15/03/2021 13:40
Khởi động các đại dự án mới, thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ sớm sôi động
Đã hết tháng đầu năm Tân Sửu, mặc dù hoạt động giao dịch chưa khởi động nhiều, song với các động thái mới từ chính sách phát triển hạ tầng và sự chuẩn bị khởi động của nhiều dự án lớn, hứa hẹn thị trường bất động sản sớm trở nên sôi động.
Lên rừng, xuống biển
Sau một số đại dự án nghỉ dưỡng ở các vùng biển Nam Trung Bộ, nguồn tin từ Tập đoàn Novaland cho biết, đầu tháng 4 tới, tập đoàn này sẽ tung ra thị trường dự án nghỉ dưỡng Novaworld Đà Lạt có quy mô lớn nhất tại thành phố nghỉ dưỡng này.
Dự án Novaworld Đà Lạt tọa lạc tại một trong những cung đường hoa đẹp nhất Đà Lạt dài 30 km từ trung tâm Đà Lạt đến Sân bay Liên Khương. Với quy mô hơn 650 ha và 183 ha diện tích mặt hồ, Novaworld Đà Lạt được phát triển trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đa chức năng (Intergrated Resort), bao gồm các sản phẩm lưu trú (biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại, nhà phố, căn hộ, khách sạn) và các cụm tiện ích đặc sắc.
Không chỉ lớn nhất ở Đà Lạt, Dự án Novaworld Đà Lạt được xây dựng, quy hoạch với kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch phía Nam với việc chủ đầu tư dự án mạnh tay chi lớn để đầu tư một quần thể nghỉ dưỡng đặc trưng của hệ sinh thái rừng và hồ nguyên sơ.
Dự án còn được trang bị hệ thống tiện ích giải trí đẳng cấp như công viên thú hoang dã gần 300 ha; khu thể thao phức hợp; công viên nước; trung tâm giải trí gia đình, bể bơi nước mặn, bể bơi thác nước, nhà hàng bể cá đại dương, kênh đua thuyền Kayak…
Với định vị là dự án “độc”, nên giá bán dự kiến ra thị trường không phải ai cũng có thể với tới. Theo chia sẻ từ chủ đầu tư, Novaworld Đà Lạt chia làm 10 giai đoạn đầu tư và phát triển; trong đó giai đoạn 1 có 240 căn dinh thự diện tích từ 600 - 1.000 - 2.000 m2 với mức giá từ 33 tỷ đồng/căn diện tích 600 m2, 55 tỷ đồng/căn diện tích 1.000 m2 và 115 tỷ đồng với căn có diện tích 2.000 m2.
Mới đây, Tập đoàn Vạn Phúc cũng công bố kế hoạch triển khai các giai đoạn tiếp theo cho dự án Khu đô thị Vạn Phúc City. Theo đó, ngân sách và các hạng mục đầu tư trong năm 2021 cho Van Phuc City dự kiến sẽ tăng đột phá lên mức 3.500 tỷ đồng với 12 hạng mục công trình trọng điểm.
Một đại dự án khác tại TP.HCM cũng bắt đầu được khởi động, đó là Khu đô thị lấn biển Cần Giờ khi mới đây, UBND TP.HCM đã ký 4 quyết định phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500” các phân khu trong Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, do Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.
Đây là dự án có quy mô cực lớn với tổng diện tích lên đến 2.870 ha và tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng. Dự án này bắt đầu triển khai từ năm 2004 với quy mô 600 ha, nhưng sau đó bất động thời gian dài do chủ đầu tư giai đoạn này không đủ tiềm lực tài chính.
Đến năm 2015, khi Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư thì dự án này mới tiếp tục được tái khởi động. Tháng 6/2020, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng.
Mặc dù chưa xác định được thời điểm khởi động cụ thể, song theo phân tích của giới chuyên môn, khi vào tay Vingroup, khả năng khu đô thị này sẽ triển khai nhanh chóng, hứa hẹn góp phần tạo sự sôi động của thị trường bất động sản TP.HCM vốn đang rất khan hàng.
Ngoài các dự án kể trên, nguồn tin từ một số doanh nghiệp khác cho biết, khá nhiều dự án lớn đang lên kế hoạch triển khai, chẳng hạn như trong hàng loạt dự án được Tập đoàn Hưng Thịnh lên kế hoạch đưa ra thị trường năm 2021 có dự án đại đô thị tại Quy Nhơn có mô lên đến hơn 1.000 ha; Tập đoàn Danh Khôi cũng cho biết, đầu quý II/2021 sẽ khởi động các dự án cao tầng tại Nhơn Hội, Bình Định…
Cần “đọc” đúng khẩu vị người mua
Nhu cầu khách hàng đang ở mức cao. Ảnh: Lê Toàn. |
Theo phân tích của giới chuyên môn, nỗi e ngại dịch bệnh đang dần qua đi với cả các chủ đầu tư và khách hàng, tuy nhiên “khẩu vị” của người mua ngày càng khắt khe hơn.
Thị trường đã và đang bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ người mua nhà không chỉ quan tâm đến câu chuyện mua để ở, mà là mua để tìm kiếm những giá trị đầu tư gia tăng, giá trị sống.
Vì vậy, yếu tố chất lượng dịch vụ và tài sản tích trữ an toàn đã trở thành tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn của người mua nhà, đồng thời là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp địa ốc chuyên nghiệp phải hướng đến.
Ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group cho rằng, trước Covid-19, dòng tiền của người mua nhà có thể tính toán được, nhưng giờ thì khó hơn vì sản phẩm phải đáp ứng cả tiêu chí đầu tư sinh lời trong tương lai và là một chỗ ở, không gian sống an toàn, tiện nghi hiện tại.
“Khẩu vị khách hàng thay đổi, dù muốn hay không, buộc các nhà phát triển dự án bất động sản phải thay đổi, nếu không muốn tụt lại phía sau”, ông Hiển nói và cho rằng, năm 2021 vẫn sẽ là một năm bất động sản thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, nhưng người mua sẽ lựa chọn khá khắt khe, chứ không có chuyện đầu tư theo phong trào như trước đây.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, nhìn nhận một cách bao quát thị trường cho thấy, khó khăn thị trường hiện nay khác hoàn toàn với cuộc khủng hoảng những năm 2008 - 2013.
Cuộc khủng hoảng trước đây là do sự đầu tư dàn trải, tình trạng đầu cơ ồ ạt không theo quy luật cung cầu và sự mất sự cân đối trong đòn bẩy tài chính; còn hiện nay, thị trường đang vận hành khá tốt theo quy luật cung cầu, tình trạng đầu cơ thổi giá không phổ biến.
“Tôi cho rằng, những khó khăn hiện nay đều mang tính tạm thời, ngay cả việc các dự án bị ách tắc thủ tục khiến giá cả tăng mạnh cũng cho thấy sức cầu lớn luôn chờ chực và đó là điều kiện quan trọng nhất để thị trường bùng nổ nếu nguồn cung được khai thông”, ông Phúc nói và nhấn mạnh, chính trong sự khó khăn này đôi khi lại hình thành nên những cơ hội mới, đó là cơ hội để các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp có cơ hội mua lại quỹ đất để phát triển các dự án chuyên nghiệp, thay vì trước đó quỹ đất bị đầu cơ tích trữ.
Đồng thời, các thủ tục phát triển dự án chắc chắc sẽ sớm được khơi thông vì đó không chỉ là mong muốn của chủ đầu tư, người mua nhà, mà còn của chính quyền khi nguồn thu ngân sách không nhỏ trông chờ vào các dự án bất động sản.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, khác biệt lớn nhất của thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay so với trước đây là hầu hết các dự án được công bố ra thị trường thời gian qua chủ yếu tập trung ở các khu vực giáp ranh nhưng không thuộc địa giới hành chính TP.HCM.
Điều này, một mặt có nguyên nhân khách quan từ sự tắc nghẽn thủ tục tại TP.HCM, nhưng các chủ đầu tư không phải không được lợi từ xu hướng ly tâm này, bởi chắc chắc tiền sử dụng đất tại các dự án này có giá rẻ hơn đáng kể so với dự án nằm trên địa giới TP.HCM, trong khi giá bán cũng “xêm xêm” vì các sản phẩm chủ yếu bán cho người làm việc tại TP.HCM
“Dự báo thời gian tới, xu hướng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào bất động sản các vùng phụ cận, nơi có hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, các dự án được phát triển bài bản, đáp ứng nhu cầu sử dụng thật, ngược lại các dự án mang tính đầu cơ sẽ gặp khó khăn”, ông Phúc dự báo.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp