Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Khu công nghệ cao TP.HCM hút vốn FDI ngay từ đầu năm

Quy hoạch

06/02/2021 18:17

Dòng vốn FDI đang hướng mạnh vào các ngành, lĩnh vực kinh tế có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số…

Vốn chảy mạnh

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, mới đây, Ban đã trao giấy phép đầu tư cho 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đó là, dự án của Công ty Arevo (Hoa Kỳ), có mục tiêu hoạt động là xây dựng nhà máy sản xuất máy in 3D; sản xuất phần mềm (thiết kế, mô phỏng, điều khiển máy in); sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer dành cho in 3D; dịch vụ in 3D từ sợi carbon…, với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD.

Thứ hai là dự án thuê văn phòng của Công ty SNST&Finger Vina (Hàn Quốc), có mục tiêu hoạt động là thiết kế vi mạch điện tử tích hợp, tổng vốn đầu tư gần 1 triệu USD.

media-baodautu-vn_a-t6-cong-ty-geneworld_-shtp(1).jpg
Hoạt động của Công ty Geneworld tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: H.S

Điều đáng nói, theo đại diện SHTP, cả 2 doanh nghiệp FDI trên đều cam kết mạnh mẽ việc sớm đưa dự án vào hoạt động.

Cụ thể, Công ty Arevo cho biết sẽ hoàn thành giai đoạn I trong quý IV/2022 và đưa giai đoạn II vào hoạt động 100% trong năm 2025, với công suất hơn 4.000 đơn vị sản phẩm và doanh thu hơn 12 triệu USD/năm.

Trong khi đó, Công ty SNST&Finger Vina khẳng định sẽ nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động ngay trong quý I/2021.

Trước đó, ngay trong tháng đầu tiên của năm mới, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã cấp phép cho 2 dự án FDI, có quy mô vốn đầu tư khá lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đó là dự án của Công ty TNHH Platel Vina (Hàn Quốc), vốn đầu tư 30 triệu USD, có mục tiêu hoạt động sản xuất vỏ thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử từ nguyên liệu nhựa, công suất 400 tấn sản phẩm/năm.

Dự án tiếp theo là của Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD, có mục tiêu hoạt động là sản xuất các loại bao bì chất lượng cao, bao gồm công đoạn in ấn trên sản phẩm của doanh nghiệp, quy mô 78.000 tấn/năm.

Xu hướng dòng vốn

Theo ông Nguyễn Anh Thi, dù quỹ đất dành để thu hút đầu tư còn khá khiêm tốn, song SHTP vẫn đề ra mục tiêu không hề thấp trong năm nay, với việc thu hút 200 triệu USD vốn đầu tư, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt 25 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 700 triệu USD…

Đại diện của SHTP cho biết, trong năm nay, Ban sẽ tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, các dự án thuê nhà xưởng…

Dù quỹ đất dành để thu hút đầu tư còn khá khiêm tốn, song SHTP đề ra mục tiêu không hề thấp trong năm nay, với việc thu hút 200 triệu USD vốn đầu tư, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt 25 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 700 triệu USD….

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (SHTP)

“Chúng tôi sẽ tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ”, ông Thi nói về nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay. Cũng theo ông Thi, dự án này khi hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất cần thiết để thu hút các dự án công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao của các tập đoàn lớn, thương hiệu toàn cầu.

Trong khi đó, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, Tập đoàn TTI (Đức) có kế hoạch đầu tư một dự án nhà xưởng cao tầng có quy mô và vốn đầu tư lớn tại một khu công nghiệp trên địa bàn để cho các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng của tập đoàn này. Nhiều khả năng, dự án này sẽ được cấp phép trong thời gian ngắn tới đây.

Trước đó, Tập đoàn TTI đã được cấp phép đầu tư dự án với vốn đăng ký 650 triệu USD tại SHTP, có mục tiêu sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực điện tử.

Theo chia sẻ của đại diện của TTI, doanh nghiệp kỳ vọng tới năm 2022 sẽ thu hút khoảng 180-200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng, với mục tiêu doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ USD/năm, tỷ lệ cung ứng nội địa lên đến 80%.

Trong năm nay, Hepza đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp của TP.HCM, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ.

“Chúng tôi đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong khu công nghiệp, tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh tế có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số”, đại diện Hepza thông tin.

Hồng Sơn
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement