23/09/2020 09:38
Không chấp nhận các loại tiền ảo tại Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 9 tháng năm 2020 ngày 22/9, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước hiện không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ, cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Thời gian qua, vẫn có doanh nghiệp thực hiện huy động vốn bằng tiền ảo. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ, cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ảnh: TL |
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2017, Thủ tướng đã có quyết định giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý trong vấn đề tiền ảo, tiền mã hóa. Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án, trình Chính phủ. Chính phủ giao Bộ Tài chính làm đầu mối nghiên cứu và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.
Ngân hàng Nhà nước đồng thời cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó có bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không gồm Bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không hợp pháp như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự.
Trước đó, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cũng phát hành thông báo khẳng định việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Dù nguồn vốn và thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ cho nền kinh tế, nhưng tác động của dịch COVID-19 khiến số lượng khách hàng có nhu vay vẫn rất ít. Ảnh: TP |
Liên quan đến hoạt động tín dụng 9 tháng đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin, bám sát diễn biến dịch COVID-19, cơ quan quản lý tiền tệ đã kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.
Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ vẫn được các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt; nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm được đáp ứng kịp thời. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dịch COVID-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Với riêng ngân hàng, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp. Mặc dù ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước cũng nới room cho tất cả các ngân hàng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng, song số lượng khách hàng có nhu vay vẫn rất ít.
“Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020, tín dụng tăng 4,81%”, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thêm.
Đề cập thêm về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng vào đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, nhưng tác động của đại dịch COVID-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc điều chỉnh đối với từng tổ chức tín dụng.
Cũng theo Phó Thống đốc, đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát để đảm bảo tín dụng không lâm vào rủi ro và hạn chế thấp nhất gia tăng của nợ xấu.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế, căn cứ vào đó và sức khoẻ của hệ thống ngân hàng, mức độ thanh khoản của hệ thống ở những thời điểm khác nhau, để quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất nếu cần thiết, hỗ trợ nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống", Phó Thống đốc khẳng định.
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thông tin ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn. Dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay, miễn, giảm các phí dịch vụ thanh toán, phí chuyển tiền... thống kê đến 14/9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng.
Có 485 nghìn khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn 0,5 - 2,5% so với trước dịch) đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Đặc biệt, người lao động ngành ngân hàng đã quyên góp, ủng hộ đến 800 tỷ đồng để triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên toàn quốc, trong đó khoảng 300 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống COVID- 19.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp