Chính cơn sốt giá nhà đất đang thổi bùng lên những nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, buộc các chính phủ phải can thiệt nhằm ngăn chặn thị trường tăng quá nóng. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các nhà hoạch định chính sách cũng đã lo lắng về việc giá bất động sản tăng cao.
COVID-19 không khiến tình trạng này suy giảm, mà các gói kích thích đi cùng với lãi suất thấp còn làm nó bùng nổ hơn nữa.
Những cơn sốt tài sản đẩy các nhà làm luật rơi vào thế khó. Lãi suất thấp để khôi phục kinh tế sau đại dịch lại trở nên mâu thuẫn với nguy cơ nhiều người sẽ mắc nợ hơn do vay tiền mua nhà trong cơn sốt, những tài sản mà người ta nghĩ sau này sẽ giảm giá.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đang nỗ lực hạ cơn sốt trên thị trường nhà đất. New Zealand cũng đang thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay mua này. Australia cũng đang trong cơn sốt, khi các ngân hàng quá tải trước những yêu cầu vay vốn.
Những người làm môi giới bất động sản cũng đang làm không hết việc. Theo WSJ, trong 37 quốc gia giàu có thuộc OECD, giá nhà đã chạm kỷ lục ở ¾ số nước trong năm 2020.
Việc giá nhà tăng quá cao khiến nhiều gia đình không đủ khả năng chi trả, có thể gây mất cân bằng kinh tế, làm trầm trọng thêm những hậu quả của đại dịch Covid-19. Nó cũng dẫn tới một thực tế rằng nhiều người trẻ hoãn lập gia đình và sinh con vì cơn sốt tài sản này.
Trong khi đó, tâm lý bao trùm ở một số nhà đầu tư là tiền quá rẻ, “thật dại dột nếu không đi vay”. Mọi khoản đầu tư trong thời gian qua đều cho hiệu suất sinh lời cao, càng kích thích sự “thèm khát” với những món tiền rẻ.
Tuy nhiên, hiểm họa có thể rình rập phía sau đó khi những dấu hiệu tương tự như vụ vỡ bong bóng địa ốc toàn cầu năm 2008 đang xuất hiện.