Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Không đủ năng lực, nhiều doanh nghiệp “treo” dự án hàng chục năm rồi sang tay kiếm lời

Nhiều chủ đầu tư xin đất làm dự án, nhưng hàng chục năm vẫn là bãi đất hoang. Cơ quan chức năng không thu hồi khiến cuộc sống người dân khốn khổ.

Treo dai dẳng

Dự án treo lâu nhất ở TP.HCM là khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Dự án được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, TP.HCM thu hồi quyết định. 

Sau đó, Tập đoàn Bitexco được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.

Theo quy hoạch mà Bitexco lập, khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới rộng tới 426ha, được quy hoạch đầy đủ các chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 - 50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận.

Dự án được Bitexco định hướng phát triển thành một khu đô thị sinh thái, có không gian sống hiện đại. Tuy nhiên, do dự án này có quy mô lớn và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên bị chậm triển khai.

Đến ngày 6/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chấp thuận chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án như đề nghị của UBND TP.HCM. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định và ban hành Quyết định 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 phê duyệt kết quả chỉ định Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco - Công ty Emaar Properties PJSC của (Dubai) là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Thế nhưng chỉ chưa đầy 1 năm sau, vào ngày 15/9/2016, Bitexco có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc phía đối tác Emaar Properties PJSC đề xuất các ưu đãi ngoài các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, yêu cầu xác định chính xác chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xin miễn giảm giá trị tiền sử dụng đất và các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thời hạn bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư.

Văn bản của Bitexco cũng khẳng định, nếu các điều kiện này chưa rõ thì Emaar Properties PJSC chưa tham gia đầu tư dự án. Trên cơ sở đề nghị không tiếp tục đầu tư dự án của Emaar, Bitexco và Emaar Properties PJSC đã ký thỏa thuận chấm dứt liên danh vào ngày 18/10/2016. Như vậy, sau 26 năm, TP.HCM phải chọn lại chủ đầu tư cho khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa treo 26 năm qua khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa treo 26 năm qua khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Tương tự, 10 năm trước, Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình và Đầu tư Địa ốc Hồng Quang xin đất làm dự án khu chung cư A22 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay dự án này vẫn chỉ là một đồng cỏ hoang. Khu chung cư A22 có diện tích 13.704m2, được Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cấp sổ đỏ để triển khai thực hiện từ năm 2008.

Tuy nhiên, sau khi được giao dự án Công ty Hồng Quang lại bán dự án cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương. Từ đó đến nay, Công ty Ngọc Đông Dương hầu như chỉ làm một việc duy nhất là giữ đất.

Sát bên khu chung cư A22, dự án khu chung cư The Adonis 2 (cũng do Công ty Hồng Quang làm chủ đầu tư,) là bãi đất hoang hoá sau 10 năm được giao đất. Ngoài ra, Công ty Hồng Quang còn làm chủ đầu tư dự án khu dân cư 13A ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh nhiều năm qua nhưng đến nay chỉ là bãi đất trống.  

Thậm chí, dự án khu dân cư Intresco ở huyện Bình Chánh do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà  Intresco thực hiện gần 15 năm qua nhưng vẫn chưa xong phần giải toả đền bù. Tương tự, dự án khu dân cư Phước Kiển huyện Nhà Bè của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai triển khai gần 12 năm cũng chưa xong khâu đền bù giải tỏa.

Công ty Hồng Quang lấy đất được giao đem bán cho doanh nghiệp khác thu lời sau 10 năm quy hoạch treo.
Công ty Hồng Quang lấy đất được giao đem bán cho doanh nghiệp khác thu lời sau 10 năm quy hoạch treo.

Hàng loạt dự án treo dai dẳng với số quy mô lên đến hàng ngàn hecta khiến cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khổ sở, có đất nhưng không được xây nhà, nhà hư không được sửa, điện, nước thiếu thốn...  

Lỗi do ai?

Trao đổi với chúng tôi về hàng loạt dự án treo ở TP.HCM, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng rõ ràng là năng lực tài chính của các chủ đầu tư nêu trên "có vấn đề", nhưng không hiểu sao các cơ quan có trách nhiệm của TP.HCM vẫn không xử lý quyết liệt. 

Điển hình như kiểu “đánh trống bỏ dùi” tại dự án khu dân cư Intresco. Trước việc dự án khu dân cư Intresco bị "ngâm" quá lâu, tháng 7/2016 UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý khu Nam kiểm tra, báo cáo vụ việc.

Lúc đó, Công ty Intresco lại gửi văn bản cho Ban Quản lý khu Nam, cam kết đủ năng lực tài chính thực hiện dự án. Sau đó, UBND TP.HCM gửi công văn giao Ban Quản lý khu Nam phối hợp một số cơ quan xử lý vụ việc, nếu chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện thì có biện pháp hỗ trợ.

Đến tháng 3/2017, UBND TP.HCM tiếp tục gửi văn bản đến Ban Quản lý khu Nam và các đơn vị liên quan, đề nghị khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường dự án, hạn chót là trong tháng 12/2017. Thế nhưng đến nay, Công ty Intresco vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Hồi tháng 7/2018, Công ty Intresco tiếp tục gửi văn bản cho UBND TP.HCM xin gia hạn thời gian giải toả dự án đến năm 2020.

Trên thực tế, tiến độ bồi thường dự án này chậm vì Công ty Intresco chỉ hứa chứ không thực hiện. Cụ thể, từ tháng 7/2016, Intresco đã tạm ngưng việc thương lượng trực tiếp với các hộ dân về giá bồi thường.

Với dự án khu chung cư A22, năm 2013, khi UBND TP.HCM yêu cầu kiểm tra, xử lý việc dự án sau 5 năm vẫn chưa triển khai xây dựng, Công ty Ngọc Đông Dương liền gửi văn bản hứa đến tháng 12/2013 khởi công.

Thế nhưng đến hẹn, Công ty Ngọc Đông Dương vẫn không thực hiện và thừa nhận khó khăn về tài chính. Công ty cam kết đến tháng Tám năm nay sẽ lập thủ tục thực hiện dự án, nhưng hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy dự án tái khởi động. 

Bị quy hoạch treo 12 năm, cuộc sống của người dân khu dân cư Phước Kiển khốn khổ vì phải mua điện, nước với giá cao ngất ngưởng.
Bị quy hoạch treo 12 năm, cuộc sống của người dân khu dân cư Phước Kiển khốn khổ vì phải mua điện, nước với giá cao ngất ngưởng.

Còn tại dự án khu dân cư Phước Kiển, Công ty Quốc Cường Gia Lai dù thực hiện ì ạch cả chục năm trời, vẫn nhiều lần xin UBND TP.HCM gia hạn, hứa hết lần này đến lần khác. Điều đáng nói, các cơ quan chức năng vẫn không quyết liệt thu hồi dự án. Trong khi đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai đang rao bán dự án này cho đối tác khác.

Tại khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, bà Võ Thị Phương Uyên, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh, cho biết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.

Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Tuy nhiên, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã treo 26 năm qua, về tay Tập đoàn Bitexco hơn 10 năm nhưng vẫn nằm trên giấy.

Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo điều 64 của Luật Đất đai, đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án, thì chủ đầu tư được gia hạn thêm 24 tháng nhưng phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian chậm tiến độ thực hiện.

“Nếu hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất”, ông Quyền nói.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement