10/01/2022 07:26
Khởi động 'mùa săn' bất động sản nghỉ dưỡng
Với việc tăng tốc phủ sóng mũi 3 vắc-xin Covid-19 cũng như sự thích ứng an toàn với dịch bệnh, hoạt động du lịch đang dần khởi sắc, kích hoạt làn sóng đi săn các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng vốn có mức chiết khấu giá khá cao trong mùa dịch.
Du lịch khởi sắc sớm
Sau gần 2 tháng đề xuất, TP.HCM và Bình Định là 2 địa phương tiếp theo chính thức được Chính phủ đồng ý được triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế trở lại, sau Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Trước đó, số liệu của nhiều đơn vị du lịch lữ hành như TSTtourist, Viettravel Saigontourist… cho thấy, nhiều người đã chọn tour khám phá nội đô TP.HCM trong đợt Tết Nguyên đán 2021, điều hiếm khi diễn ra ở những năm trước, khi mà điểm đến thường là Phú Quốc, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Điện Biên…
Tuy chưa thể rầm rộ như trước dịch, đồng thời xu hướng du khách đợt này chủ yếu đi theo nhóm nhỏ, không đặt trọn gói combo các tour du lịch, hạn chế tham quan hoặc tập trung ở các điểm vui chơi đông đúc, nhưng theo đại diện nhiều đơn vị lữ hành, diễn biến này là điều bình thường khi dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí chưa được mở trở lại.
“Một điểm dễ thấy, việc đa phần các điểm du lịch, khu vui chơi - giải trí hầu như không tăng giá và chú trọng hơn đến chất lượng dịch vụ đã tạo tâm lý thoải mái đối với du khách. Đây là dấu hiệu khả quan cho sự phục hồi ngành du lịch, để từ đó các đơn vị lữ hành đưa ra các sản phẩm sáng tạo và chất lượng trong dịp Tết Nguyên đán 2022”, đại diện một đơn vị lữ hành chia sẻ.
Ở khu vực phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những điểm “nóng” nhất trong kỳ nghỉ đầu năm 2022, với lượng khách đông đảo từ TP.HCM và các địa phương lân cận. Theo thông tin từ Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022 vừa qua, tổng lượt khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 88.700 lượt, trong đó TP. Vũng Tàu đón 61.000 lượt khách, huyện Xuyên Mộc hơn 10.500 lượt khách, huyện Côn Đảo khoảng 2.220 lượt khách...
Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng thu hút lượng lớn khách từ TP.HCM với hơn 55.600 lượt, trong đó có 650 khách quốc tế, khách lưu trú trong nước ước đạt 46.400 lượt.
Thành phố biển đảo Phú Quốc đón hơn 26.250 lượt khách trong kỳ nghỉ này, trong đó có 276 khách du lịch quốc tế theo chương trình “hộ chiếu vắc-xin”.
Theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, nhiều cơ sở lưu trú đã kín phòng, du khách chủ yếu ở khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao và có xu hướng đi nhóm nhỏ và tự đặt phòng, thay vì qua công ty du lịch.
Đáng chú ý, lượng du khách đến Khánh Hòa trong dịp Tết Dương lịch 2022 đạt hơn 37.500 lượt (trong đó có 1.650 khách quốc tế), tăng mạnh so với con số 20.050 lượt cùng thời điểm năm trước.
Khác với phía Nam và khu vực Trung Trung Bộ, lượng du khách tới khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong dịp đầu nghỉ lễ đầu năm 2022 khá thấp, nhưng một số địa vẫn phương thu hút được lượng lớn khách tham quan như Hà Nội với khoảng 60.000 lượt, Lào Cai khoảng 30.200 lượt…
Những dự án nghỉ dưỡng đáp ứng được các yêu cầu về staycation, resort chăm sóc sức khỏe… sẽ được ưu tiên hơn cả. Ảnh: Dũng Minh |
Bất động sản nghỉ dưỡng chờ “bung lụa”
Theo Tổng cục Du lịch, ngay trong giai đoạn ngắn thí điểm đầu tiên, đã có cả ngàn du khách quốc tế đến với Việt Nam và hầu hết đều có phản hồi tích cực về chính sách mở cửa trở lại của Việt Nam, hài lòng với dịch vụ, sản phẩm được trải nghiệm.
“Việc Việt Nam mở lại đường bay thương mại quốc tế sẽ là sự cộng hưởng tích cực để ngành du lịch và hàng không phục hồi”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói và cho biết thêm, trong tháng 1/2022, Việt Nam bước sang giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách quốc tế, tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á, sau đó hướng tới châu Âu, trước mắt là Nga. Trong giai đoạn này, các chuyến bay đón khách sẽ mở rộng quy mô, các địa phương như TP.HCM, Bình Định… đã có đề xuất tham gia.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels đánh giá, chuẩn bị lộ trình để tái mở cửa biên giới là điều cần thiết để Việt Nam sớm nắm lấy cơ hội khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế. Theo ông Mauro Gasparotti, số lượng du khách được đề xuất trong giai đoạn đầu tuy chỉ chiếm phần nhỏ so với nguồn cung phòng, nhưng là tín hiệu cho thấy ngành du lịch đang dần khởi sắc, qua đó tác động tích cực tới một mảng thị trường liên quan khác, đó là bất động sản nghỉ dưỡng.
Trên thực tế, Covid-19 tác động tiêu cực tới hoạt động du lịch, nhưng cũng tạo điều kiện cơ cấu lại các sản phẩm nghỉ dưỡng theo hướng ưu tiên những sản phẩm nằm trong những tổ hợp quy mô lớn đa tiện ích, hiện đại, do chủ đầu tư có năng lực, uy tín phát triển…
Theo ghi nhận của phóng viên, các sản phẩm nghỉ dưỡng của Novaland, Tập đoàn FLC, Vingroup, Sun Group, Hưng Thịnh… vẫn được nhà đầu tư săn đón thời gian qua. Trong đó, những dự án đáp ứng được các yêu cầu về staycation (du lịch tại chỗ), resort chăm sóc sức khỏe, khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B (ẩm thực) và vui chơi giải trí độc đáo… sẽ được ưu tiên hơn cả.
“Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là kênh đầu tư hút tiền trong thời gian tới, khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn, vấn đề là nhà đầu tư có nhận ra và đón đầu được xu hướng hay không. Thực tế, không ít nhà đầu tư nhanh nhạy đã sớm ‘vào hàng’ bởi phán đoán được thời điểm bất động sản nghỉ dưỡng bứt tốc”, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch HĐQT Vingroup đánh giá, việc từng bước mở lại du lịch trong nước là tín hiệu đáng mừng với ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng như Vingroup và Tập đoàn đã sẵn sàng chào đón cả du khách quốc tế và nội địa.
“Vingroup có nhiều cơ sở du lịch lớn, đã khánh thành trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Trong đó, 3 cơ sở ở Nam Hội An, Phú Quốc, Nha Trang sẵn sàng phục vụ tất cả các dịch vụ khép kín nội khu cho du khách như đánh golf, ăn uống, tắm biển, vui chơi, giải trí…”, ông Hiệp nói và cho biết thêm, đây sẽ là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới khi chúng ta sống chung với dịch.
Còn ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, điểm nổi bật của du lịch Việt Nam giai đoạn sắp tới là sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch. Theo đó, ngành du lịch rất cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch quy mô lớn, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là đòn bẩy tăng trưởng du lịch địa phương cũng như cả nước thời gian tới.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà phát triển tư nhân, để du lịch thực sự bứt tốc trong “bối cảnh mới”, cần thêm sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết những vướng mắc pháp lý đối với những sản phẩm đầu tư bất động sản du lịch kiểu mới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp