14/02/2020 07:45
Khẩu vị của quỹ ngoại
Một số quỹ hiện đầu tư “tất tay” vào cổ phiếu, chủ yếu thuộc các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, viễn thông, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, nguyên vật liệu…
Hai phiên cuối tháng 1/2020, chỉ số VN-Index giảm mạnh trước nỗi lo bệnh cúm do virus Corona bùng phát khiến kết quả hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài suy giảm mạnh.
Trong tháng đầu năm, VN-Index giảm 2,5%, nhưng Vietnam Holding báo cáo tỷ suất lợi nhuận đầu tư âm 5,6%; tương tự, Tundra Vietnam -4,9%, PXP Vietnam Emerging Equity Fund -5,29%, Matthews Emerging Asia Fund -2,73%, Pyn Elite Fund -0,9%.
Theo báo cáo ngày 11/2 của Tundra Vietnam, kết quả kém tích cực của Quỹ kể từ đầu năm tới nay chủ yếu bởi diễn biến kém khả quan của cổ phiếu FPT, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục cổ phiếu nắm giữ (8,6%).
Tuy nhiên, Tundra nhận định, đây chỉ là tình trạng tạm thời và cổ phiếu này sẽ nhanh chóng quay lại mức giao dịch cũ, khi nỗi lo về virus Corona lắng xuống.
Hiện tại, các lĩnh vực như hàng không, du lịch, giải trí, bán lẻ và sản xuất là nhóm chịu tác động tiêu cực nhất bởi dịch cúm, do nhiều hoạt động tại Trung Quốc bị đình trệ.
Việc tập trung đầu tư lớn vào lĩnh vực tài chính và ít hơn tại lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng đã giúp Tundra phần nào hạn chế được những tổn thất.
Thực tế, kỳ vọng về kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng sẽ giúp cổ phiếu của các nhà băng giữ được sức hút trong thời gian tới.
Theo đó, Tundra Vietnam duy trì tỷ trọng đầu tư lớn tại lĩnh vực tài chính (24%), bất động sản (20%), nguyên vật liệu (15%), hàng tiêu dùng (13%).
Tính tới nay, Quỹ không nắm giữ tiền mặt, mà đang đầu tư hoàn toàn vào cổ phiếu.
Nhận định về diễn biến thị trường hiện tại, Vietnam Holding cho rằng, hàng không và du lịch là 2 lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch cúm, với các quy định hạn chế đi lại tạm thời giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên, tác động trong ngắn và trung hạn là khó xác định, bởi thiếu các cơ sở để so sánh.
Năm 2003, khi dịch SARS xảy ra, thị trường chứng khoán Việt Nam mới đang ở thuở sơ khai, nên thiếu các căn cứ chính xác để đưa ra phán đoán trong thời điểm hiện nay.
Trong bối cảnh này, Vietnam Holding duy trì danh mục các khoản đầu tư có khả năng tăng trưởng tích cực trong 3 - 5 năm tới, đồng thời chú trọng tới những lợi ích mà mục tiêu ESG (môi trường - xã hội - quản trị) mang lại cho các doanh nghiệp.
Về cơ cấu, nhóm bán lẻ đang chiếm tỷ trọng lớn nhất (24%), tiếp theo là hàng hóa và dịch vụ công nghiệp (20%), bất động sản (17%), viễn thông (12%), ngân hàng (9%)… trong danh mục đầu tư của Vietnam Holding.
Qũy này đánh giá, về dài hạn, những thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, sự tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại hiện đại và sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu dùng sẽ là những chất xúc tác kích thích đối với các khoản đầu tư của Qũy, gồm các doanh nghiệp tập trung vào việc làm ăn tại thị trường nội địa.
Với Pyn Elite, kể từ đầu năm 2020 tới nay, danh mục đầu tư của Quỹ có biến động đáng chú ý khi cổ phiếu VietinBank (CTG) liên tục được gia tăng tỷ trọng.
CTG lần đầu xuất hiện trong danh mục của Pyn Elite với mức 2,18% và nhanh chóng tăng lên 10,1% hiện tại.
Thực tế, ngân hàng đang là nhóm được quỹ ngoại này ưa chuộng bậc nhất, khi 3 ngân hàng TP Bank, HD Bank và VietinBank chiếm gần 30% danh mục đầu tư.
Pyn Elite đánh giá, lĩnh vực ngân hàng đã có màn biểu diễn vượt trội trong năm 2019, tiếp theo đó là nhóm bảo hiểm, công nghiệp bán lẻ…, đối lập với kết quả hoạt động của nhóm công ty chứng khoán.
Đây là một trong các lý do khiến Quỹ tiếp tục rót vốn vào nhóm ngân hàng và công nghiệp bán lẻ.
Với khoản đầu tư vào VEAM, Pyn Elite nhận định, đây là doanh nghiệp có triển vọng tích cực và đặt niềm tin vào sự phát triển của ngành ô tô trong 5 năm tới.
Theo đó, cổ phiếu VEAM đang chiếm 9,34% trong danh mục đầu tư của Quỹ và đứng thứ 3 trong Top 10 cổ phiếu nắm giữ nhiều nhất.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp