26/01/2021 08:37
Khi nào Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden gặp nhau?
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, ông sẽ phải cân nhắc xử lý quan hệ với một Trung Quốc rất khác so với đất nước mà ông đã từng đối phó khi giữ chức phó tổng thống hơn bốn năm trước.
Nhà Trắng cho biết các cuộc điện đàm đầu tiên của Biden tới các nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, sau đó tới các đối tác và đồng minh khác của Mỹ để "xây dựng lại các mối quan hệ đó và giải quyết những thách thức và mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt.
Do chính quyền Donald Trump trước đây coi Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền là một trong "các mối đe dọa", nên câu hỏi được đặt ra là liệu các cuộc đối thoại sớm giữa Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả thi và có thể giúp khắc phục mối quan hệ đang ở mức thấp nhất trong 40 năm gần như trên mọi lĩnh vực hay không.
Bắc Kinh đã kêu gọi hai cường quốc nối lại đối thoại sau 4 năm chính quyền Trump theo đuổi cách tiếp cận diều hâu, phá bỏ chuẩn mực, mà trong vài tháng cuối cùng đã đẩy mâu thuẫn với Trung Quốc lên cao trào trong các vấn đề như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và Biển Hoa Nam (Biển Đông).
Cơ hội để Biden và Tập Cận Bình gặp nhau trong năm nay có thể kể đến Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 10/2021 tại Rome, Italy. Lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo gặp nhau là vào tháng 9/2015 khi Tập Cận Bình tới thăm Washington trong nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama.
Vài ngày trước khi Biden nhậm chức, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải thư trả lời của Tập Cận Bình đối với bức thư của cựu Chủ tịch Starbucks Howard Schultz, trong đó Tập Cận Bình kêu gọi chuỗi cà phê này đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, thể hiện mong muốn cải thiện mối quan hệ với chính quyền mới.
Mối quan hệ cạnh tranh chiến lược đã tăng lên khi Bắc Kinh ngày càng quyết đoán chống lại trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong lúc giới lãnh đạo ở Washington ngày một đồng thuận trong việc tăng cường cứng rắn với Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng Tập Cận Bình sẽ hăng hái hơn nữa để ngăn chặn sự tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi Biden sẽ tập trung hơn vào các ưu tiên trong nước, bao gồm đối phó với đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế và căng thẳng sắc tộc.
Các nhà quan sát nhận định quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cũng trở nên rõ nét hơn kể từ khi Biden làm phó tổng thống, và Mỹ sẽ khó có khả năng quay trở lại chính sách can dự vì điều đó không thay đổi được Trung Quốc.
Triệu Minh Hạo (Zhao Minghao), chuyên gia cấp cao tại Đại học Thanh Hoa, nói rằng ảnh hưởng của mối quan hệ cá nhân giữa chủ tịch Trung Quốc với các tổng thống Mỹ đã suy giảm, và một cuộc đối thoại song phương sẽ chỉ diễn ra bên lề các hội nghị đa phương, nhưng điều đó chưa thể sớm xảy ra.
Ông nói: “Tầm quan trọng của ‘ngoại giao nguyên thủ’ đối với quan hệ Mỹ-Trung đã suy giảm trong hơn 10 năm qua. Tập Cận Bình và Biden đã biết rõ về nhau. Tuy nhiên, sự quen thuộc đó có thể trở thành một chất xúc tác hoặc một gánh nặng, đặc biệt là khi Biden bị chỉ trích tại quê nhà vì tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc.
Với quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi, hai nguyên thủ khó có thể gặp nhau trong các sự kiện song phương. Họ có nhiều khả năng tổ chức các cuộc họp song phương trong khuôn khổ đa phương, chẳng hạn như G20 và (bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào trong tương lai) về cuộc chiến chống COVID-19. Và hai bên được dự đoán sẽ không sớm gặp gỡ nhau”.
John Lee, chuyên gia cấp cao tại Viện Hudson, cho rằng Tập Cận Bình muốn đối thoại với Biden càng sớm càng tốt để đưa mối quan hệ Mỹ-Trung thoát khỏi giai đoạn căng thẳng, và ngay cả khi hai bên không tiến hành điện đàm sớm, thì họ vẫn có thể đối thoại khi cùng tham dự một sự kiện, chẳng hạn như G20.
Ông nói: “Tập Cận Bình sẽ nhanh chóng nhận ra rằng Biden sẽ không trở lại cách tiếp cận của thời Obama khi giải quyết các vấn đề khó khăn với Trung Quốc. Cách tiếp cận của Biden sẽ có phần bớt đối địch công khai hơn so với Trump, nhưng sẽ tiếp tục hối thúc các vấn đề tương tự”.
Denny Roy, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, cho rằng Tập Cận Bình muốn hợp tác với Biden trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và quay trở lại quan hệ kinh tế trước thời Trump, nhưng Biden sẽ nêu ra nhiều vấn đề gây tranh cãi hơn như nhân quyền và đánh cắp tài sản trí tuệ.
Ông nói rằng việc hợp tác sẽ trở nên khó khăn bởi người Mỹ coi Trung Quốc đã phản bội lại niềm tin rằng họ sẽ tự do hóa và chấp nhận các chuẩn mực quốc tế, trong khi giới tinh hoa Trung Quốc coi Mỹ sẽ không khoan nhượng với Trung Quốc bởi sức mạnh đang lên của Trung Quốc hơn là bởi hành vi của họ.
Như vậy, điều gì sẽ thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Biden và Blinken? Chuyên gia Roy nói: “Bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi kể từ thời Obama. Bởi hai quốc gia coi nhau là những mối đe dọa an ninh, nên họ sẽ nghĩ nhiều về lợi ích tương đối hơn là lợi ích tuyệt đối. Đặc biệt, Mỹ có nhiều khả năng sẽ từ chối hợp tác để ngăn chặn Trung Quốc đạt được lợi ích".
Biden có kinh nghiệm đối đầu với Trung Quốc trong hơn bốn thập kỷ sự nghiệp chính trị của mình. Ông nằm trong phái đoàn Quốc hội đầu tiên của Mỹ đến Trung Quốc vào năm 1979 sau khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, đến thăm Bắc Kinh vào năm 2001 trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2011, ông đã nói với Tập Cận Bình rằng ông hy vọng “mối quan hệ cá nhân” của họ sẽ “tiếp tục tiến triển".
Trong giai đoạn vận động tranh cử - với sự chỉ trích ngày càng tăng của Mỹ đối với Trung Quốc về đại dịch và bóng ma của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai nước - Biden đã có những lời lẽ gay gắt hơn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, gọi ông là một "kẻ côn đồ" khi nhắc đến sự đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương.
Biden nói: “Tôi đã có nhiều thời gian tương tác với Tập Cận Bình hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào vào thời điểm tôi rời nhiệm sở (dưới chính quyền Obama). Tập Cận Bình là một nhân vật không hề có dòng máu ‘dân chủ’ nào trong người”.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement