Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Khơi thông vốn cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp

07/05/2019 09:04

Để doanh nghiệp huy động vốn từ thị trường chứng khoán, cần một số thay đổi về văn hóa, tư duy và luật pháp.

Thị trường vốn mất cân đối

Ông Nguyễn Trung Thực, đại diện Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức chia sẻ, kinh tế hộ gia đình có những dự án kinh doanh rất tốt, trong khi khó có thể minh bạch thông tin đáp ứng nhu cầu của ngân hàng. “Giải pháp nào giúp doanh nghiệp chúng tôi có tiếp cận vốn thuận lợi hơn?”, vị này bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều chính sách quan tâm đến doanh nghiệp và ngành ngân hàng chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, bên cạnh cơ chế chính sách, bản thân doanh nghiệp cũng cần công khai thông tin, minh mạch để tăng độ uy tín.

Tại phiên họp chuyên đề: “Khơi thông tín dụng trung - dài hạn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam”, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 50,6% tổng dư nợ tín dụng. Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Nguyên nhân là phía doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch kinh doanh dài hạn, chưa quen sử dụng vốn dài hạn và xây dựng các kế hoạch dài hơi. Doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, thị trường thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tính thanh khoản của trái phiếu chưa cao, chưa có các tổ chức xếp hạng tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư...

Doanh nghiệp nhỏ rất cần vốn đầu tư, song hiện chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Ảnh: Chí Cường
Doanh nghiệp nhỏ rất cần vốn đầu tư, song hiện chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Ảnh: Chí Cường

Ở góc độ một quỹ đầu tư, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của VinaCapital nhìn nhận, việc Nhà nước giảm tăng trưởng tín dụng chủ yếu do lạm phát và liên quan đến việc quản lý, ổn định nền kinh tế, chứ không phải là hạn chế dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Ngoài kênh tín dụng, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ kênh trái phiếu qua thị trường chứng khoán.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn tốt cho nền kinh tế, đặc biệt với doanh nghiệp tư nhân. Sự thay đổi của thị trường chứng khoán là tích cực. Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhận định, việc hình thành kênh trái phiếu cho doanh nghiệp là mục tiêu xa vời, bởi để có thể phát hành trái phiếu thành công, doanh nghiệp thường phải có quy mô lớn, có năng lực tài chính, có uy tín trên thị trường và phải chứng minh được dòng tiền trả nợ, do đó số lượng doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu không nhiều.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tính đến quý III/2018, Việt Nam có 41 tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ không đáng kể so với 561.064 doanh nghiệp đang hoạt động (số liệu 31/12/2017) và 1.692 doanh nghiệp đang niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Đây là một lý do khiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện còn quá nhỏ bé so với kênh tín dụng ngân hàng.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện khuôn khổ pháp lý về định mức tín nhiệm đã có, nhưng doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được nhu cầu. Khái niệm này hiện chỉ giới hạn trong các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tại một số nước phát triển, chỉ số tín nhiệm là ưu tiên của nhà đầu tư hoặc là điều kiện để các công ty niêm yết trên thị trường.

Đẩy mạnh huy động vốn từ thị trường chứng khoán

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của VinaCapital cho rằng, cần phát triển một số sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán để giúp cân đối, chuyển một phần vốn tín dụng qua chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Để huy động vốn từ thị trường chứng khoán, doanh nghiệp tư nhân phải đáp ứng tiêu chí doanh thu hoặc tài sản. Đồng thời, cần một số thay đổi về văn hóa, tư duy và luật, cũng như huấn luyện cho nhà đầu tư tham gia thị trường. Việc này sẽ giúp mọi người biết sản phẩm mới có điểm nào hấp dẫn và tại sao nên đầu tư. Bên cạnh đó, theo ông Andy Ho, cần phải thông tin về chế độ ưu đãi, lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia.

Hiện thanh khoản trên trên thị trường ngân hàng Việt Nam rất cao, cần phải hướng người dân và doanh nghiệp, đầu tư vào thị trường chứng khoán, trái phiếu hoặc quỹ bất động sản nhiều hơn.

“Người dân Việt Nam còn rất nhiều tiền, vì thế cần phải huấn luyện họ đầu tư vào các sản phẩm”, ông Andy Ho nói.

Ở giải pháp chính sách, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xây dựng cổng thông tin để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Bộ cũng đệ trình Luật Chứng khoán sửa đổi để tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh.

VŨ ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement