05/09/2019 18:01
Không chỉ gây đau lưng, ngồi lâu còn gây ra nhiều tác hại khủng khiếp
Ngồi lâu gây đau lưng, ngăn cản việc đốt cháy calo, làm chậm quá trình trao đổi chất, tăng tăng nguy cơ ung thư, tiểu đường, rối loạn tim mạch.
Ngồi liên tục trong nhiều giờ sẽ tạo ra những thay đổi trong não bộ, điều này ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, trí nhớ kém, mất tập trung. Việc ngồi một chỗ quá lâu có thể làm MTL mỏng đi, thùy thái dương trung gian có liên quan đến việc hình thành những ký ức mới.
MTL mỏng có thể là tiền thân của suy giảm nhận thức và mất trí nhớ ở người trung niên và người cao tuổi. Cũng theo các nhà nghiên cứu từ Đại học California - Los Angeles, ngồi quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và tử vong sớm. Các hoạt động thể chất, thậm chí ở cường độ cao, cũng không đủ để bù đắp các tác động có hại của việc ngồi trong thời gian dài.
Một nghiên cứu mới từ Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia cho biết, việc vận động, đi lại kết hợp với các hoạt động thể chất sẽ giảm đến 35% nguy cơ tử vong sớm. Các phát hiện khác, được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ cũng nêu bật tầm quan trọng của chuyển động, bất kể cường độ hay lượng thời gian dành cho việc di chuyển, giúp cải thiện sức khỏe tốt hơn.
Ngồi nhiều là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sức khỏe
Theo một nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, ngồi khoảng 12 giờ trở lên mỗi ngày, đặc biệt nếu ngồi một chỗ liên tục trong khoảng 60 đến 90 phút, sẽ làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Điều này đúng ngay cả đối với những người tập thể dục.
Biên niên sử về Nội khoa cho thấy, những người trưởng thành ngồi một đến hai giờ liên tục mà không di chuyển có tỷ lệ tử vong cao hơn so với những người trưởng thành tích lũy cùng khoảng thời gian tĩnh tại nhưng chia ra nhỏ thời gian tĩnh tại.
Một vài vấn đề sức khỏe thường gặp khi ngồi liên tục trong thời gian dài, bao gồm:
Tích tụ mỡ
Khi ngồi, bạn đốt cháy ít calo hơn so với khi bạn đứng hoặc di chuyển. Điều này làm tăng khả năng tích tụ mỡ, béo phì, khiến bạn có nguy cơ mắc các chứng rối loạn sức khỏe khác nhau. Do đó, bạn nên đứng dậy di chuyển đứng lên tại chỗ chốc lát cứ sau mỗi 30 phút ngồi làm việc.
Đau lưng, đau hông
Theo Viện viêm khớp và các bệnh về cơ xương và da, đau lưng là vấn đề sức khỏe rất phổ biến hiện nay. Ngồi liên tục có thể gây áp lực không đáng có trên lưng. Nếu ngồi không đúng cách, nó sẽ gây áp lực quá mức lên các khớp, cơ và đĩa đệm. Điều này gây ra đau dữ dội và có thể dẫn đến thoái hóa sớm của sụn và xương. Ngồi cũng làm cho cơ bắp uốn cong và phần hông của bạn ngắn lại, tác động xấu đến khớp hông.
Nguy cơ mắc ung thư
Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ ung thư vú, đại tràng, phổi, tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng. Nó cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Theo các chuyên gia, điều này có thể là do sự hiện diện của protein phản ứng C (CRP) ở những người ngồi liên tục trong thời gian dài cao hơn nhiều lần so với bình thường.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, đối với những người trưởng thành, dù chỉ dành một khoảng thời gian “khiêm tốn” trong tổng thời gian ngồi/ ngày với các hoạt động thể chất nhẹ nhàng cũng giúp giảm nguy cơ tử vong sớm do ung thư lên đến 50%.
Bệnh động mạch vành (xơ vữa động mạch)
Nếu bạn ngồi quá lâu, bạn sẽ tăng 34% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là tình trạng suy tim. Theo một nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Arnold của Đại học Nam Carolina, những người đàn ông ngồi hơn 23 giờ một tuần có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 64% so với những người ngồi dưới 11 giờ mỗi tuần.
Tiểu đường
Khi bạn hoạt động càng nhiều, lượng chất béo trung tính trong cơ thể sẽ càng lý tưởng, khi lượng chất béo trung tính này càng cao, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng lớn. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Leicester nói rằng ngồi trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và tử vong. Nghiên cứu này là sự kết hợp các kết quả của 18 nghiên cứu trước đó và có tổng cộng 794.577 người tham gia.
Suy giãn tĩnh mạch chân
Mặc dù đây không phải là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể hình thành các cục máu đông, ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể. Khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân, nó có thể bị vỡ, di chuyển và cắt đứt lưu lượng máu truyền đến các cơ quan khác, bao gồm cả phổi, gây tắc nghẽn mạch phổi, nghiêm trọng hơn có thể đe dọa đến tính mạng.
Theo thehealthside.com
Advertisement
Advertisement