúc đẩy cửa ngõ Tây Bắc phát triển là mở rộng Quốc lộ 22, metro cần kéo dài lên tới Củ Chi chứ không nên dừng lại ở Tham Lương, Đại lộ ven sông Sài Gòn của Chúa đảo Tuần Châu, phát triển đường thủy chạy dọc sông Sài Gòn”, ông Châu nói.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement