Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Khi nhà đầu tư bị chặn quyền

Chứng khoán

14/06/2021 07:24

Sự thiếu nhất quán trong việc áp dụng cơ chế giao dịch trên HoSE trong tuần qua, cũng như tình trạng tàu lượn, đơ lác của bảng điện có thể đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho nhiều nhà đầu tư.

Những diễn biến khó giải thích

Những rủi ro pháp lý tiềm tàng từ việc áp dụng chặn sửa/huỷ lệnh theo kêu gọi của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) sau cuộc họp với lãnh đạo Top 20 công ty chứng khoán lớn nhất tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng như làn sóng bức xúc phản đối của các nhà đầu tư trên khắp các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, đủ tạo áp lực để nhiều công ty chứng khoán mở lại chức năng sửa/hủy lệnh từ phiên giao dịch 9/6/2021. Cũng khá kỳ lạ, bảng điện HoSE lại ít bị “đơ” hơn.

Và cũng thật trùng hợp, ngay sau khi Thanh tra Bộ Tài chính công bố sẽ thanh tra hành chính HoSE, hệ thống giao dịch HoSE ngày 11/6 dường như “nuột” hơn hẳn.

Sự co giật trong việc áp dụng chính sách giao dịch, cũng như tình trạng thực hiện loạn xạ, không công bằng trên thị trường khi nhà đầu tư “VIP”, tự doanh công ty chứng khoán và nhiều công ty chứng khoán nhỏ vẫn được hủy/sửa lệnh khiến không ít nhà đầu tư loạn nhịp trong giao dịch.

Ông Phan Dũng, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại TP.HCM, ví von, giao dịch mà không thể thấy giá mua bán, hệ thống chậm, nghẽn, giống như việc lái một chiếc xe hơi mà không có gương chiếu hậu, không có vô lăng, thậm chí bánh xe cũng gặp trục trặc.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), nhận xét: “Khi bảng điện chập chờn, nhà đầu tư rất khó biết giá cổ phiếu đang ở vùng nào, chỉ cần đặt sai lệnh là có thể 'chịu trận' đến hết phiên giao dịch, bỏ lỡ cơ hội đầu tư, hoặc chốt lời, cắt lỗ kịp thời. Để lệnh chắc chắn được khớp, nhà đầu tư gần như chỉ còn cách dùng lệnh thị trường".

Lệnh thị trường có nghĩa là mua hoặc bán bằng mọi giá trong biên độ. Bởi vậy, nếu đang ở thời điểm bán quá, tâm lý nhà đầu tư tiêu cực, đây sẽ là ngọn đuốc châm ngòi cho một đợt bán tháo trên diện rộng.

Các số liệu trong phiên giao dịch tuần qua đã chứng minh sự thiệt hại nằm ở phía nhà đầu tư cá nhân, khi họ là nhóm giao dịch mạnh nhất trên thị trường.

Cụ thể, các phiên thị trường giảm điểm mạnh, giá trị giao dịch trên HOSE cao hơn hẳn phiên tăng điểm (xem bảng). Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên giảm giá mạnh nhất trong khu vực, giảm mạnh thứ 2 trên thế giới như phiên 8/6, trong khi sắc xanh bao phủ các sàn chứng khoán châu Á.

Khi nhà đầu tư bị chặn quyền ảnh 1

“Quá tải tại một thời điểm” là nguyên nhân được lãnh đạo HOSE đưa ra để lý giải cho việc tại sao bảng điện tử bị đơ, giật cục ngay từ đầu giờ giao dịch tại cuộc họp với các lãnh đạo công ty chứng khoán lớn.

Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao trong phiên 7 - 8/6, khi các công ty chứng khoán lớn chiếm tới 70% thị phần giao dịch trên HoSE đều đồng loạt chặn, hủy sửa lệnh (số lượng lệnh sửa, hủy theo chia sẻ của ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE tại cuộc họp trên, chiếm gần 30% số lượng lệnh trong một phiên giao dịch) thì bảng lại đơ trầm trọng.

Trong khi tuần trước vẫn cho hủy/sửa lệnh, bảng lại trơn tru hơn và thực tế cũng cho thấy các phiên giao dịch ngày 10-11/6, khi các công ty chứng khoán đã cho phép hủy/sửa lệnh trở lại, bảng điện chạy khá nuột nà, việc trả lệnh từ HoSE về các công ty chứng khoán cũng rất nhanh, thay vì mất tới 10 - 15 phút như 2 phiên đầu tuần.

Và một điều khó hiểu khác nữa, nếu hệ thống được cho là tự động, không thể can thiệp theo ý chí chủ quan của một vài ai đó, thì tại sao chỉ số VN30 lại chạy và hiển thị rất nuột?

Phải chăng vì chỉ số này liên quan đến chứng khoán phái sinh nên không thể để bị rơi vào tình trạng đơ, giật cục như VN-Index? Giám đốc một công ty công nghệ nhận xét, nếu hệ thống tự động và không thể can thiệp, chỉnh sửa thì chỉ số VN30 cũng sẽ đơ như chỉ số VN-Index, vì chúng được lập trình theo các thuật toán tự động.

Bao giờ tâm lý nhà đầu tư hết bất định?

Anh Vũ Đức, một nhà đầu tư tại Hà Nội nhận định, nếu tình trạng nghẽn lệnh, bảng điện không hiển thị kịp thời diễn biến giao dịch, thì nhà đầu tư sẽ dần mất niềm tin vào thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, việc mua bán trở nên tù mù, dễ bị hớ.

“Dường như HoSE chỉ quan tâm đến vấn đề số lượng lệnh, giá trị khớp lệnh tăng cao, thu phí nhiều, mà quên mất yếu tố tâm lý của nhà đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Trong khi đó, chính nhà đầu tư là những cá thể tạo nên cung cầu để phản ánh giá của cổ phiếu”, anh Đức nói.

Anh Đức mong muốn HoSE sẽ xử lý triệt để việc bảng giá không hiển thị chính xác, kịp thời như hiện nay, đồng thời, Sở cần xử lý tình trạng lệnh chờ khoảng 10 phút mới vào được sàn, giúp nhà đầu tư đặt lệnh với giá hợp lý và khớp đúng giá mong muốn.

Các nhà đầu tư có thể chỉ cần hệ thống khớp 20.000 tỷ đồng/phiên còn hơn là khớp 30.000 tỷ đồng/phiên như hiện tại để rồi mua bán hớ, hủy/sửa lệnh không được.

“Các nhà đầu tư có thể chỉ cần hệ thống khớp 20.000 tỷ đồng/phiên còn hơn là khớp 30.000 tỷ đồng/phiên như hiện tại để rồi mua bán hớ, hủy/sửa lệnh không được, rất rủi ro”, anh Đức yêu cầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đẩy khó cho nhà đầu tư, HoSE nên phân bổ lại số lượng lệnh khoán cho các công ty chứng khoán thành viên.

Theo đó, những công ty có ít khách hàng san sẻ bớt hạn mức số lượng lệnh cho các công ty lớn, có nhiều nhà đầu tư. Hiện tại, có công ty chứng khoán nhỏ được cấp hạn mức 5.000 lệnh/ngày, nhưng thực tế chỉ sử dụng khoảng một nửa, rất lãng phí tài nguyên, làm mất cơ hội giao dịch của nhà đầu tư khác.

Tìm hiểu các thị trường chứng khoán thế giới, nhà đầu tư Mai Thanh cho biết, tại nhiều thị trường, chẳng hạn Philippines, pháp luật hoặc bản thân các công ty chứng khoán có quy định về việc ưu tiên lệnh giao dịch của nhà đầu tư trước lệnh giao dịch tự doanh, nhưng tại Việt Nam chưa thấy quy định này.

“Bản thân các công ty chứng khoán vừa là nhà cung cấp dịch vụ (môi giới), vừa thực hiện tự doanh (nhập lệnh mua bán cho chính mình), nên việc ưu tiên lệnh nào thì chỉ người trong cuộc mới biết. Đáng lẽ, thay vì cấm nhà đầu tư sửa/hủy lệnh, công ty nên hạn chế bớt lệnh tự doanh”, chị Thanh nêu quan điểm.

Trong bối cảnh thị trường đang gây rất nhiều phản ứng từ nhà đầu tư, tuần qua, Bộ Tài chính đã quyết định thanh tra hành chính H0SE. Nhiều nhà đầu tư mong đợi đây sẽ là cuộc thanh tra thiết thực và đưa ra những kết luận công tâm, khách quan.

Ngày 8/6/2021, VN-Index ghi nhận mức giảm mạnh thứ 2 trên thế giới. Mức giảm này gấp 10 lần mức giảm của thị trường Singapore (-0,27%), 20 lần thị trường Hàn Quốc (-0,13%), còn thị trường Thái Lan, Malaysia hay Philippines ngập trong sắc xanh.

HOÀNG MINH - THỦY ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement