24/11/2021 16:17
Khó khăn vì COVID-19, liệu doanh nghiệp có 'trống' thưởng Tết 2022?
Quỹ tiền lương, tiền thưởng của nhiều doanh nghiệp đã gần như cạn kiệt để trả lương ngừng việc cho lao động trong thời gian giãn cách. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thưởng Tết năm 2022.
Dịch COVID-19 kéo dài hai năm nay đã khiến nhiều doanh không đủ sức chống chọi và bị phá sản. Nhiều doanh nghiệp lớn tuy vẫn duy trì được hoạt động nhưng lại rơi vào tình trạng đã dùng gần hết vốn tích lũy, chưa thể có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.
Một Tết COVID buồn...
Trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có cả mức thưởng Tết Dương lịch (990 triệu đồng) và Tết Âm lịch (1,07 tỷ đồng/người) cao nhất cả nước. Thế nhưng bước sang năm 2022, thành phố này lại là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 và sẽ khó có thể giữ được vị trí dẫn đầu về tiền lương, tiền thưởng như các năm trước.
Đại diện một doanh nghiệp dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nếu như mọi năm, doanh nghiệp này thưởng Tết từ 5-50 triệu đồng tuỳ theo thâm niên, vị trí làm việc thì năm nay tình hình kinh tế khó khăn, phải dừng sản xuất thời gian dài nên mức thưởng Tết chỉ là một tháng lương cơ bản hoặc các phần quà.
Do tác động của dịch bệnh, bức tranh tiền thưởng Tết sẽ có những thay đổi không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà sẽ diễn ra trên khắp cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48.500 đơn vị, bình quân một tháng có 9.700 công ty rút lui khỏi thị trường. Điều này báo hiệu khả năng lao động ở một số ngành nghề, doanh nghiệp sẽ bị "trống" thưởng Tết.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội dự báo chỉ một số nhóm ngành phát triển như: Công nghệ thông tin, ngân hàng, thương mại điện tử… có mức thưởng Tết khả quan, tức là bằng hoặc cao hơn thưởng Tết năm 2021, số còn lại sẽ không có thưởng Tết hoặc có chỉ là thưởng bằng hiện vật...
Cũng dự báo sẽ khó có khả năng thưởng Tết cao đột biến, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh như tài chính-ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử... thì khả năng thưởng sẽ vẫn khả quan. Còn lại về tổng thể, tình hình thưởng Tết nhìn chung sẽ giảm, các lĩnh vực vẫn khó khăn là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách... khó có thưởng Tết.
Sau thời gian dài phải tạm dừng, thu hẹp sản xuất vì COVID-19, trong hai tháng cuối năm, các doanh nghiệp đang tăng tốc để hoàn thành doanh số, đơn hàng của năm 2021 để có thể duy trì mức tiền lương, tiền thưởng Tết cho người lao động.
Ông Mai Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Việt Nam cho biết vẫn khó có thể dự báo cụ thể mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trong ngành dệt may vào thời điểm này vì doanh nghiệp đang tập trung sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Việc thưởng Tết sẽ tùy thuộc vào doanh số và tình hình làm ăn tới hết năm 2021 của từng doanh nghiệp.
Chia sẻ khó khăn với người lao động
Trong dịp Tết Dương lịch năm 2021, mức thưởng Tết Dương lịch (bình quân là 2,34 triệu đồng/người) đã tăng 151% so với năm 2020. Đây là mức thưởng Tết Dương lịch bình quân cao nhất từ trước đến nay. Sở dĩ có sự tăng đột biến vào thời điểm ấy là do nhiều doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động trong bối cảnh đời sống của người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Điều này thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp đối với một năm bị giảm giờ làm, giảm thu nhập của người lao động.
Thưởng Tết chính là một trong những giải pháp để giữ chân lao động sản xuất ổn định và các doanh nghiệp đều quan tâm tới thưởng Tết cho người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động để phục hồi sản xuất. Do đó, thưởng Tết năm nay mặc dù sẽ không tăng, thậm chí nhiều ngành có thể thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ có kế hoạch hỗ trợ người lao động.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng dù Bộ Luật Lao động không quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho lao động nhưng từ lâu, người Việt đã có văn hóa thưởng Tết.
“Tiền thưởng là cách để doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường,” ông Quảng nói.
Trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tiền lương, tiền thưởng Tết của người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có 8 triệu lao động được chăm lo Tết (mức 300.000 đồng/người) từ nguồn kinh phí công đoàn.
Các hoạt động tổ chức chăm lo Tết, gồm tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc tết đoàn viên lao động, nhất là người trong khu cách ly, phong tỏa, mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế…
Theo kế hoạch, người lao động còn được công đoàn các cấp hỗ trợ tổ chức phương tiện đưa đón hoặc toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để về quê ăn Tết và quay trở lại nơi làm việc đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19. Với công nhân lao động không về quê, chương trình trực tuyến "Tết không xa nhà" hoặc tương tự sẽ được tổ chức.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp