07/10/2020 00:46
Không còn 'thuyền trưởng' Nguyễn Bá Dương, Coteccons sẽ đi về đâu?
Kinh doanh vốn èo ọt từ trước, nay ghế lãnh đạo đổi chủ, tương lai của Coteccons sẽ ra sao đang là điều các cổ đông lo lắng.
Giữ vị trí chủ chốt ở Coteccons tận 17 năm, chắc chắn việc ra đi của ông Nguyễn Bá Dương ít nhiều để lại “công trình dang dở” cho nhà thầu số 1 Việt Nam. Câu hỏi các nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này là: “Hạm đội” Coteccons sẽ về đâu khi mất đi vị “thuyền trưởng” kỳ cựu?
Biên lợi nhuận rút ngắn, dòng tiền "ngồi không" vì mâu thuẫn nội bộ
Nhìn lại lịch sử kinh doanh của Coteccons, dễ thấy nhà thầu số 1 Việt Nam bắt đầu “đổ đèo” chỉ sau một năm kể từ lúc đỉnh cao sự nghiệp, tức có dấu hiệu đi lùi trong khoảng từ năm 2017.
Năm 2016, lần đầu tiên Coteccons ghi nhận doanh thu hàng tỷ USD, đạt 20.782 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm đó cũng tăng gấp đôi so với năm 2015, lên mức 1.422 tỷ đồng. Lúc bấy giờ, biên lợi nhuận gộp của Coteccons đạt con số mà nhiều doanh nghiệp xây dựng khao khát, ở mức 8,66%.
Cũng trong năm đó, hàng tồn kho từ chi phí các công trình xây dựng dang dở của Coteccons ở mức 1.240 tỷ đồng với 10 công trình đang thực hiện. Thế mà khi bước sang năm 2017, hàng tồn kho bất ngờ tăng lên 51% dẫu theo ghi nhận trong báo cáo tài chính, số dự án đang xây dựng dở dang sụt phân nửa so với năm trước đó.
Cũng trong năm 2017, dù doanh thu và lãi ròng lần lượt tăng 31% và 16% nhưng Coteccons bắt đầu lộ diện thêm nhiều vấn đề tài chính. Đáng nói, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này tuột 1,41% về mức 7,42%.
Kể từ đó, biên lợi nhuận gộp của Coteccons liên tục đi lùi. Năm 2018, con số này giảm thêm 1%. Năm 2019, biên lợi nhuận gộp giảm kỷ lục 2,01%.
Năm 2019, ngoài gặp tình trạng khó chung của thị trường bất động sản, Coteccons còn có lý do nội tại khiến biên lợi nhuận rút ngắn. Ông Nguyễn Sỹ Công thừa nhận trong ĐHCĐ năm 2020, Coteccons có gần 30 công trình đang thi công phải tạm ngưng trong năm 2019. Ngoài ra, trong bản giải trình, HĐQT cho biết, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu và việc trả chậm từ chủ đầu tư hay khách hàng cũng khiến Coteccons bị ảnh hưởng lớn.
Dường như uy tín và cung cách làm việc của Coteccons có phần thay đổi. Trước đây, ông Nguyễn Bá Dương luôn xác định, chỉ khi thu đủ các khoản phải thu thì Coteccons mới tiếp tục thực hiện thi công. Do đó, tình trạng dòng tiền chảy về chậm liệu chăng đang chứng tỏ uy tín của Coteccons không còn quá sáng giá trong mắt các chủ đầu tư?
Một lý do khiến Coteccons trở nên ì ạch những năm qua là do nguồn tiền bị động quá lớn. Không hề có vay nợ từ năm 2016 đến nay, vốn chủ sở hữu của Coteccons tăng liên tục từ 6.233 tỷ đồng lên 8.592 tỷ đồng vào cuối quý I/2020, phần nhiều là nhờ phát hành cổ phiếu.
Vấn đề là lượng tiền lớn trên dường như đang “ngồi không” để chờ quyết định về định hướng kinh doanh của ban lãnh đạo đưa ra. Việc sở hữu lượng tiền lớn là vấn đề đau đầu với ban giám đốc bởi Coteccons phải chịu những chi phí cơ hội khi chưa tìm kiếm được cơ hội đầu tư, đồng thời phản tác dụng đối với quản trị về tài chính.
“Công trình dang dở” Coteccons Group
Ông Nguyễn Bá Dương rời đi cũng là lúc hệ sinh thái Coteccons Group trở thành “công trình dang dở”.
Coteccons Group bao gồm Coteccons và các công ty có quan hệ mật thiết như Unicons, Ricons, FDC (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART,… Tuy nhiên, thực chất quan hệ cổ đông giữa Coteccons và các công ty trên hoàn toàn không có. Trừ Ricons và Unicons, Coteccons không sở hữu bất kỳ cổ phần nào trong các công ty còn lại.
Thành viên đầu tiên “đánh tiếng” cho cuộc đỗ vỡ trên là Ricons, nguồn cơn của mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm cổ đông ngoại Kusto - The8th và HĐQT Coteccons. Trong báo cáo thường niên năm 2019, Ricons chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu, thay thế cụm từ "Coteccons Group" bằng "Since 2004”.
Ricons đổi logo, tự mình đứng tên trên bảng thông tin tổng thầu xây dựng của các công trình lớn. Ảnh: Ricons Group |
Ricons cũng có một loạt động thái để thay đổi nhận diện thương hiệu và quyết tâm phát triển hệ sinh thái Ricons Group với các thương hiệu Ricons, Riland, Rihomes, Risa, Rilex, Ricommerce, Quihub và Fritech. Đây là mô hình có nhiều nét tương đồng với Coteccons Group từng được ông Dương ấp ủ trước đây. Mới đây, công ty này chính thức đổi tên thành Tập đoàn Đầu tư xây dựng Ricons.
Trong báo cáo tài chính quý II/2020, Coteccons vẫn giữ hơn 272 tỷ đồng ứng với tỷ lệ sở hữu 14,3% tại Ricons nhưng khoản đầu tư này của Coteccons được trình bày là khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, thay vì đầu tư vào công ty liên kết như trước đây, kể cả kỳ báo cáo tài chính quý I/2020. Phía Coteccons cũng xác nhận từ cuối năm 2019 đến nay đã không còn ký hợp đồngthầu với Ricons.
Newtecons cũng vừa tách khỏi Coteccons. Đầu năm 2019, từ Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Địa ốc F.D.C, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons. Mới đây, Newtecons cũng đã dời trụ sở từ Tòa nhà Coteccons Group về địa điểm mới.
Hoạt động của Newtecons gần đây không còn "mượn" thêm logo của Coteccons. Ảnh: Tất Đạt |
Hiện tại, Tổng giám đốc Newtecons là ông Trần Kim Long, người từng gắn bó với Coteccons hơn 10 năm qua nhiều vị trí chủ chốt. Tháng 6/2018, ông Long rời Coteccons và ngay lập tức được bổ nhiệm vào vị trí cầm trịch Newtecons. Trong đội ngũ giám đốc điều hành của Newtecons, nhiều cái tên cũng xuất thân từ Coteccons, có thể kể đến như Tổng giám đốc Trần Kim Long, Giám đốc điều hành Hoàng Phương Lâm, Giám đốc dự án Phạm Văn Long, Nguyễn Phan Anh Tuấn,…
Ông Dương rời đi, uy tín Coteccons còn không?
Cổ phiếu CTD của Coteccons đỏ sắc liên tục từ đầu phiên hôm qua. Đây là biểu hiện rõ nhất của tâm lý thị trường. Hiện tại, nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về tương lai của Coteccons.
Trong thư chia tay gửi nhân viên, ông Nguyễn Bá Dương cho rằng, con người chính là tài sản quý giá nhất. “Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao mà hiếm có đơn vị xây dựng nào trong nước có thể so sánh được”, ông nhấn mạnh.
Trước đó, trong những lần tiếp xúc báo chí hiếm hoi của mình, bản thân ông luôn thừa nhận: “Sức mạnh lớn nhất đưa Coteccons đi xa là con người và uy tín”. Ông cũng từng trải lòng trên mặt báo về lo lắng tìm người kế vị mình, rằng người này “có đủ uy tín để đi lấy việc về làm”. Đây chắc hẳn cũng là mối bận tâm hiện hữu trong lòng cổ đông Coteccons.
Ông Nguyễn Bá Dương rời đi, kéo theo một loạt cán bộ cấp cao của Coteccons. Ảnh: Coteccons Group |
Nhìn lại con đường gần hai thập kỷ của Coteccons, không khó nhận thấy dấu ấn cá nhân của ông Nguyễn Bá Dương đã mang đến vị thế vững vàng cho doanh nghiệp này. Chưa kể, trong ngành xây dựng, uy tín của những người đứng đầu có ý nghĩa rất lớn tới thành bại của một nhà thầu, tới việc đặt bút ký hợp đồng xây dựng.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Bá Dương không ngần ngại tiết lộ, không ít lần “người ta giao việc cho tôi chứ không phải bất kỳ công ty nào”. Năm 2002, khi rời Công ty Descon với “bàn tay trắng”, ông Dương vẫn có được “tài sản vô giá” là 2/3 nhân sự đi theo. Để rồi đối tác vẫn giao việc cho một đứa tân binh như Coteccons vì uy tín của vị kiến trúc sư đã có 12 năm tuổi nghề.
Thị trường cũng không ít lời đồn thổi rằng, việc có được công trình tên tuổi như Landmark 81, vốn cũng thành hình sau cuộc điện thoại bất ngờ từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho “thuyền trưởng” Coteccons.
Thời gian qua, hai tên tuổi Ricons và Newtecons liên tục trúng thầu nhiều dự án lớn. Ricons liên tiếp trúng thầu với tổng giá trị hợp đồng lên đến gần 4.000 tỷ đồng, gồm Tổ hợp nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy (Phú Thọ), Khu căn hộ cao cấp Diamond Brilliant - Celadon City (TP.HCM) và Nhà xưởng công nghiệp BW (Bình Dương).
Thời gian gần đây, nhà thầu này cũng đã bàn giao Verosa Park Khang Điền (quận 9, TP.HCM) và hoàn thành giai đoạn 1 The Grand Manhattan của Novaland (quận 1, TP.HCM).
Từ đầu năm 2020 đến nay, Newteccons đảm đương vai trò tổng thầu thi công hàng loạt các dự án tầm cỡ như tòa nhà Cadivi Tower, Trường phổ thông quốc tế Gateway Starlake, dự án Kyocera Hải Phòng, dự án nhà máy Mappletree Logicstic Bắc Ninh. Công ty này còn trúng thầu Tòa nhà hỗn hợp GP Tower tại cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội.
Mới nhất, Newtecons được kê bảng làm nhà thầu chính cho khu căn hộ Masterise Home thuộc Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son của Tập đoàn Masterise. Đây được xem là dự án “bom tấn” của quận 1 với vị trí đắc địa và giá bán chất ngất 8.000 - 12.000 USD/m2.
Cuối tháng 7 vừa rồi, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã loại mã CTD của Coteccons khỏi rổ cổ phiếu VN30. VNDirect cho rằng, giá cổ phiếu CTD đã giảm 32% kể từ tháng 6 năm ngoái chủ yếu là do vấn đề xung đột lợi ích trong HĐQT và mảng xây dựng ngày càng đuối sức. Vì thế, vốn hóa thị trường trung bình một năm của cổ phiếu đã giảm xuống còn khoảng 5.700 tỷ đồng, không còn nằm trong danh sách lọc rổ. Trên thị trường chứng khoán, ngay sau quyết định từ nhiệm của ông Dương, thị giá mã CTD bắt đầu lao dốc mạnh kể từ phiên ngày 5/10 với mức giảm 2,5%. Bước sang nửa cuối phiên giao dịch chiều 6/10, mã CTD tiếp tục đỏ sắc với thị giá 64.500 đồng/cổ phiếu. Trong phiên buổi sáng, có thời giảm cổ phiếu Coteccons bị đẩy về sát mức sàn trước khi đà giảm được thu hẹp còn 2,5% lúc 10h44, khớp lệnh tại thởi điểm này đạt hơn 1,5 triệu đơn vị. Như vậy, đến thời điểm này, chỉ sau 2 ngày quyết định từ nhiệm được công bố, cổ phiếu CTD đã mất gần 5% thị giá, vốn hoá thị trường giảm từ 5.171 tỷ đồng về mức 4.978 tỷ đồng, tương đương mất gần 200 tỷ đồng. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp